Ngày 26 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Chuông chùa Vân Bản

* Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

* Số đăng ký: LSb.18165

* Chất liệu: Đồng

* Kích thước: Cao: 127 cm; ĐK miệng: 80 cm

* Số lượng: 01

* Miêu tả: Chuông có hình trụ đứng, miệng loe, được trang trí bởi các cánh sen kép.

Quai chuông trang trí hai con rồng đấu lưng vào nhau, chỏm quai được tạo bởi hình búp sen, thân rồng trang trí  vẩy cá chép.

Thân chuông được chia bởi các đường gân ngang dọc tạo thành 8 ô, trên mỗi ô hình thang đứng, 4 ô dưới hình chữ nhật. Trong hai ô trên có hai bài minh khắc bằng chữ Hán, 4 ô dưới để trên. Chuông có 6 núm tròn, xung quanh mỗi núm tạo hình bông hoa cúc nhiều cánh. Vành miệng chuông trang trí 52 cánh sen kép. Minh văn trên một ô nói về việc cúng ruộng đất vào chùa và chức Quan Tả Bộc Xạ.

* Hiện trạng:  Sứt mất chân rồng.

* Niên đại: Thế kỷ 13 - 14 Triều Trần.

* Nguồn gốc, xuất xứ:  Chuông được tìm thấy tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng năm 1958.

* Lý do lựa chọn: Chuông chùa Vân Bản là cổ vật độc bản, có niên đại thời Trần gắn với với chùa Vân Bản, tháp Tường Long ở vùng Đồ Sơn (Hải Phòng).

Chuông có trang trí rồng trên quai, băng cánh sen trên các núm gõ và vành miệng, phản ánh đặc trưng nghệ thuật Phật giáo thời Trần.

Chuông có minh văn là sử liệu văn bản quý giúp cho việc nghiên cứu lịch sử, chức danh và Phật giáo ở thời Trần.

Chuông được trưng bày, giới thiệu tại hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nhiều cuộc trưng bày chuyên đề ở nước ngoài, xuất hiện trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học giới thiệu về lịch sử Việt Nam ở trong và ngoài nước.

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website