Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần, Hải Dương
Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chất liệu: Gốm
- Niên đại: Thế kỷ XIII – XIV
- Giá trị:
Chum (thạp) gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần là hiện vật quý hiếm có nguồn gốc, xuất xứ, hồ sơ khoa học rõ ràng, được phát hiện trong quá trình nhân dân đào huyệt tại nghĩa trang xã Hiệp An, huyện Kim Môn (nay là thị xã Kinh Môn) tỉnh Hải Dương, ngày 06/12/1981. Trải qua thời gian, biến động xã hội, đặc biệt là các cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc, dòng gốm hoa nâu nói chung và loại hình thạp gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần còn tồn tại nguyên bản đến hôm nay là một may mắn của lịch sử. Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần có chiều cao 45cm, đường kính miệng 30cm, thân chỗ lớn nhất 48cm, đường kính đáy 34 cm, dày khoảng 1cm, nặng 20kg. Thạp có gờ miệng hơi loe, cổ thấp, vai phình, thân cong, thuôn dần xuống đáy, đáy bằng. Đây là kiểu dáng khác lạ và hiếm, chứng minh tính độc đáo của thạp gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần.
Đề tài trang trí hoa văn trên thạp gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần cũng thể hiện tính thời đại sâu sắc - đó là yếu tố Phật giáo truyền thống Đại Việt thế kỷ XIII - XIV. Có lẽ không dòng gốm nào lại thấm đẫm yếu tố Phật giáo như gốm hoa nâu với hình tượng hoa sen, lá sen, đài sen... được thể hiện đậm đặc trên từng chi tiết của mỗi sản phẩm, trong đó có thạp (chum) gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần. Thông qua lối đắp, chạm khắc, vẽ tả thực của những hình khối mập mạp, khỏe khoắn, mạch lạc chúng ta cũng còn thấy được tinh thần thượng võ, tự tôn dân tộc của một triều đại (triều Trần).
Đồ gốm là một trong những phát minh quan trọng nhất của lịch sử nhân loại. Việc sáng tạo ra đồ gốm đã làm cho con người tiến một bước dài trong lịch sử văn hóa, văn minh, đặc biệt là trong kỹ thuật chế tạo các sản phẩm gốm. Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần có kích thước tương đối lớn, được đắp nổi, tạo khắc hoa văn, tráng men, tô men và nung đốt hoàn toàn không có tỳ vết,… là những đặc trưng kỹ thuật hiếm có của thạp gốm hoa nâu thời Trần; Kỹ thuật sản xuất chạm khắc, đắp nặn, dán và phối hợp màu men trang trí đã thể hiện trình độ kỹ - mỹ - thuật cao của người nghệ nhân gốm đương thời; đồng thời cũng tạo sự riêng biệt, đặc trưng riêng của gốm hoa nâu thời Trần. Đó cũng là những yếu tố quan trọng để xác định loại hình và niên đại thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) của thạp (chum) gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần ở Bảo tàng tỉnh Hải Dương; Đồ án trang trí hoa văn cũng thể hiện rõ sự độc đáo về mặt thẩm mỹ của thạp gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần. Đó là hoa văn được mô tả hết sức sinh động, tự nhiên và chân thực. Các nét chạm chắc khỏe, rõ ràng, mạch lạc thể hiện rõ phong cách của thời Trần.
Với hình dáng, kích thước và đặc biệt là đồ án hoa văn trang trí hiếm, thạp gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần thực sự là tác phẩm nghệ thuật, đặc sắc, quý hiếm bằng gốm men nâu có nhiều hoa văn trang trí đẹp còn tồn tại đến ngày nay. Vẻ đẹp của thạp gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần là vẻ đẹp của sự kết hợp giữa điêu khắc và hội họa; của những hình khối mập mạp, khỏe khoắn, mạch lạc, kết hợp với những đường nét, những mảng màu, mảng hình đơn giản, đồ án trang trí mang nội dung gần gũi với cuộc sống thường ngày. Đây cũng là tiêu bản gốm tiêu biểu cho dòng gốm hoa nâu thời Trần nói riêng và gốm hoa nâu Việt Nam nói chung./.
Thúy Hà
(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)