Ngày 21 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

Đại hồng chung chùa Thiên Mụ

* Tên khác: Chuông chùa Thiên Mụ

* Tên đơn vị và cá nhân lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)

* Chất liệu: Đồng

* Kích thước: Cao 240cm (thân cao:188cm; quai cao:52cm); Đường kính miệng: 140cm; Đường kính thân: 114,6cm

* Trọng lượng: 3285 cân thời chúa Nguyễn (tương đương 1.985,8kg)

* Số lượng: 01

* Miêu tả: Đại hồng chung có hình dáng cân đối, hoa văn và những motif trên thân chuông được chạm trổ tinh vi, sắc nét.

Từ trên xuống, đầu tiên là phần quai chuông tạo hình con bồ lao 2 đầu quay ra 2 phía; 4 chân trước của bồ lao gắn với đỉnh chuông. Thân bồ lao uốn cong lại, trên lưng là một bông sen. Râu, mắt, vi, kỳ lưng và chân của bồ lao đều được chạm khắc rất tinh vi.

Thân chuông trang trí nhiều motif hoa văn biểu thị tính tổng hợp và siêu nghiệm của triết lý Đông phương. Chính giữa đỉnh chuông có một lỗ tròn nhỏ, là nơi để thoát bớt sức ép của âm thanh mỗi khi đánh chuông nhằm tránh sự rạn vỡ thân chuông do tác động của âm thanh gây ra. Từ phần chân con bồ lao trở ra, có nhiều đường tròn nhỏ, thanh mảnh, bao quanh vai chuông và phân chia thân chuông thành nhiều phần trang trí khác nhau.

Giữa đường thứ nhất và đường thứ hai rộng 4cm, không trang trí. Giữa đường thứ hai và đường thứ ba rộng 6cm, được trang trí những chấm tròn đúc nổi tạo thành 4 nhóm, mỗi nhóm có 7 chấm. Giữa đường thứ ba và đường thứ tư rộng 8cm được trang trí hoa văn bằng các đường uốn mảnh nối tiếp nhau lên xuống.

Phần vai chuông kế tiếp rộng 10cm, trang trí 4 hình rồng và 4 hình chim phụng xen kẽ nhau. Mỗi hình rồng dài 3cm, cứ cách một khoảng 7cm là hình chim phụng dài 3cm. Đuôi chim có 3 nhánh uốn lượn như dải lá, kéo từ thân chim ra sau dài hơn 2cm; 2 chân chim xuôi về đằng sau, uốn lượn theo hình lông đuôi. Cánh chim giang rộng, cổ và đầu chim uốn cong, hướng về phía trước theo tư thế đang bay. 4 con chim phụng được bố trí thành 2 cặp quay đầu vào nhau. Các hình rồng cũng tạo thành 2 cặp theo motif “lưỡng long triều nguyệt”. Rồng có 5 móng, được tạo hình theo tư thế rất sinh động.

Bên dưới vành trang trí rồng phụng ở vai chuông là phần thân chuông, có 4 nhóm trang trí được tạo thành bởi các đường gờ song song với nhau. Các nhóm gờ nổi này tạo thành các ô hình chữ nhật, kích thước 7,2cm x 3,9cm. Góc trên của mỗi ô có hoa văn hình mây, ở giữa khắc 2 chữ Thọ, kiểu chữ triện, rất lớn. Quanh 4 ô này có 8 chữ “Thọ” được thể hiện theo 8 kiểu thức khác nhau. Dưới các chữ Thọ là hồi văn “cửu ngũ” rộng 10cm.

Phần chính thân chuông có những đường gờ trang trí chia thân chuông thành 4 ô đều nhau. Mỗi ô có kích thước 7cm x 6cm. Giữa mỗi ô có đúc nổi 4 chữ Hán lớn. Xung quanh các chữ Hán này là những chữ Hán nhỏ hơn, theo kiểu chữ chân, khắc chìm quanh đường viền của 4 đại tự. Cụ thể:

- Ô thứ nhất ở phần thân chuông hướng về phía tháp Phước Duyên có 4 chữ: Hoàng đồ củng cố”. Bên phải 4 chữ Hoàng đồ củng cố có khắc chìm những hàng chữ Hán nhỏ hơn: “Nguyện thử chung thanh siêu pháp giới. Thiết vi u ám tất giai văn”. Bên trái 4 chữ này là hàng chữ nhỏ hơn: “Văn trần thanh tĩnh chứng viên thông. Nhất thiết chúng sinh thành chính giác”.

- Ô thứ hai có khắc 4 chữ: Đế đạo hà xương”. Bên phải 4 chữ “Đế đạo hà xương” có khắc những hàng chữ Hán nhỏ hơn: “Văn chung thanh, phiền não khinh. Trí huệ trưởng, Bồ đề sinh. Li địa ngục, xuất hỏa khanh”. Bên trái 4 chữ “Đế đạo hà xương” là hàng chữ nhỏ hơn: “Nguyện thành phật độ chúng sinh. Úm ca la đế da ta bà ha”.

- Ô thứ ba ở trên mặt chuông nhìn về sông Hương, có khắc 4 chữ: Phật nhật tăng huy”. Bên phải 4 chữ “Phật nhật tăng huy” có khắc những hàng chữ Hán nhỏ hơn: “Đại Việt Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu, tự Động Thượng chánh tông tam thập đại, pháp danh Hưng Long, chú tạo hồng chung, trọng tam thiên nhị bách bát thập ngũ cân, nhập vu...Bên trái 4 chữ “Phật nhật tăng huy”  là hàng chữ nhỏ hơn: “...ngự kiến Thiên Mụ thiền tự vĩnh viễn cúng phụng Tam bảo”.

- Ô thứ tư có khắc 4 chữ: Pháp luân thường chuyển”. Bên phải 4 chữ “Pháp luân thường chuyển” có khắc những hàng chữ Hán nhỏ hơn: “Duy nguyện: Phong điều  vũ thuận, quốc thái dân an. Pháp giới chúng sinh, đồng viên chủng trí”.  Bên trái 4 chữ “Pháp luân thường chuyển”  là hàng chữ nhỏ hơn: “Vĩnh Thịnh lục niên, tuế thứ Canh Dần tứ nguyệt, Phật đản nhật kính tạo”.

Dưới phần khắc chữ này là một dải rộng 18cm, tạo bởi 6 đường gờ nổi nhỏ song song bao quanh thân chuông, nối liền với bốn núm lớn (đường kính 20cm), là nơi đánh chuông, được tạo hình mặt trời cách điệu với những cụm mây tỏa ra xung quanh có nhiều tầng, độ dài ngắn, đậm nhạt khác nhau.

Phần kế tiếp phía dưới các núm tròn là dải các biểu tượng biểu trưng cho 8 quẻ trong bát quáiCàn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, được đúc nổi trên thân chuông. Mỗi biểu tượng rộng 9cm, dài 12cm. Khoảng cách giữa 2 biểu tượng là 32cm. Đáng chú ý là vị trí của 8 biểu tượng thể hiện 8 quẻ ở trên chuông đều được đặt đúng theo hướng của những quẻ này trong thiên nhiên, chẳng hạn: quẻ Chấn ở hướng đông, quẻ Đoài ở hướng tây, quẻ Li ở hướng nam, quẻ Khảm ở hướng bắc.

Phía dưới dải biểu tượng của bát quái là các hình chạm nổi trong bộ bát bửu, chạy quanh sát vành miệng chuông. Các hình này được bố trí ở khoảng trống xen kẻ với 8 biểu tượng của bát quái ở phía trên, lần lượt là: gươm, đèn lồng, ống sáo, đàn nguyệt, hai cây bút lông, bầu rượu, phách, quạt vả. Mỗi vật quý đều có dải lụa có nút thắt quấn ngang. Bộ bát bửu này là sự kết hợp giữa bát bửu của Phật giáo với bát bửu của Đạo giáo. Theo L. Cadière trong bài khảo cứu Các mô tip mỹ thuật An Nam, bộ bát bửu của Đạo giáo gồm: cây quạt, kiếm, bầu hồ lô, cặp phách, giỏ hoa, ống trúc và cây roi, cây sáo, đóa hoa sen. Trên đại hồng chung chùa Thiên Mụ không có hình giỏ hoa, ống trúc và cây roi, đóa hoa sen, thay vào đó là ống sáo, đèn lồng, bút lông, là những biểu tượng trong bộ bát bửu của Phật giáo.

Phần dưới cùng của thân chuông là một đường viền nhỏ, thanh với một dải hoa văn chấm tròn chạy quanh vành chuông. Từ đường dải hoa văn này trở xuống là phần loe ra của miệng chuông, rộng 12cm, chạm nổi văn thủy ba với 4 lớp sóng lớn, 3 lớp sóng nhỏ.

Chuông được treo trên một giá đúc bằng bê tông sơn màu nâu giả gỗ. Có thể chiếc giá chuông này đã được làm lại cùng thời với đợt trùng tu điện Đại Hùng vào năm 1954. Nhà chuông có hình lục giác đều, mỗi cạnh có một cửa vòm. Có một lối đi ba bậc cấp, lát đá thanh, hai bên không có lan can. Phần nóc chia làm hai tầng, lợp ngói âm dương tráng men vàng, các bờ nóc bờ quyết đắp xi măng hình mây hóa rồng. Trên chóp gắn hồ lô bằng xi măng. Xung quanh tường quét vôi màu vàng gạch và nâu nhạt.

* Hiện trạng:

Chuông còn rất tốt, không xảy ra hiện tượng ăn mòn hóa học. Tuy nhiên thân chuông có 2 vết thủng ở phía trên biểu tượng quẻ Càn. Vành miệng chuông có một vết khoét dài khoảng 15cm, rộng 1,5cm. Văn tự và hoa văn chạm khắc trên thân chuông bị ăn mòn nghiêm trọng. Nguyên nhân ăn mòn là sự bào mòn cơ học bởi tác động trực tiếp của  khách tham quan. Có nhiều vết bẩn, chữ viết, hình vẽ bằng mực, bút chì và sơn trên chuông.

Phần nhà che chuông (chung đình) mới được trùng tu năm 2004 cùng với một số công trình khác của chùa.

- Giải pháp xử lý:

+ Bảo quản cấp thiết: Vệ sinh khoa học các vết bẩn.

+ Bảo quản phòng ngừa: Tạo vành đai bảo vệ cho bảo vật, tránh sự tiếp xúc trực tiếp của khách tham quan với hiện vật.

* Niên đại: 1710

* Nguồn gốc, xuất xứ: Các chữ khắc trên chuông cho biết: “Quốc chúa nước Đại Việt là Nguyễn Phúc Chu truyền thừa đời thứ 30 của Tào Động thượng chánh tông, pháp danh Hưng Long, đúc hồng chung nặng 3285 cân, nhập vào thiền tự Thiên Mụ do Chúa xây dựng để vĩnh viễn cúng dường Tam bảo”.

* Lý do lựa chọn: Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ là một tác phẩm mỹ thuật điêu khắc, hội họa và kỹ nghệ đúc đồng đặc sắc thời chúa Nguyễn. Cùng với bia và rùa đá, đại hồng chung là một trong những bảo vật của chùa Thiên Mụ và cũng là một bảo vật trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Có thể nhận xét rằng, các motif trang trí trên đại hồng chung này thể hiện tính tổng hợp và dung hòa cả 3 luồng tư tưởng lớn của Á Đông là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo. Hệ thống tư tưởng tổng hợp này đã kết hợp với tinh thần và tình cảm của dân tộc Việt Nam, rất mực nhu nhuyễn, uyển chuyển, thực tế. Tín ngưỡng, hay đúng hơn là Phật giáo Việt Nam đã không tách rời niềm tin với cuộc sống thực tế hàng ngày của nhân dân là luôn luôn cầu mong “quốc thái dân an, phong điều vũ thuận” tức là cầu mong nước nhà thái bình yên ổn, nhân dân sống hạnh phúc; cầu mong mưa thuận gió hòa để cho mùa màng được tốt; nói chung là cuộc sống được sung túc, thịnh vượng. Tất cả những hình đúc nổi, những chữ khắc chìm ở trên chuông đều biểu thị cái động, cái biến hành (le devenir) của vũ trụ, của Đạo Pháp. Rồng bò, phượng bay, cánh lá uốn lượn; ánh sáng của Phật càng ngày càng tăng độ sáng chói; bánh xe pháp luân luôn chuyển; bát quái biến dịch lưu hóa; hoa văn thủy ba luôn luôn xao gợn không lúc nào yên; mặt trời với những vầng lửa cuồn cuộn soi sáng ra xa...

Nói chung, những hoa văn, những motif được trình bày ở đại hồng chung chùa Thiên Mụ đã thể hiện triết lý Việt tức là một triết lý bao dung, không phân biệt, không chấp ngã. Đại hồng chung này là nơi duy nhất của chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Phúc Chu cho khắc bốn chữ Thiên Mụ thiền tự.

Xuất thân từ dòng dõi Nho học, bản thân lại rất mến mộ đạo Phật, tự đặt cho mình đạo hiệu rất Lão giáo là Thiên Túng đạo nhân, chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) có công rất lớn trong việc mở rộng bờ cõi về phía nam và góp phần phát triển đạo Phật kể từ khi được kế vị vào năm 1691. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã mời Thạch Liêm hòa thượng (tức Thích Đại Sán) từ Trung Hoa sang tổ chức giới đàn, truyền sa di giới và bản thân cũng được Thạch Liêm hòa thượng truyền Bồ tát giới, đặt danh hiệu là Tào Động chính tông tam thập thế, pháp danh Hưng Long. Như vậy, chúa Nguyễn Phúc Chu vừa là người nắm vương quyền, vừa là người truyền thừa đời thứ 30 của phái Tào Động.

Hiện nay, dù nhà chùa không còn gióng tiếng chuông này nhưng tiếng chuông của đại hồng chung Thiên Mụ vẫn đi vào rất nhiều bài ca dao, dân ca xứ Huế và trở thành một huyền thoại đẹp cố đô Huế, nơi được tôn xưng là đất thiền kinh.

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website