Ngày 3 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Địa điểm Xưởng in tín phiếu Liên khu V tại Xà Nay (1947 - 1950) tỉnh Quảng Ngãi

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, được Chính phủ giao nhiệm vụ, ngày 31/01/1946, Bộ Tài chính đã cho in ấn và phát hành Đồng bạc Cụ Hồ trên cả ba miền Bắc – Trung – Nam để thay thế Đồng bạc Đông Dương do Thực dân Pháp phát hành trước đây với giá trị tương đương 1:1, đáp ứng nhu cầu của cuộc kháng chiến và chi tiêu của nhân dân. Tuy nhiên, từ giữa năm 1947, chiến tranh lan rộng trên phạm vi cả nước, Thực dân Pháp triển khai nhiều chiến dịch triệt phá, phong tỏa, bao vây kinh tế, dùng không quân đánh phá Bắc Bộ và Trung Bộ nhằm ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí, hàng hóa, tiền tài chính từ Trung ương vào vùng tự do Liên khu V. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính và đồng chí Phạm Văn Đồng đã đề xuất giải pháp cho phép chính quyền miền Nam Trung bộ in và phát hành Tín phiếu ở vùng tự do Liên khu V nhằm đảm bảo việc lưu thông tiền tệ, phục vụ kịp thời công cuộc kháng chiến của quân dân Nam Trung Bộ.

Ngày 18/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 231-SL/M cho phép chính quyền miền Nam Trung bộ in và phát hành Tín phiếu ở vùng tự do Liên Khu V (có giá trị như Giấy bạc Việt Nam). Thực hiện Sắc lệnh trên, đồng chí Phạm Văn Đồng và Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam Trung bộ quyết định thành lập xưởng in Tín phiếu đặt tại xóm Xà Nay, thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà vào tháng 9/1947. Xưởng in Tín phiếu có 50 cán bộ, công nhân do đồng chí Nguyễn Xin làm Giám đốc, đồng chí Nguyễn Hữu Thâm làm Phó giám đốc. Xưởng có nhiệm vụ in và phát hành Tín phiếu phục vụ cuộc kháng chiến kiến quốc của quân dân Nam Trung bộ. Xưởng được xây dựng tại Xà Nay, có diện tích 2ha, gồm 2 khu nhà chính: khu nhà xưởng, khu nhà ở và nhà làm việc. Nhà làm việc gồm có phòng làm việc của Giám đốc, Phó Giám đốc và 02 phòng làm việc của cán bộ phòng Kế hoạch và Hành chính quản trị. Khu nhà xưởng gồm có phân xưởng in, phân xưởng đánh số, phân xưởng sửa chữa máy và thiết bị vật tư phục vụ sản xuất cùng nhà kho. Ngoài ra, còn có nhà ở, nhà thường trực của đội bảo vệ cơ quan khoảng hơn 60 người.

Lúc mới thành lập, phân xưởng in được trang bị 5 máy minet, vận hành bằng đạp chân để cung cấp điện thắp sáng. Vẽ mẫu Tín phiếu do họa sĩ Hoàng Kiệt đảm nhận, còn bản ảnh in bằng đồng (khuôn in) do ông Văn Hồ là thợ điêu khắc có tiếng ở Đà Nẵng thực hiện. Giấy in Tín phiếu do các cơ sở sản xuất giấy ở Trà Câu, xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ và xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) cung cấp. Nguyên liệu làm mực in là các loại bột màu mua ở các thành phố lớn đem về pha chế với dầu rái. Các loại Tín phiếu được in và phát hành lúc bấy giờ là Tín phiếu: một đồng, năm đồng, hai mươi đồng, năm mươi đồng, một trăm đồng, năm trăm đồng.

 Về hình thức: Mỗi tờ Tín phiếu có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ ký của đồng chí Phạm Văn Đồng - đại diện Chính phủ Trung ương và đồng chí Nguyễn Duy Trinh - đại diện Ủy ban hành chính Trung Bộ; mệnh giá ghi bằng chữ quốc ngữ, chữ hán và chữ số. Ngoài những đặc điểm chung đó, mỗi tờ Tín phiếu còn được trang trí cảnh vật và con người thể hiện những hình tượng như công - nông - binh, sĩ – nông -  công - thương, non nước hùng vĩ và giàu đẹp,...

Trong lúc mọi hoạt động sản xuất và phát hành Tín phiếu được tiến hành đều đặn, ngày 25/01/1950 đã xảy ra bạo loạn ở Sơn Hà, xưởng in Tín phiếu tại xóm Xà Nay, xã Sơn Nham bị địch phát hiện nên được lệnh chuyển đến thôn Bình Trung, xã Trà Bình, huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi và tiếp tục hoạt động đến tháng 6/1951.

Sau Chiến dịch Biên giới thắng lợi (1950), cục diện chiến tranh có nhiều thay đổi, quân và dân ta chuyển sang tổng phản công. Để phù hợp với tình hình mới, ngày 06/5/1951, Chính phủ có Sắc lệnh số 15/SL cho thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, quyết định thay giấy Bạc tài chính bằng Bạc ngân hàng. Lúc này cơ quan in Tín phiếu đóng tại xã Trà Bình, huyện Trà Bồng sát nhập vào cơ quan 100 đóng tại Hoài Ân, tỉnh Bình Định, trực thuộc Ngân hàng Liên khu V. Đến đây, Xưởng in Tín phiếu của Liên khu V đặt tại Xà Nay kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình.

Mặc dù Xưởng in Tín phiếu tại xã Sơn Nham – huyện Sơn Hà ra đời và tồn tại chỉ trong thời gian chưa đầy 03 năm (từ tháng 9/1947 đến tháng 01/1950) và sau đó di dời về xã Trà Bình, huyện Trà Bồng tiếp tục hoạt động đến tháng 6/1951 nhưng đã in được một khối lượng lớn Tín phiếu. Lượng Tín phiếu này được lưu hành không chỉ ở vùng tự do bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên với số dân 2,5 triệu mà còn đưa vào buôn bán ở một số vùng địch kiểm soát như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận,… góp phần phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, xây dựng nền kinh tế tự túc ở Liên khu V, tự cung cấp đủ cho chiến trường miền Nam Trung bộ và Tây Nguyên, đồng thời, làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân hai nước bạn Lào và Campuchia. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh công cuộc kháng chiến nhanh chóng thắng lợi, chống lại sự phá hoại về mặt tài chính của địch.

Hiện nay, 3 khuôn in Tín phiếu bằng đồng đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ngãi. Di tích Địa điểm Xà Nay, nơi đặt Xưởng in Tín phiếu của Liên khu V tại xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà là địa danh đi vào lịch sử, ghi dấu sự hình thành và phát triển của ngành tài chính Việt Nam trong công cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp.

Di tích đã được khoanh vùng bảo vệ với tổng diện tích 14.435,2m2, trong đó khu vực I là: 5.447,0m2, khu vực II là: 8.988,2m2.

Với những giá trị trên, Địa điểm Xưởng in tín phiếu của Liên khu V tại Xà Nay (1947-1950), tỉnh Quảng Ngãi được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 3083/QĐ-BVHTTDL ngày 03/12/2021./.

                                        Khánh Chi 

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website