Ngày 3 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Đền Tây và chùa Vân Đồn, tỉnh Nam Định

Đền Tây là một công trình kiến trúc cổ mang giá trị nghệ thuật thời Lê, thế kỷ XVII – XVIII, nằm trên một khu đất cao ráo rộng 2.250m2. Nhìn từ ngoài vào trong, đền gồm các thành phần kiến trúc: cổng, sân, công trình kiến trúc trung tâm và công trình phụ trợ. Toàn bộ ngôi đền được xây dựng trên nền đất cao ráo có mặt bằng kiểu“tiền chữ nhất, hậu chữ đinh” gồm: tiền đường, trung đường và cung cấm. Hai bên có hai dãy nhà khách, nhà bia tạo cho không gian di tích với 5 toà với 18 gian lớn, nhỏ trở nên rộng lớn và quy mô hơn.

Nghi môn đền xây dựng đơn giản, mặt quay hướng Bắc, gồm 3 cổng ra vào. Cổng giữa rộng 2,60m được thiết kể bởi hai cột đồng trụ cao 4,5m.

Toà tiền đường có kích thước dài 12,60m, rộng 6m (bao gồm cả hiên rộng 1,20m). Phần cốt nền tiền đường cao hơn mặt sân 0,22m, mái lợp ngói nam, nền lát gạch đỏ. Mặt bằng tiền đường chia làm 5 gian, khoảng cách giữa các gian được bố trí đăng đối: gian giữa rộng 3,40m, hai gian bên và hai gian giáp đốc kích thước bằng nhau, mỗi gian rộng 2m. Theo dòng chữ Hán khắc trên thượng lương, tòa tiền đường được tu sửa vào năm Tự Đức Canh Thìn (1880). Tại tiền đường hầu hết các cấu kiện đều được gia công theo kiểu bào trơn đóng bén.

Tòa trung đường được thiết kế tương tự như tòa tiền đường theo kiểu chồng giường, bẩy kẻ. Tuy nhiên, tại đây các cấu kiện được chạm khắc khá tỉ mỉ hơn: hệ thống cột được vẽ rồng, xà, bẩy, kẻ tạo theo lối ống tơ, trên thành và hai đầu đều soi chỉ kép, chạm nổi lá lật, mây tản rất tinh tế, tài nghệ.

Tòa cung cấm có 3 gian kích thước rộng 5m, sâu 5,45m, được xây nối liền với tòa trung đường bằng kỹ thuật giao mái bắt vần tạo thành mặt bằng chữ đinh truyền thống. Thiết kế tòa cung cấm theo kiểu tứ trụ gồm hai cột cái cao 3,04m, đường kính 0,33m và hai cột quân cao 2,40m, đường kính 0,31m. Toàn bộ cột đều được làm bằng gỗ lim đặt theo thế thượng thu hạ thách, phần chân cột được đặt trên chân tảng đá tròn.

Đền Tây thờ Thủy Hải Ô Long đại vương, là một vị tướng thời Hùng Duệ Vương có công đánh giặc bảo vệ nhà nước Văn Lang, đồng thời cũng là người có công lớn giúp dân trang Bảo Đồn xưa (Vân Đồn nay) chống thiên tai, trừ dịch bệnh và dạy dân công việc nông trang cày cấy, đem lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Tại đền còn lưu giữ nhiều cấu kiện, nhiều mảng chạm khắc từ thế kỷ XVII, XVIII.

Chùa Vân Đồn còn có tên gọi khác là Tập Hy quán. Theo nội dung văn bia hiện đang dựng tại chùa là:“Tập Hy quán, Từ Quang tự tu tạo thạch bi ký” (Lập bia ghi việc Đạo quán Tập Hy, chùa Từ Quang) được soạn vào tháng 5 năm Nhâm Tuất (1622) thì chùa Từ Quang trước đây vốn là một ngôi quán thờ Đạo giáo có tên gọi là Tập Hy. Trải qua thời gian, do khí hậu khắc nghiệt và chiến tranh tàn phá ngôi quán bị hư hoại. Sau đó trong quá trình trùng tu, tôn tạo ngôi quán đã được bổ sung thêm chức năng thờ Phật. Điều đó lý giải vì sao chùa ngoài thờ Phật, còn thờ cả Đạo giáo.

Chùa Vân Đồn được công chúa Lê Thị Ngọc Tảo đứng ra xây dựng từ thời Tiền Lý, với quy mô nhỏ gọn gồm một toà tam bảo. Sau đó đến khoảng đầu thế kỷ XVII thì những những người dân nơi đây đã quyên góp tiền của và công sức để trùng tu tôn tạo lại chùa, xây dựng thêm Tam quan, Thượng điện và nhà bia…Đây là một công trình tôn giáo tín ngưỡng độc đáo, với nhiều chức năng thờ cúng như Phật, Đạo giáo và Mẫu. Có thể nói ngôi chùa này là một điển hình của sự hỗn dung tôn giáo của người Việt. Cùng với một số ít các ngôi quán hiện còn, chùa Vân Đồn đã góp phần làm phong phú thêm cho các loại hình di tích hiện có ở nước ta. Đặc biệt có thể nói đây là một ngôi quán hiếm hoi còn tồn tại ở tỉnh Nam Định. Chùa được xây dựng trong một khuôn viên có diện tích rộng 3.800m2, mặt quay về hướng Nam. Trên mặt bằng tổng thể hiện nay chùa Vân Đồn bao gồm các hạng mục: Tam quan, sân chùa, công trình chính và nhà Tổ.

Thời kỳ cách mạng kháng chiến đền Tây và chùa Vân Đồn này có nhiều sự kiện liên quan đến quá trình đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân, cũng như kháng chiến giành độc lập của dân tộc.

Công trình kiến trúc chùa Vân Đồn vẫn bảo lưu được những giá trị kiến trúc truyền thống có niên đại vào khoảng thế kỷ XVII. Tại di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật, có giá trị như bộ tượng Tam Thanh, sắc phong, bài vị, câu đối, đại tự ... thể hiện sự trân trọng và quyết tâm bảo vệ những di sản văn hoá quý báu mà cha ông xưa để lại.

Bên cạnh những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, di tích đền Tây và chùa Vân Đồn còn là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc như: rước kiệu, tế lễ, đấu vật, đấu roi, đánh cờ người...Thông qua những hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, người dân địa phương lại có dịp hướng về cội nguồn để tri ân công đức các vị thần có công với làng với nước và cùng nhau góp sức xây dựng quê hương, làng xóm.

Với giá trị tiêu biểu trên, đền Tây và chùa Vân Đồn, xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 1904/QĐ-BVHTTDL ngày 18/6/2021./.

 

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website