Ngày 26 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Chuông Nhật Tảo

Chuông Nhật Tảo hiện đang lưu giữ tại đình Nhật Tảo, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Đồng

- Niên đại: Thế kỷ X

Chuông có kích thước cao 32cm, đường kính miệng 19cm, cao quai chuông 7cm, trọng lượng 6000gram. Chuông được đúc theo lối thượng thu hạ thách (trên thon, dưới nở). Quai chuông đúc nổi đôi thú (giống như Ly Thủ) đấu lưng vào nhau, uốn cong tạo thành núm treo chuông. Thú có đầu to, mắt lồi, hai sừng thẳng, bờm ôm sát đầu, thân có vảy, hai chân và miệng ngậm tỳ xuống đỉnh chuông tạo thế vững chắc cho quai chuông. Chỏm quai tạo hình núm tròn dẹt nhô lên nhưng không phải là hồ lô như trên các quai chuông sau này. Đỉnh chuông bằng, vai xuôi, thân hình trụ, miệng loe có gờ, thành chuông dày. Thân chuông được phân cách bởi 05 đường đúc nổi ngang dọc, tạo thành 8 ô, phần trên là 04 ô hình thang đứng, phần dưới là 04 ô hình chữ nhật. Nằm giữa 05 đường đúc nổi nêu trên là 04 núm gõ (để đánh chuông), núm tròn, tạo hình bông hoa nở, xung quanh có 12 cánh hoa. Phần trên của mặt ngoài chuông khắc chìm chữ Hán, theo lối chữ chân, còn khá rõ, phủ kín cả 04 ô hình thang và khoảng trống giữa những đường đúc dọc (gồm 27 cột, 211 chữ).

Chuông Nhật Tảo là cổ vật độc bản, được xem là quả chuông duy nhất ở Thế kỷ X được phát hiện cho đến nay ở Việt Nam. Bài minh trên chuông có thể coi là một trong những sử liệu chữ viết sớm nhất của thời kỳ tự chủ trong lịch sử dân tộc được biết cho đến nay. Chuông có hình dáng độc đáo, khác biệt so với các chuông chùa đã biết. Họa tiết trang trí trên chuông thể hiện đỉnh cao của của nghệ thuật điêu khắc và kỹ thuật đúc đồng thời bấy giờ. Minh văn trên chuông là nguồn sử liệu cho việc tìm hiểu xã hội người Việt thời tự chủ, giúp nghiên cứu lịch sử làng xã, tôn giáo của người Việt thế kỷ X. Đây là hiện vật đầu tiên và duy nhất được biết cho đến nay thể hiện mối quan hệ song hành giữa Đạo giáo và Phật giáo, làm cơ sở cho việc hình thành tư tưởng Đạo - Phật - Nho cùng đồng hành trong đời sống tâm linh của người Việt thời Lý - Trần./.

 

                                      Thúy Hà

 Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa

Liên kết website