Ngày 28 tháng 3 năm 2024
Liên kết website

Cuốn “Đường Kách mệnh”

Chất liệu: Giấy.
Kích thước: 22cm x 15cm.
Niên đại: Năm 1927.
Loại hiện vật: Hiện vật liên quan đến danh nhân.

Miêu tả tóm tắt: Sách hình chữ nhật, gồm 100 trang in litô. Trang bìa có đóng dấu hình êlíp màu tím  của Bộ… (bị mất chữ) và dòng chữ Liên hiệp Hội Việt Nam Hữu bộ, Bị áp bức dân tộc Liên hiệp Hội Tuyên truyền Bộ Ấn hành. 

Giá trị tiêu biểu: Hiện vật có giá trị đặc biệt, liên quan đến cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Đường Kách mệnh” là tập hợp những bài giảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Châu, Trung Quốc những năm 1925 - 1927 do Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông ấn hành bí mật và được chuyển về nước. “Đường Kách mệnh” là sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác- Lê nin về đấu tranh giải phóng dân tộc gắn với cách mạng vô sản, là nền tảng cho việc tìm hướng đi mới cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam và được coi là văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối của cách mạng Việt Nam, và là cẩm nang quý, định hướng cho mọi hoạt động của cách mạng Việt Nam ở thời điểm đó và các giai đoạn tiếp theo. “Đường Kách mệnh” đề cập một cách sâu sắc  việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Đảng có tư cách đạo đức, được coi là vấn đề mấu chốt có tính quyết định  thành bại của cách mạng Việt Nam. Đường Kách mệnh còn có một giá trị về phương pháp tổ chức cách mạng.

Những thắng lợi huy hoàng của dân tộc ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, những thành tựu có ý nghĩa lịch sử  trong những năm qua đều bắt nguồn và gây dựng từ những giá trị lý luận cách mạng và khoa học của tác phẩm “Đường Kách mệnh”. Những tư tưởng cách mạng có tính thuyết phục cao của tác phẩm còn có tác dụng cổ vũ, giáo dục các thế hệ thanh niên và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cuốn “Đường Kách mệnh” đã được lưu giữ hơn nửa thế kỷ qua. Tất cả những công trình nghiên cứu về tác phẩm này đều lấy “Đường Kách mệnh” là nguồn tài liệu gốc. 

Đơn vị lưu giữ: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)
Liên kết website