Ngày 3 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Địa điểm chiến thắng đồi A Bia, tỉnh Thừa Thiên Huế

A Bia là ngọn đồi thuộc dãy Trường Sơn, giữa vùng núi cạnh biên giới Việt – Lào, cao 937m so với mực nước biển, có thể nhìn bao quát một vùng rộng lớn của thung lũng A Lưới. Phía Bắc dọc theo sông Đáp Lim có 2 điểm cao 916 và 903, kết hợp với điểm 937 đồi A Bia đứng thành thế chân kiềng cách nhau 300 – 400m. Địa hình có nhiều rừng rậm và thoải về phía Đông Nam, liên hoàn với dãy Tre Nít - Bãi Chuối còn có các điểm cao 700, 500, 400 kéo dài đến phía Bắc Tà Bạt. Đường đến A Bia rất hiểm trở nhưng trên đỉnh đồi lại tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc xây dựng sân bay dã chiến, các công trình quân sự, kho tàng, trận địa pháo… Vì vậy, quân và dân ta chọn khu vực đồi A Bia làm nơi đóng quân của các Trung đoàn bộ đội chủ lực và đặt các Bệnh viện cứu thương 64, 68, 82 an dưỡng cho thương binh từ chiến trường trở về hậu phương... A Bia còn là nơi tập trung, cất giữ lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường tại các bãi kho: 34, 31, 61, 62 và đặt Tổng đài lớn nhất của Quân khu 4. Chốt giữ trên đồi A Bia từ năm 1968 là Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 9, Sư đoàn 324).

Đầu năm 1969, Đế quốc Mỹ tổ chức càn quét lên A Lưới - A Bia, chúng đổ quân lập căn cứ hỏa lực trên các điểm cao ở phía Đông đường 14, gồm: Động Cô Pung (1.684m), động A Rlau (1.468m), động Ta Téc (999m), đèo A Co ngã ba Đường 12B gặp Đường 14 (Bốt Đỏ) và Tà Bạt. Hình thành 5 tầng hỏa lực mạnh trên không và mặt đất trước khi chúng tiến công A Bia. Tầng cao là pháo đài B52, tầng hai là các loại máy bay phản lực, tầng ba là máy bay trực thăng, tầng bốn là pháo binh mặt đất và tầng cuối cùng là lực lượng bộ binh với các phương tiện chiến tranh, như: cối 81mm, ĐKZ57, súng chống tăng M72 và cối cá nhân M79. Sư đoàn dù của tướng Menvin Daixơ (Melvin Zais) tập trung Lữ đoàn dù 3 của đại tá Conmi (Joseph Conmy) chỉ huy 5 tiểu đoàn dù, Lữ đoàn 9 thủy quân lục chiến; bộ binh cơ giới có Thiết đoàn 3, Trung đoàn kỵ binh 5 lục quân Mỹ. Lực lượng quân đội Sài Gòn tăng phái có Trung đoàn 3 Sư đoàn 1, hai tiểu đoàn hơn 1.000 quân cùng toàn bộ hỏa lực của sư đoàn dù và các đơn vị tham chiến. Tổng quân số tập trung từ 5.000 đến 6.000 binh lính và sỹ quan.  

Tháng 01/1969, địch huy động Trung đoàn 9 (Sư đoàn 3) lính thủy đánh bộ Mỹ và 5 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 1 quân đội Sài Gòn có không quân, pháo binh yểm trợ, mở cuộc hành quân đánh vào vùng núi Cô Ca Va, Cô Lin (phía Bắc huyện A Lưới), hòng phá kho tàng, ngăn chặn tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, nhất là khu vực trọng điểm ở ngã ba A Vao, A Lưới, đẩy lực lượng của ta ra khỏi vùng biên giới Việt - Lào. Thực hiện triệt để âm mưu “ngăn chặn từ xa”, để mở các cuộc hành quân “bình định” ở đồng bằng.

Nắm được tình hình của địch, Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên chỉ đạo tổ chức một đợt hoạt động chiến đấu, tiêu diệt nhiều sinh lực địch có tiếng vang, nhằm tạo điều kiện cho cơ sở ta ở đồng bằng hoạt động diệt ác phá kìm, xây dựng và củng cố niềm tin cho nhân dân đồng bằng; bắt liên lạc nối liền thế trận ba vùng sau năm 1968. Quán triệt tinh thần đó, Trung đoàn 6 (Trung đoàn Phú Xuân), Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) phối hợp với các lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích miền Tây A Lưới huy động người người dân, tiếp lương, tải đạn phục vụ cho bộ đội chiến đấu; dân quân du kích huyện A Lưới thường xuyên trực chiến và phối hợp với các lực lượng để dẫn đường trinh sát địa hình, vận chuyển vũ khí, đón tiếp và tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội chủ lực đến địa điểm tập kết; dựa vào lợi thế của địa hình rừng núi, kiên cường đánh địch và giành được thắng lợi quan trọng.

Sau 18 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân ta đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 9 lính thủy đánh bộ Mỹ và một số đơn vị quân đội Sài Gòn, buộc địch phải rút khỏi Cô Ca Va, chấm dứt cuộc hành quân. Đây là thắng lợi to lớn của quân và dân Trị Thiên Huế kể từ sau cuộc Tổng tấn công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, mở đầu cho những trận thắng liên tiếp trong năm 1969, động viên, cổ vũ quân và dân trong toàn Tỉnh vươn lên đẩy lùi âm mưu đánh phá miền núi của địch.

Tuy bị đánh bại trong cuộc hành quân lên Cô Ca Va, nhưng Đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố không chịu từ bỏ ý định chiếm lĩnh các điểm cao ở A Bia. Dựa vào số quân đông, phương tiện chiến tranh hiện đại, với chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” Đế quốc Mỹ triển khai xây dựng sân bay dã chiến, các trận địa pháo, công sự chiến đấu… hi vọng sẽ tạo ra được thế phòng ngự ở vùng giáp ranh vốn đã bị quân ta đánh bại nhiều lần, tiếp tục mở các cuộc hành quân lên vùng rừng núi A Lưới. Ngày 05/5/1969, sau những đợt tổ chức bắn phá bằng bom, pháo để dọn đường, địch huy động trực thăng chở 13 tiểu đoàn quân Mỹ và quân đội Sài Gòn (trong đó có 8 tiểu đoàn Mỹ) đổ xuống vùng A So - A Lưới và các điểm cao dọc Đường 14.  

Ngày 10/5/1969, Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam và Bộ Tư lệnh hành quân quân đội Sài Gòn quyết định mở cuộc hành quân với lực lượng 5 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 187, Sư đoàn 101 lính dù Mỹ; 2 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 1 quân đội Sài Gòn, đánh ra thung lũng A Lưới - A Bia, trong đó trọng điểm là đồi A Bia, sử dụng các loại máy bay B52, phản lực, trực thăng vũ trang đánh phá liên tục các vùng quân ta chốt giữ. Các loại bom đào, bom phát quang dọn bãi, trận địa pháo trên các căn cứ Cu Pung, Âr Lau, Ta Téc, A Co, Tà Bạt đồng loạt trút đạn xuống A Bia, các đồi 400, 500 ở phía Đông, địch ném bom đánh phá nhiều giờ liền.

Ngày 08/5/1969, các lực lượng của Sư đoàn 324 xuất phát hành quân chiếm lĩnh trận địa. Tiểu đoàn 7 tập trung quân ở khu vực phía Tây đồi A Bia, trên các điểm cao 903 và 916. Tiểu đoàn 8 được tăng cường Đại đội 14 cối 82mm xây dựng cụm chốt ở A Bia. Đại đội 16 cơ động dọc phía Tây Đường 14 đoạn A So - A Lưới. Khối hỏa lực còn lại do Trung đoàn 3 trực tiếp nắm. Tiểu đoàn 9 tập trung quân ở phía Đông đồi A Bia, trên khu vực địa đạo Nam Sơn, trước mắt có nhiệm vụ chuyển gạo, đạn từ A Rum vào A Lưới. Các chiến sĩ trinh sát bám sát từng mũi tiến quân của địch.

Ngày 10/5/1969, Tiểu đoàn 8 đã nổ súng tấn công 1 đại đội thuộc Tiểu đoàn dù số 3 Mỹ trên các điểm cao 400, 500, cách phía Đông Bắc đồi A Bia khoảng 1km. Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 được tăng cường ba khẩu đội cối 82mm, chia làm ba mũi; mũi chính đánh ngang đội hình địch ở “yên ngựa” rồi tỏa ra hai hướng đánh ngược lên các điểm cao 400, 500, kết hợp với hai mũi đánh từ phía sau điểm 500 xuống. Lúc này, địch dồn hết quân lên điểm cao 500 để chống cự. Pháo địch dồn dập bắn vào điểm cao 400, kết hợp với 02 máy bay trực thăng bắn đại liên, thả lựu đạn xuống điểm cao 500. Trước tình hình trên, Tiểu đoàn 8 lệnh cho Đại đội 5 rút quân về đồi A Bia để tiếp tục xây dựng trận địa và đã tiêu diệt 47 tên địch. Sau nhiều đợt tập kích, quân ta vẫn giữ vững thế trận trên 3 điểm cao 903, 916 và đồi A Bia.

Ngày 13 - 14/5/1969, địch sử dụng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101 chia làm hai mũi tiến công lên A Bia. Sau hai ngày chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt 100 tên địch, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng. Tiếp trong 2 ngày 16 và 17/5, các trận địa pháo của Mỹ dọc Đường 12B hướng về đồi A Bia tiến hành trút bom đạn và cả đạn hóa học… Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, mưu trí, kiên trì giữ vững trận địa, đồng thời chớp thời cơ phản kích, chúng ta đã tiêu hao nhiều sinh lực địch, làm thất bại chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh, buộc chúng phải cuốn theo lối đánh của ta…Suốt 2 ngày 16 - 17/5/1969, nhiều trận đánh diễn ra liên tiếp tại các điểm cao 903, 916 và phía Nam đồi A Bia, tiêu diệt và làm bị thương hơn 50 tên địch, thu hàng chục súng các loại. Đến 14 giờ ngày 17/5, quân địch ở điểm cao 916 bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn. Tuyến hành lang giữa điểm cao 916 và đồi A Bia được khai thông. Đợt phản kích cuối cùng của địch lên A Bia đã bị bẻ gãy.  

Sau cuộc chiến đấu tại đồi A Bia, lực lượng vũ trang và quân dân Trị Thiên mà trực tiếp là bộ đội chủ lực của Sư đoàn 324, Trung đoàn 6 (Trung đoàn Phú Xuân) cùng nhân dân huyện A Lưới đã đánh thiệt hại nặng lữ đoàn 187 lính dù Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 1.300 tên địch. Tuy nhiên, do địch đã sử dụng nhiều vũ khí hạng nặng mang tính hủy diệt nên rất nhiều cán bộ và chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu ở A Bia phải hứng chịu một số lượng lớn bom đạn của kẻ thù, nhiều đồng chí đã anh dũng hi sinh, biến những cánh rừng của A Bia thành ngọn đồi trơ trọi, hoang tàn. Sân bay đồi A Bia trở thành tử địa, là nỗi kinh hoàng của sĩ quan và binh lính Mỹ. Chúng đã gọi A Bia là “Đồi thịt băm” (Humburger Hill) hay “Đồi xáo thịt”. Cuộc hành quân “Tuyết trên núi A pát” của quân đội Mỹ, trở thành cuộc hành quân bị sa lầy, khốn quẫn nhất, là biểu hiện của tình trạng “chiến tranh tuyệt vọng” của Mỹ trên chiến trường Việt Nam.

Trận đọ sức ở đồi A Bia là trận đánh kinh hoàng trong chiến tranh Việt Nam của quân đội Mỹ, đây cũng chính là trận thử thách để quân và dân miền núi Trị Thiên Huế tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những khả năng to lớn của miền núi, kiên quyết đánh bại âm mưu, thủ đoạn của địch, làm tròn nhiệm vụ là căn cứ địa cách mạng; cùng với quân và dân cả nước giành những thắng lợi to lớn, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Với giá trị nêu trên, Địa điểm chiến thắng đồi A Bia, tỉnh Thừa Thiên Huế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia tại  Quyết định số 3082/QĐ-BVHTTDL ngày 03/12/2021./.

Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website