Ngày 26 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Đài thờ Đồng Dương

Chất liệu: Sa thạch. Kích thước: Cao 197cm; dài 396cm; rộng354cm. Niên đại: Thế kỷ IX - X. Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Đài thờ gồm 24 khối đá ghép khít lại với nhau tạo thành cấu trúc bốn phần: Phần đế dưới cùng, tiếp đến là bệ thờ lớn có mặt bằng hình vuông, trên bệ thờ lớn là một bệ thờ nhỏ cũng hình vuông và một bệ thờ cao hơn, áp vào mặt sau của bệ thờ lớn. 4 mặt chạm khắc kín các đề tài văn hóa Phật giáo, mô tả ba đoạn đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, từ lúc đản sinh đến lúc đi tu đạo và thành Phật.

Giá trị tiêu biểu: Đài thờ Đồng Dương là một bằng chứng vật chất độc đáo, minh chứngcho một giai đoạn phát triển rực rỡ về về văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc và điêu khắc của vương quốc Champa nói chung và văn hóa Champa nói riêng vào thế kỷ thứ IX - X. Đây là giai đoạn Phật giáo thịnh hành và phát triển nhất trong lịch sử vương quốc Champa, đánh dấu một giai đoạn phát triển riêng biệt so với các thời kỳ khác của vương quốc này.Đài thờ là một trong những hiện vật tiêu biểu gắn với di tích đền tháp Đồng Dương, một di tích đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12 năm 2016. Những đường nét điêu khắc và hoa văn trang trí trên đài thờ được xem là một trong những yếu tố đặc trưng tiêu biểu cho một phong cách nghệ thuật, đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong tiến trình lịch sử phát triển nghệ thuật điêu khắc Champa, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thống nhất đặt tên cho một giai đoạn, một phong cách nghệ thuật - phong cách Đồng Dương./.

Thúy Hà (Theo Hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia - Tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website