Ngày 3 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Thị An (23 - 25/8/1945), thành phố Hà Nội

Cụ Nguyễn Thị An sinh năm 1897 - 2020 ở xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1919, cụ về làm con dâu cụ tổ Công Văn Trường, là vợ của cụ Chánh tổng Công Ngọc Lâm. Cụ An sinh được 2 người con trai là Công Ngọc Kha và Công Ngọc Thụ cùng hai người con gái là Công Thị Tòng (đã mất) và Công Thị Thu. Cụ cùng gia đình đã tham gia và bảo vệ cách mạng, bảo vệ các đồng chí Lãnh đạo Trung ương Đảng trong thời kỳ 1941 - 1945.

Nhà cụ Nguyễn Thị An nằm tại số 6 ngõ 319 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đây là nơi Bác Hồ dừng chân nghỉ lại đầu tiên trên chặng đường từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội từ ngày 23/8-25/8/1945 để ra mắt quốc dân đồng bào, chuẩn bị cho ngày 2/9/1945. Sở dĩ nơi đây được chọn là nơi Bác Hồ dừng chân nghỉ lại bởi nơi đây vốn là cơ sở cách mạng vững chắc từ 1941- 1945, nằm trong An toàn khu của Trung ương Đảng, nhân dân được giác ngộ, một lòng theo cách mạng, đã từng nuôi và bảo vệ các đồng chí trong Ban thường vụ Trung ương Đảng cùng nhiều cán bộ cao cấp của Đảng như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng (tức Khánh), Bạch Thành Phong…các đồng chí đó đã đi lại, ăn ở, hội họp trong nhiều gia đình cơ sở ở hai làng trong suốt 5 năm được an toàn, không xảy ra một vụ việc nào làm ảnh hưởng đến phong trào cách mạng, không một cán bộ nào bị địch bắt ở địa phương. Cũng tại đây còn được Trung ương Đảng đặt cơ sở in báo Cờ giải phóng, trạm liên lạc với các cơ sở của Xứ ủy, Tỉnh ủy trong cả nước. Bến đò Phú Xá là đầu mối giao thông nối liền hai vùng Bắc và Nam sông Hồng trong An Toàn Khu (ATK) của Trung ương Đảng. Cây gạo trên bến đò Phú Xá là nơi gặp nhau của các cán bộ Trung ương với cán bộ Xứ ủy, Tỉnh ủy. Nhân dân địa phương đã chở đò và bảo vệ rất nhiều cán bộ của Đảng đi lại qua sông Hồng được an toàn. Phú Gia và Phú Xá cũng là nơi có phong trào cách mạng mạnh mẽ, nhất là sau ngày Nhật đảo chính Pháp trong cao trào tiền khởi nghĩa. Lực lượng cách mạng hầu như làm chủ và địa phương đã nhiều lần tổ chức họp mít tinh quần chúng ở bãi giữa sông Hồng để nghe các đồng chí Lê Đức Thọ và Hoàng Tùng nói chuyện, tổ chức Việt Minh phát triển tự vệ bí mật, luyện tập quân sự, lấy súng đạn trong các trại lính của Pháp để vũ trang cho mình, tước đoạt 6 thuyền thóc của Pháp trên sông Hồng cứu đói.

Trong hai ngày (từ chiều 23 - 8 đến chiều 25 - 8 - 1945) nghỉ tại nhà anh Kha (con trai cụ Nguyễn Thị An) ở Phú Gia, Bác Hồ đã làm việc với đồng chí Trường Chinh - Tổng bí thư của Đảng, cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng…về kết quả Tổng khởi nghĩa trong cả nước và chuẩn bị cho ngày Quốc Khánh, ngày Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam.

Lần thứ 2, gia đình đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm là ngày 24/11/1946, sau khi Người dự Hội nghị Văn Hoá về, trước tình hình thực dân Pháp gây hấn ở nhiều nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chuẩn bị cho ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 và lên chiến khu Việt Bắc tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ.

Địa điểm lưu niệm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An (phường Phú Thượng) là bằng chứng sinh động cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử Cách mạng tháng 8 năm 1945; về nghệ thuật, sách lược tài tình của Hồ Chủ Tịch và Đảng trong việc lãnh đạo toàn dân giành chính quyền và bảo vệ chính quyền còn non trẻ, đặc biệt là công tác bảo vệ vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc trong mọi hoàn cảnh, dù công khai hay bí mật. Ngôi nhà cụ Nguyễn Thị An hiện nay được phục hồi làm phòng trưng bày lưu niệm sự kiện mang ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho mọi thế hệ người dân Việt Nam, cùng niềm nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại. Trải qua 75 năm, với ý nghĩa lịch sử to lớn, ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An và địa danh Phú Thượng như một địa chỉ đỏ của cách mạng đã đi vào lịch sử đất nước những ngày cuối tháng Tám năm 1945.

Di tích nhà cụ Nguyễn Thị An đã được bàn giao cho Nhà nước quản lý và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Bảo tàng Hà Nội. Hiện di tích đang được gia đình ông Công Ngọc Dũng, cháu cụ An trông nom (theo Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 của UBND thành phố Hà Nội về việc phân cấp quản lý nhà nước di tích thuộc quyền quản lý của UBND quận Tây Hồ mà trực tiếp là UBND phường Phú Thượng).

Với những giá trị nêu trên, Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Thị An (23 - 25/8/1945), thành phố Hà Nội được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 3087/QĐ-BVHTTDL ngày 03/12/2021./.

                                        Khánh Chi 

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website