Ngày 27 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Địa điểm chùa Nhùng, tỉnh Tuyên Quang

Căn cứ vào kết quả khai quật khảo cổ có thể khẳng định chùa Nhùng được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI - XIII) và tồn tại cho đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thuộc thôn Càng Nộc, xã Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Chùa Nhùng nằm trên núi Pù Chùa, trong thửa đất lâm nghiệp số 278 của thôn Càng Nộc, xã Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Pù Chùa là dãy núi đất thấp, đỉnh tương đối bằng phẳng, diện tích chừng 3.000m2. Bao xung quanh là các dãy núi cao hơn. Hướng Đông là dãy Pù Tâm, phía Tây là dãy Kim Lao, phía Bắc là dãy Pù Kiềng, phía Nam giáp với xã Yên Nguyên.

Năm 2015, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành thám sát khảo cổ học. Trong quá trình thám sát, đã phát hiện nhiều gạch bảo tháp và 03 đài sen bằng đá xanh, trong đó có một đài sen còn tương đối nguyên vẹn và 01 đầu tượng Phật bằng đá. Qua quá trình khảo sát, đã phát hiện được các dấu tích kiến trúc quan trọng, như: Vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc; đài sen, tượng Phật bằng đá xanh. Cùng với các di vật trên, những đồ dùng sinh hoạt, thờ cúng bằng sành, sứ, đất nung từ thế kỷ XI - XIII đến thế kỷ XV - XVI cũng được phát hiện với số lượng lớn.

 Từ kết quả đào thám sát, các chuyên gia khảo cổ học đánh giá chùa Nhùng là một công trình kiến trúc có quy mô lớn, cấu trúc tương đối rõ ràng và hiếm gặp trong hệ thống các kiến trúc cổ ở Việt Nam, đặc biệt là loại hình di tích rất hiếm gặp ở khu vực vùng núi phía Bắc Việt Nam.

Năm 2016, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật khảo cổ học chùa Nhùng. Kết quả, đã xác định được tương đối đầy đủ về quy mô cũng như kiến trúc của ngôi chùa cổ thời Lý. Tại đây, đã phát hiện được ít nhất hai cây bảo tháp thời Lý và một cây bảo tháp thời Trần. Đồng thời, tìm thấy gạch in nổi văn cúc dây thời Lý - đây là loại gạch chỉ có ở Hoàng thành Thăng Long, tháp Chương Sơn, tháp Phương Nhi là những công trình do triều đình xây dựng và đích thân nhà vua đến khánh thành. Loại gạch in văn cúc dây ở chùa Nhùng còn được tìm thấy tại di tích đền Cầu Từ ( Bắc Giang)-  di tích có liên quan tới công chúa Bình Dương được gả cho phò mã dân tộc ít người ở Động Giáp là Thân Thiệu Thái.

Qua tổng thể hiện vật thu được từ đợt khảo sát năm 2015 và đợt khai quật năm 2016 cho thấy ngoài ngôi chùa, ở đây có ít nhất một bảo tháp thời Lý và một bảo tháp thời Trần. Có 3 pho tượng Tam Thế được tìm thấy với dấu vết các bệ tượng, các bộ phận của tượng đá như: Đầu tượng, ngực tượng và tay tượng, tường tháp, mái tháp, cửa tháp. Trong phạm vi cả nước, những bệ đá này còn đến ngày nay rất ít - đây là những di vật quý hiếm cần được lưu giữ bảo quản nghiêm ngặt.

Từ kết quả khai quật cho thấy vị trí của các cây bảo tháp đất nung thời Lý và thời Trần trong khuôn viên chùa Nhùng:

Cây tháp thứ nhất có niên đại thời Lý, in nổi văn trám lồng và tường in nổi hoa 4 cánh cùng đổ lấp đè lên nền gạch hoa dây xung quanh bệ thờ. Trong đó, vị trí của cây tháp thứ nhất trên tường in nổi hoa 4 cánh, cột góc của các tầng tháp được tạo hình tròn, đã được xác định là ở khu vực hố 2.

Cây tháp thứ hai có niên đại thời Lý, in nổi văn trám lồng, cột góc của các tầng tháp được tạo hình tứ giác, vuông thành sắc cạnh, có thể là ở khu vực phía Đông - Nơi hiện còn hố đào khá sâu, người dân đã tìm thấy dải gạch móng tháp.

Cây tháp thứ 3 có niên đại thời Trần, trên tường tháp trang trí hoa chanh 4 cánh kết hợp với bông hoa cúc 11 cánh và các đường vạch xiên, mái tháp lợp ngói sen.

Đợt khai quật năm 2016 phát hiện được 2 loại gạch vuông lát nền thời Lý in nổi văn cúc dây. Trong đó, gạch loại 1 cùng loại với gạch thời Lý ở tháp Phương Nhi (Ý Yên, Nam Định). Mặt chính in nổi 5 bông cúc dây nhìn nghiêng (4 bông xung quanh, 1 bông ở giữa), 4 góc có 4 bông và lá dạng tay mướp nhìn nghiêng, bố cục hình chữ L. Gạch loại 2 cùng loại với gạch thời Lý ở tháp Chương Sơn (tức tháp Vạn Phong Thành Thiện), nay thuộc xã Ngô Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. 

Từ những di vật được tìm thấy có thể đánh giá chùa Nhùng là di tích kiến trúc tồn tại qua nhiều thời kỳ Phong kiến. Khi chùa Nhùng còn tồn tại, khoảng những năm 60 của thế kỷ trước người dân xã Hòa Phú thường lên chùa cúng tế vào ngày rằm, mồng 1 và các dịp lễ tết. Hội chùa (Khai xuân) hàng năm được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng (Âm lịch). Trong ngày này, các Tăng ni, Phật tử xa gần trong xã và ở khu vực lân cận đều lên chùa lễ Phật, bày tỏ lòng thành kính của mình, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, gia đình làm ăn phát đạt, thuận buồm xuôi gió.

Trước đây, chùa thường tổ chức Lễ Phật Đản vào mồng 8 tháng Tư Âm lịch. Đây là ngày lễ quan trọng của Phật giáo và của nhà chùa. Vào ngày này, người trông coi chùa và Phật tử tiến hành lễ mộc dục (lễ tắm Phật). Phật tử dùng nước ngũ vị hương (nấu từ các loài hoa cỏ thơm) dội lên tượng Phật, sau đó dùng mảnh khăn đỏ lau tượng. Xong việc, khăn đỏ được xé ra thành nhiều mảnh nhỏ rồi chia cho mọi người để cầu phúc. Lễ tắm Phật còn gắn với tín ngưỡng cầu mưa của người dân Hòa Phú từ rất lâu đời.

Vào ngày rằm tháng Chạp, nhà chùa tổ chức Lễ tạ Phật cả năm. Vào các ngày mùng một và ngày rằm hàng tháng, gia đình nào có con thường hay ốm đau, sài đẹn có thể lên chùa “bán khoán”.

Với những giá trị trên, địa điểm chùa Nhùng xã Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích khảo cổ quốc gia tại Quyết định số 423/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019.

Tuyết Chinh

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website