Ngày 2 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Địa điểm chùa Kim Ninh, tỉnh Tuyên Quang

Chùa Kim Ninh nằm trên địa bàn thôn Kim Ninh, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Thôn Kim Ninh nằm bên bờ Tây sông Lô. Vài trăm năm trước, khu vực này đã được phù sa bồi đắp dày tới vài mét, khiến cho một lớp văn hóa từ thời Trần đến Lê Mạc và thời Nguyễn nằm sâu dưới lớp phù sa. Theo báo cáo khai quật (tháng 5 năm 2018) của Viện Khảo cổ học Việt Nam, chùa Kim Ninh được xây dựng vào thời Trần (khoảng thế kỷ XIV) và tồn tại cho đến thế kỷ XVI. Cũng như nhiều ngôi chùa thời Trần khác, chùa Kim Ninh được nhân dân trong vùng dựng lên để thờ Phật.

Trong một đợt khảo sát tại bãi bồi ở bờ Đông sông Lô đầu năm 2017 của Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang đã phát hiện được khá nhiều đồ gốm, cọc gỗ neo thuyền bè và phát hiện một con thuyền chở đầy gạch vồ thời Lê bị đắm ở một bến đò cổ mang tên Bến Làng, cho thấy xa xưa nơi đây là vùng buôn bán đông đúc sầm uất. Tại đây cũng tìm thấy cả rìu đá mài có vai, rìu đồng thuộc văn hóa Đông Sơn cũng như dấu vết của một làng cổ thời Đông Sơn ở ven sông.

Vào thời điểm tạo dựng chùa tháp Phật giáo ở Kim Ninh, có thể chưa có con đê như hiện tại. Con đê đã chia bãi bồi thành hai khu vực trong và ngoài đê. Khu vực chùa chỉ cách bờ sông chừng vài trăm mét, khá thuận lợi cho việc vận chuyển vật liệu xây dựng. Qua mặt cắt của ao mà người dân đã đào ở bên trong đê cho thấy ở sát khu vực đáy ao bắt đầu là nền đất laterít hóa. Đây cũng là nền đất khi bắt đầu khởi dựng khu chùa Kim Ninh. Theo người dân kể lại cũng chỉ vài chục năm trước nơi đây cây cối vẫn mọc um tùm, rậm rạp. Chính vì vậy mà tại khu vực có di tích chùa Kim Ninh đến ngày nay vẫn còn được gọi là Rừng Chùa hay Gò Chùa.

Ven sông Lô, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, đã từng phát hiện được một số di tích chùa thời Trần như chùa Núi Man, xã Nhữ Hán, huyện Yên Sơn; chùa Phú Lâm, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn; Làng Chùa, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, Ghềnh Giềng/Lầu Am sư tổ thành phố Tuyên Quang. Trải qua các cuộc chiến tranh và sự tàn phá của con người, di tích chùa Kim Ninh hiện không còn kiến trúc trên mặt đất, nhưng trong lòng đất thì vẫn còn ẩn chứa các dấu tích kiến trúc của ngôi chùa và cây tháp đất nung.

Rất nhiều người dân cho biết, ngôi chùa đã bị đổ vào khoảng những năm 1965 – 1966.  Năm 2014, người dân địa phương đã dựng một ngôi chùa mới bên cạnh ngôi chùa cũ và đã thu về một số hiện vật tìm thấy tại khu vực Gò Chùa. Năm 2016, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang tiến hành khảo sát, xem xét hiện trạng của khu di tích và nhóm hiện vật đã thu lượm được tại đây hiện đang được lưu giữ tại ngôi chùa dựng tạm. Năm 2017, trong Hội nghị Thông báo những phát hiện mới về Khảo cổ học lần thứ 52, Viện Khảo cổ học thông báo về những phát hiện mới tại di tích chùa – tháp Kim Ninh.

Tháng 12 năm 2017, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam khảo sát khu di tích chùa tháp Kim Ninh khảo sát nghiên cứu, xem xét. Kết quả tạm thời giả thiết nơi đây là một di tích kiến trúc cổ thuộc thời Trần. Đầu năm 2018, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang và Viện Khảo cổ học tiếp tục phối hợp đào thám sát di tích chùa Kim Ninh, thôn Kim Ninh, xã Vĩnh Lợi.

Kết quả đã phát hiện được các dấu tích kiến trúc quan trọng như: Di tích nền kiến trúc, vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc. Cùng với các di vật, hiện vật, những đồ dùng sinh hoạt, thờ cúng bằng sành, sứ, đồng, đất nung từ thế kỷ XIII - XIV đến thế kỷ XV - XVI cũng được phát hiện với số lượng lớn.

Đợt đào thám sát Viện Khảo cổ và Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang đã đào 4 hố. Các hố đều tập trung ở trục Đông - Tây của khu vực Gò Chùa.  Ngoài việc đào thám sát 4 hố, đoàn Khảo cổ đã khảo sát thêm khu vực gò đất cao nhất ở khu Gò Chùa - nơi có nhiều dấu vết của cây tháp bị đổ. Người dân cho biết, mấy năm trước, tại khu vườn nhà ông Lê Thanh Nghị đã từng đào được cống nước, hàng gạch bìa bó và nhiều hiện vật khác. Năm 2014, tại gò đất này, người dân đã tìm được khá nhiều mảnh tháp đất nung mà ở trên tường tháp có in nổi hình cây bảo tháp 6 - 7 tầng, tượng phù điêu chim thần garuda, ngói mũi vát và một số trang trí kiến trúc khác. Những di vật này hiện đang được lưu tại chùa Kim Ninh mới.

Đợt khảo sát và đào thám sát di tích chùa Kim Ninh tại Gò Chùa, thôn Kim Ninh, với tổng diện tích đào thám sát là 20m2 đã phát hiện được vị trí, dấu tích kiến trúc, nền, vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc của các công trình kiến trúc, sinh hoạt cộng đồng và giao thương cổ như: Nền chùa, phế tích tháp cổ, cống thoát nước của quần thể kiến trúc chùa tháp thời Trần thế kỷ XIII-XIV; Dấu tích nền đình - chùa thời Lê, hệ thống cống thoát nước thời Lê Sơ. Bến cảng cổ có niên đại kéo dài từ thời Trần đến thời Nguyễn. Nhiều hiện vật thuộc loại hình trang trí kiến trúc thời Trần được phát hiện tại di tích chùa Kim Ninh như lá đề, đầu rồng, mảnh tường tháp, gạch bìa, các khối trang trí hoa văn có dáng chắc mập, rõ ràng… đợt khảo sát đã phát hiện được 1.305 hiện vật. Trong số này đã có khá nhiều hiện vật được chuyển về Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang để nghiên cứu, trưng bày, bảo tồn và phát huy giá trị.

Từ kết quả khảo sát và đào thám sát, các chuyên gia Khảo cổ học đánh giá chùa Kim Ninh là một công trình kiến trúc có quy mô lớn, cấu trúc tương đối rõ ràng và hiếm gặp trong hệ thống các kiến trúc cổ ở Việt Nam, đặc biệt là loại hình di tích rất hiếm gặp ở khu vực vùng núi phía Bắc Việt Nam.

Với những giá trị tiêu biểu trên, Địa điểm chùa Kim Ninh, tỉnh Tuyên Quang đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích khảo cổ học quốc gia theo Quyết định số 3081/QĐ-BVHTTDL ngày 03/12/2021./.

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

 

Liên kết website