Ngày 19 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Địa điểm ghi dấu tội ác của Thực dân Pháp tại làng Minh Đán (01/10/1940), tỉnh Lạng Sơn

Địa điểm ghi dấu tội ác của Thực dân Pháp tại làng Minh Đán thuộc thôn Minh Đán, xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, được bao quanh bởi dãy núi đá vôi Co Lầu và Sa Cướm. Làng Minh Đán là nơi nuôi dấu cán bộ, chiến sĩ từ trung ương đến địa phương, người dân nơi đây một lòng đi theo cách mạng. Ngay sau sự kiện Khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27/9/1940, Thực dân Pháp đã nhanh chóng đưa binh lính quay trở lại Bắc Sơn đàn áp cuộc khởi nghĩa. Ngày 01/10/1940, tên Boócdiê - đồn trưởng, đồn Đình Cả (Thái Nguyên) huy động một lực lượng tiến vào địa bàn trung tâm cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, khủng bố, đốt cháy 14 ngôi nhà tại làng Minh Đán và chiếm lại đồn Bình Gia.

Thôn Minh Đán nằm trong thung lũng (lòng chảo) có diện tích khoảng 18ha. Các ngôi nhà bị đốt cháy năm xưa không còn dấu vết gì, trên vị trí các nền nhà cũ bị giặc đốt cháy năm xưa, nhân dân đã tiến hành dựng lại các ngôi nhà sàn bằng gỗ, lợp ngói âm dương để sinh sống. Để ghi dấu sự kiện lịch sử này Nhà nước đã cho xây dựng một Bia ghi dấu sự kiện tại đầu làng, cạnh đường bê tông liên thôn Minh Đán. Bia được xây dựng bằng xi măng cốt thép có chiều cao 1,6m; chân đế hình vuông (45cm x 45cm), cao 10cm; cột thân bia khối vuông (16cm x 16cm), cao 90cm; mặt Bia bằng đá, hình chữ nhật (93cm x 60cm), nền xanh đen, chữ vàng trắng, ghi nội dung: “Di tích lịch sử Làng Minh Đán. Làng Minh Đán là nơi hoạt động của đội Du kích xã Hưng Vũ. Ngày 01 tháng 10 năm 1940, Thực dân Pháp khủng bố đốt cháy 14 ngôi nhà. Di tích được xếp hạng cấp Tỉnh Quyết định số 41/2002/QĐ- UB ngày 02/10/2002”.

Nhân dân làng Minh Đán đã góp phần ủng hộ, tham gia cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên do Đảng ta lãnh đạo, góp phần tiến tới cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Đối với cách mạng Việt Nam, Khởi nghĩa Bắc Sơn là tiếng súng đầu tiên báo hiệu một giai đoạn cách mạng mới, một cao trào cách mạng mới - cao trào cách mạng giải phóng dân tộc.

ng Minh Đán là nơi bảo vệ an toàn cho các cơ quan, cán bộ cao cấp của Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ trong thời gian hoạt động cách mạng tại Bắc Sơn; Nơi ở (nuôi, giấu, giữ bí mật), làm việc và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào cách mạng trong kháng chiến chống Pháp; Có các điều kiện về địa hình, địa thế, chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội, dân cư và bảo đảm an toàn cho các hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, được Trung ương Đảng chọn là một trong những vùng để phát triển phong trào cách mạng chống Pháp trước năm 1945; Nơi có cơ sở và phong trào cách mạng vững mạnh trong kháng chiến chống Pháp, đồng thời, lực lượng yêu nước, theo cách mạng của địa phương đã chủ động hoặc phối hợp tổ chức các trận đánh địch để bảo vệ an toàn cho cán bộ của Đảng hoạt động trên địa bàn; tham gia, tạo điều kiện cho cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn thắng lợi quan trọng, góp phần tạo ra cục diện chiến trường lợi thế cho cách mạng và kháng chiến tại địa bàn và khu vực lân cận.

Đối với Thực dân Pháp, Phát xít Nhật và các thế lực tay sai, cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn (có sự tham gia của nhân dân làng Minh Đán) gây một chấn động lớn ở vùng thượng du Bắc Kỳ, trực tiếp đe dọa ách cai trị của Thực dân Pháp và là lời cảnh báo đanh thép đối với các thế lực ngoại bang đã và đang âm mưu xâm lược Việt Nam. Có thể nói rằng, với việc ủng hộ và tham gia cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn, nhân dân làng Minh Đán nói riêng và Đảng bộ, nhân dân xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn nói chung, xứng đáng đại diện cho tinh thần và ý chí độc lập dân tộc, chống xâm lược ngoại bang. Đây là nơi ghi dấu sự kiện khủng bố, tàn phá và ghi dấu tội ác của Thực dân Pháp và các thế lực tay sai với nhân dân Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn nói riêng vào năm 1940.

Với những giá trị tiêu biểu trên, Địa điểm ghi dấu tội ác của Thực dân Pháp tại làng Minh Đán thuộc thôn Minh Đán, tỉnh Lạng Sơn được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 33/QĐ-BVHTTDL ngày 07/01/2020.

 

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website