Ngày 20 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Dân ca của người Bố Y

Dân ca của người Bố Y ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần trong đời sống của cộng đồng, được thể hiện qua lời ca, câu hát khi đi làm nương, làm nhà, đi chợ, lễ tết, hội hè, khi khách đến nhà, nam nữ hát giao duyên, trong đám cưới, trong nghi lễ…

Điệu hát của người Bố Y không có nhiều âm điệu, tiết tấu, tất cả đều được hát theo một nhịp đều đều. Bài hát có câu ngắn, câu dài, cứ một câu gieo vần trắc, một câu gieo vần bằng ở cuối câu. Như người Bố Y nói, khi hát miễn sao kéo được giọng. Nếu một câu hát lên mà không kéo được giọng thì bắt buộc câu hát đó phải thêm một số từ, nhưng ý nghĩa của câu hát không thay đổi.

Trong những dịp đám cưới, hội thi hay giao lưu văn nghệ giữa các dân tộc, khi đã ngà men rượu, thì khi ấy mới bắt đầu cất tiếng hát. Xưa kia, khi chuẩn bị đón giao thừa, gia đình ngồi quây quần bên nhau, người già sẽ dạy hát cho các con cháu. Theo các cụ, tuy điệu hát không thay đổi nhiều, nhưng lối hát ngày nay nhẹ nhàng hơn, để dễ cho người kéo giọng.

Trong dân ca Bố Y thường gặp các từ như: “Tau, cấy tau” (chúng tôi, chúng em, chúng cháu); “Cấy xhâu”, “Xhâu” (các anh, các cháu); “Dầu” (chúng em, chúng cháu, chúng con); “lậc” (con); “mùng” (mừng); “mủng” (buồn, lo); “pùng”, “tùng pùng” (gặp nhau); “tùng san” (lấy nhau)...

Dựa vào nội dung của các bài dân ca Bố Y, có thể phân loại thành hai nhóm sau: Hát trong lễ hội, lễ cưới gồm: hát đối đáp trong đám cưới, hát trong hội vui, hát mừng thọ; Hát trong sinh hoạt gồm: hát khi làm nhà mới, hát giao duyên.

Hát trong lễ hội, lễ cưới

Người Bố Y có tục lệ hát trong đám cưới và những dịp lễ hội. Người cao tuổi luôn được kính trọng trong cộng đồng, vì thế bao giờ cũng hát bài “Đón giọng ngon ngọt của chủ nhà, dân làng” (Chầu sin phân xhầu dần - vằn vằn tấc quán) trước.

Hát đối đáp trong đám cưới (Hát ngăn cửa trong đám cưới) là một phần không thể thiếu, chỉ trong đám cưới mới có hát đối đáp Ngăn cửa, thủ tục khi nhà trai đến nhà gái đón dâu, dùng lời hát để chào, trao đổi, xin phép... thuyết phục người nghe và khiến họ nhà gái hài lòng cho phép vào nhà. Những bài hát này thường là lời hát cổ của người Bố Y, được chia theo từng nhóm cụ thể. Nhà gái ngăn ghế ở cửa chính, đặt trên ghế 4 bát rượu đầy để phạt ông mối hay phù rể khi không hát đối lại được những câu hát của nhà gái. Hai bên đối đáp xong, nhà gái sẽ hát một bài xin lỗi khách và nhà trai vì họ không có nhiều hoa thơm trái ngọt để tiếp đãi, nhà trai đối lại chỉ cần trầu cau là vừa lòng. Sau bài hát này, nhà gái sẽ hát bài cho phép nhà trai được mở cửa “chủ nhà hát cho tự mở cửa”. Nếu nhà gái không hát bài này thì ông mối hoặc phù rể phải hát bài xin phép được mở cửa “Lậc chăm cả he tâu” để vào nhận bố, nhận mẹ.

Bài cuối cùng trong nội dung hát ngăn cửa là nhà trai hát bài “Cửa cổng có mười hai cái dui” (Tâu cúa shịp ngẩy quan).

Sau hát ngăn cửa là hát vui trong lễ cưới của khách dự đám cưới. Khi hát có một người hát, một người hưởng ứng nhập vai thì cuộc vui mới sôi nổi.

Hát mừng thọ

Người Bố Y coi trọng người cao tuổi và lễ mừng thọ. Trong lễ mừng thọ, con cháu hát những lời chúc mừng ca tụng người già, mong người sống lâu trăm tuổi và là tấm gương soi sáng cho con, cháu. Lời hát của người Bố Y tuy mộc mạc, giản dị nhưng chứa đựng những lời răn dạy con cháu kính trọng người già, bề trên. Những năm gần đây, ngoài các bài hát cổ, người Bố Y còn sáng tác bài hát mới để hát mừng thọ - phân tào dàng pầu lò.

Hát trong sinh hoạt

Hát khi làm nhà mới: người Bố Y có rất nhiều bài hát về xây dựng nhà cửa, nói về công đoạn làm nhà. Họ “Hát dựng nhà” (Phân thàng dần) thể hiện được sự vui sướng của chủ nhà và các con trong ngày dựng nhà mới; hát “Đi tìm sắt tìm thép” (Pai xa và xa hăng) để rèn cái đục, cái rìu, rồi mài cho sắc nhọ, chờ đến ngày tốt thì lên rừng chặt cây về làm nhà; khi có đầy đủ nguyên vật liệu, chủ nhà bàn với vợ “Nhờ anh em khiêng cột” (Chăm pầy noàng xăm xhao), “Đi tìm người thợ mộc” (Pai xa pầu chẳng vài), “Đi tìm thợ trình tường” (Pai xa pầu chàng trình) và mời những ông thợ ấy ở lại ăn cơm với gia đình; tiếp theo là “Bố xem ngày trình trường” (Pùa dìa ngoàn chúc chình); “Ông thợ trình tường hỏi chủ nhà” (Páo té chẳng chình hám xhầu dần); “Bố xem ngày dựng cột”  (Pàu dìa ngoàn uaa xhao).

Thông qua những bài hát trên, người nghe có thể nắm được những nét cơ bản nhất về việc làm nhà và ứng xử tinh tế của họ qua cách đặt lời mời, nhờ người dựng nhà, cho đến mời cơm người giúp đỡ họ.

Hát giao duyên hiện chỉ được người Bố Y hát một số bài quen thuộc như: “Trai gái hát hỏi khi đi đường” (Bó - Xho phân hám quá san), “chàng trai hát hỏi làng, hỏi họ” (Bó phân hám bằm hám xhín), “Hỏi cạnh nương cạnh ruộng” (hám sác hẩy chẩy nà), “Đi chơi xuân” (pai xhây chinh), “chín thiếu mười cần” (Khẩu sha shịp cùng), “Trai gái mời nhau hút thuốc” (Bó - xho tùng shìn pao Jan), “nhà anh ở giữa dãy núi” (Dâu cuaíu đơ poảng pua xhăng), “Nàng cho bắc cầu chưa?” (Noàng hà tắm chìu vẩy), “con thuyền chưa có bến” (Pầu pó phân hăm), “Hỏi của giữ tình” (Ham húa chúa châu)… Các bài hát hiện lên không gian quen thuộc với cộng đồng như: ven đường, cạnh ruộng nương, không gian vui chơi của ngày lễ hội, ngày xuân mới… với lối xưng hô thân thiết, nhẹ nhàng “anh và em”. Trong dân ca Bố Y, hát giao duyên có nhiều bài và được yêu thích nhất, thể hiện tâm sự thầm kín, là tiếng lòng với nhiều cung bậc cảm xúc trong tình yêu, sự băn khoăn, suy ngẫm, nỗi buồn của lứa đôi không đến được với nhau, sự chia tay.

Điều đặc biệt, trong hát giao duyên của người Bố Y sử dụng điệp từ với tần suất cao, khéo léo, không gây nhàm chán cho người nghe mà luôn có sự biến đổi, thêm mới về mặt nội dung và từ ngữ. Bên cạnh đó, hát giao duyên của người Bố Y cũng khéo léo sử dụng biện pháp ẩn dụ, so sánh, thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc trong tình yêu với phép so sánh ngang bằng (như, là).

Có thể nói, dân ca người Bố Y có rất nhiều thể loại, nội dung dễ hát, lời lẽ, ý tứ trong sáng, dễ hiểu. Tất cả những nội dung được truyền tải trong câu hát, làm cho người nghe nhanh chóng nắm bắt được ý tứ của cả bài. Hơn thế, với lối hát “kéo giọng” đơn giản, người học cũng có thể thuộc lời và hát theo ngay, dù cách hát ngày nay đã được điều chỉnh để thuận tiện cho người học hơn.

Để hát các làn điệu dân ca được hay và truyền cảm với người Bố Y không thể thiếu được nhạc cụ quan trọng, bổ trợ như: trống đồng.

Dân ca Bố Y có lịch sử phát triển lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứng tỏ sức sống lâu bền và có sức hấp dẫn với người Bố Y hiện nay: diễn xướng trong các nghi thức cưới hỏi, lễ hội, mừng thọ, sinh hoạt văn hóa...; thể hiện những rung cảm mãnh liệt, tinh tế và sâu sắc của cộng đồng, hướng con người tới chân - thiện - mỹ; thỏa mãn nhu cầu giải trí của cộng đồng, góp phần khích lệ, động viên người dân trong lao động sản xuất, làm giàu đời sống tinh thần, tạo cảm hứng sáng tạo cho các tác phẩm mới. Dân ca Bố Y góp phần giáo dục con người hiểu biết về cội nguồn dân tộc, gìn giữ và phát huy từ ngữ trong các làn điệu dân ca hàm chứa mối quan hệ gia đình, họ hàng, anh em, tình yêu đôi lứa, lao động sản xuất…trong đời sống hiện nay; thể hiện tính cố kết cộng đồng trong các hoạt động tập thể.

Với giá trị tiêu biểu, Dân ca của người Bố Y được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL ngày 30/01/2018.

Dương Anh (Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website