Ngày 26 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Địa điểm tổ chức lớp huấn luyện đầu tiên và đóng quân của Trường Cán bộ cung cấp (1951 - 1954), tỉnh Thái Nguyên

Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 121/SL quy định tổ chức Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh, gồm 03 cơ quan: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 123/SL bổ nhiệm đồng chí Trần Đăng Ninh, ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng - Trưởng ban Kiểm tra Trung ương làm Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp.

Tháng 5/1951, Tổng cục Cung cấp quyết định mở Lớp Huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên tại khu rừng thuộc địa bàn xóm Hạ, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Yêu cầu chủ yếu của lớp huấn luyện này là bồi dưỡng một số nội dung chuyên môn nghiệp vụ, xác định quan điểm, trách nhiệm phục vụ, hiệu suất công tác của cán bộ cung cấp trong quá trình thực hành đảm bảo chế độ, tiêu chuẩn cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng chí Trần Đăng Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp trực tiếp chỉ đạo lớp học tham dự học là các Trưởng phòng quân nhu.

Ngày 15/5/1951, 88 học viên đã có mặt tại nhà ông “Cai Kinh”, (thuộc địa bàn xã Yên Đổ, huyện Phú Lương hiện nay), phần đông là Trưởng phòng, Phó phòng quân nhu các đại đoàn, một số ít là cán bộ cung cấp cơ quan Bộ Tổng tư lệnh và khoảng 20 đồng chí là cán bộ cấp tỉnh, huyện được bổ sung vào quân đội để huấn luyện trở thành cán bộ cung cấp. Trước khi khai giảng, toàn bộ học viên đã được đưa xuống Trung đoàn 165 thuộc Đại đoàn 312 để lấy tư liệu về tình hình bảo đảm hậu cần cho chiến sỹ. Lớp học được tổ chức thành 01 đại đội gồm 03 trung đội. Sau gần nửa tháng ổn định tổ chức và chuẩn bị mọi mặt, cuối tháng 5/1951, Lớp Huấn luyện cán bộ Cung cấp đầu tiên khai giảng. Căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế, chương trình lớp học tập trung vào nội dung cơ bản là: Chính trị và nghiệp vụ chuyên môn.

 Sau gần 03 tháng học tập, ngày 29/7/1951, lễ Bế giảng khóa I được tổ chức với 100% học viên đạt yêu cầu. Từ kinh nghiệm tổ chức lớp học Khóa I, đầu năm 1952, Tổng cục mở Lớp Huấn luyện cán bộ Cung cấp Khóa II gồm 120 học viên là cán bộ cung cấp của Liên khu 5. Sự có mặt của học viên đến từ miền Trung, vượt qua Bình - Trị - Thiên khói lửa, qua Liên khu 4, Liên khu 3... thể hiện tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cung cấp trước yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang và quyết tâm thực hiện công tác huấn luyện cán bộ của Tổng cục Cung cấp. Lúc này, lớp học được chuyển sang khu Gốc Khế, cách vị trí cũ chừng 200m.

Một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với lớp học là ngày 22/6/1952, Hội nghị Cung cấp toàn quân lần thứ nhất được tổ chức tại Việt Bắc. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Hội nghị. Năm 1953, cuộc kháng chiến có bước chuyển biến quan trọng, vùng giải phóng và căn cứ kháng chiến được mở rộng và củng cố ngày càng vững chắc. Tổng cục Cung cấp quyết định thành lập Trường cán bộ Cung cấp trên cơ sở Lớp Huấn luyện cung cấp đầu tiên trực thuộc Tổng cục. Trường có nhiệm vụ tập huấn cán bộ cung cấp từ tiểu đoàn trở lên trong toàn quân. Ngày 25/3/1954, lớp Luân huấn hậu cần Khóa II tổ chức Lễ khai giảng với 112 học viên. Ngày 03/7/1954, lớp Luân huấn hậu cần Khóa II kết thúc, Khóa III tiến hành được 02 tháng thì tình hình có những chuyển biến quan trọng. Ngày 25/9/1954, theo yêu cầu, 35 học viên Khóa III của Trường được Tổng cục điều động tăng cường cho các cơ quan kinh tế của Nhà nước.

          Trong khoảng 04 năm (1951 - 1954), từ Lớp Huấn luyện cán bộ Cung cấp đầu tiên được tổ chức tại xóm Hạ, xã Yên Đổ, đã phát triển thành Trường Cán bộ cung cấp. Khắc phục những khó khăn, thiếu thốn do hoàn cảnh chiến tranh, Nhà trường đã hoàn thành 05 khóa huấn luyện, bồi dưỡng được 486 cán bộ cung cấp. Tập thể cán bộ, giáo viên đã biên soạn được 04 tài liệu cơ bản về nghiệp vụ cung cấp và đã được Tổng cục sử dụng làm tài liệu học tập cho cán bộ cung cấp toàn quân. Có thể thấy, từ Lớp Huấn luyện cán bộ Cung cấp đầu tiên (năm 1951) đã phát triển thành Trường Cán bộ cung cấp (năm 1953), Trường Hậu cần (năm 1955), Trường Cán bộ hậu cần (năm 1957), Trường Sỹ quan Hậu cần (năm 1958), Học viện Hậu cần (năm 1974). Từ tháng 4/1996, Học viện Hậu cần trở thành nhà trường duy nhất đào tạo cán bộ hậu cần cho quân đội, đồng thời là một trung tâm nghiên cứu khoa học hậu cần quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Để ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Học viện, ngày 28/4/1999, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 547/QĐ-BQP công nhận ngày 15/6/1951 là Ngày truyền thống của Học viện Hậu cần.

Trải qua thời gian, ảnh hưởng bởi thời tiết, mưa bão…, những căn nhà, lớp học, hội trường không còn nữa, chỉ còn dấu vết nền nhà lớp học. Năm 2000, Học viện Hậu cần phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Phú Lương dựng bia di tích trên nền khu lớp học xưa. Bia hình trụ, 04 mặt ốp đá granite đỏ, đặt trên mặt bằng ốp đá granite đen xây giật cấp thành 03 bậc. Bia di tích chia làm 03 phần, phần trên, phần thân và đế bia. Khoảng sân trước bia lát gạch, diện tích còn lại của di tích được lát gạch đỏ, bốn góc trồng cây…

Với những giá trị nêu trên, Địa điểm Tổ chức lớp huấn luyện đầu tiên và đóng quân của Trường Cán bộ cung cấp (1951 - 1954), tỉnh Thái Nguyên được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 1870/QĐ-BVHTTDL ngày 15/6/2021./.

 

                                        Khánh Chi 

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website