Ngày 3 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Đình Quán, tỉnh Thái Bình

Đình Quán (thôn Lê Lợi 2, xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), là nơi thờ Thành hoàng làng An Hạ đại vương và phu nhân Đàm Chiêu Trinh - Người có công lao to lớn với quê hương, đất nước dưới triều đại Lý - Trần (1202 - 1268). Ông bà là người có công lớn trong việc khai hoang, mở đất, dựng đình, dựng chùa, mở chợ giúp nhân dân ấp Hà Nội (xã Đông Xuân, Đông Quang ngày nay) có cuộc sống ổn định, sung túc.  

Trong lịch sử giải phóng đất nước, đình Quán cũng là nơi đã diễn ra nhiều  sự kiện lịch sử quan trọng trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến. Đó là những trang sử hào hùng của cha ông ta để giáo dục lòng yêu nước và tinh thần quả cảm tới các thế hệ tiền nhân.

Tại đình Quán, đồng chí Nguyễn Văn Năng, Vũ Nhượng đã tổ chức buổi họp kín với các đồng chí Hội Việt NamCcách mạng thanh niên trong tổng Trực Nội, để bàn việc thành lập một số hội ra đấu tranh công khai với địch. Sau cuộc họp này, tại Trực Nội đã có rất nhiều hội như: hội hiếu hỷ, hội lợp nhà, hội tương tế, hội đọc sách báo, hội đá bóng,... Các tổ chức hội này đều chọn đình Quán là địa điểm làm việc, do đó tại đây luôn tập trung đông đảo quần chúng nhân dân để chống lại các hủ tục lạc hậu trong làng xã, nơi lấy chữ ký vào đơn dân nguyện, nơi liên lạc tập trung nhân lực, vật lực để ủng hộ cách mạng, nơi tiếp nhận báo chí tiến bộ từ nơi khác chuyển về truyền tới tay người đọc trong xã, trong tổng. Nhờ các hoạt động trên mà thời kỳ này liên tục nổ ra các phong trào như: chống sưu cao thuế nặng, chống bắt phu dịch, đòi bãi bỏ thuế lạm bổ ở chợ Nội,...

Năm 1937, phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ phát triển mạnh mẽ tại tổng Trực Nội, đình Quán lúc bấy giờ là địa điểm mở lớp học chữ Quốc ngữ. Tại đình có 03 lớp học, mỗi lớp từ 15 - 20 người do đồng chí Nguyễn Văn Viễn, Vũ Văn Bính, Vũ Tiến Quỳ là những người trực tiếp giảng dạy. Với khẩu hiệu "nâng cao dân trí, kiến thiết hương thôn", các lớp học này học vào ban đêm nhưng đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, thông qua đó tuyên truyền những tư tưởng tiến bộ của Đảng, của cách mạng tới nhân dân. Phong trào học chữ Quốc ngữ tại đình Quán hoạt động sâu rộng và hiệu quả cho đến khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công thì chuyển giao cho ngành bình dân học vụ xã Trực Nội, do ông Vũ Tiến Trình là Trưởng ban học vụ.

Năm 1944, Mặt trận Việt Minh xã Trực Nội được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Viễn là chủ nhiệm. Đình Quán là cơ sở hoạt động của Mặt trận Việt Minh, nơi tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tin tưởng cách mạng, phát động nhân dân may cờ, mua sắm vũ khí để khi thời cơ đến sẽ Tổng khởi nghĩa. Tháng 6/1945, để gây thanh thế cho Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng cách mạng chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Ban vận động Việt Minh phủ Thái Ninh đã quyết định tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại chùa Phú (làng Tống Khê, xã Đông Hoàng) và yêu cầu các tổ chức Việt Minh trong toàn phủ kêu gọi nhân dân về đây để dự mít tinh. Nhận được chỉ đạo từ trên, tổ chức Việt Minh xã Trực Nội dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Viễn đã họp tại đình Quán để tiến hành bàn bạc, vận động nhân dân tham gia vào cuộc mít tinh. Tại cuộc họp này, đồng chí Viễn đã chỉ đạo các đồng chí trong tổ chuẩn bị tốt nhân lực, vật lực (vũ khí, cờ đỏ búa liềm, truyền đơn) để tham dự mít tinh tại chùa Phú (làng Tống Khê). Đầu tháng 6/1945, tổ Việt Minh xã Trực Nội do đồng chí Nguyễn Văn Viễn dẫn đầu và nhiều hội viên tham dự mít tinh do đồng chí Nguyễn Quang Phục diễn thuyết.

Chiều ngày 18/8/1945, tại đình Quán, Lý trưởng Vũ Văn Hoành đã mang toàn bộ sổ sách và đồng triện giao cho ban lãnh đạo Mặt trận Việt Minh tiếp nhận. Tại Lễ mít tinh này, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên cột cờ đình Quán, ông Vũ Tiến Thê được bầu là Chủ tịch lâm thời xã Trực Nội, ông Vũ Tiến Liễu được bầu là Phó Chủ tịch xã.

Đình Quán là nơi thực hiện phong trào "Tuần lễ vàng", "quỹ độc lập", "hũ gạo kháng chiến". Đây cũng là địa điểm mở các lớp bình dân học vụ cho nhân dân do ông Đặng Duy Xoan, ông Đặng Trịnh là giáo viên, mỗi lớp học có từ 10 - 15 học sinh, được mở cả ban ngày lẫn ban đêm với bàn, cánh cửa, nền nhà là bảng; vôi, gạch non, đất sét là phấn. Nhờ các lớp học này mà đến cuối năm 1946, đa số người dân Trực Nội đã biết đọc, biết viết.

Đầu năm 1946, nhân dân làng Quán được học tập sắc lệnh về việc bầu cử nước Việt Nam dân chủ cộng hoà của Chính phủ. Nhân dân trong làng đã tích cực chuẩn bị mọi công tác cho bầu cử như: treo cờ đỏ sao vàng, băng biển khẩu hiệu. Sáng ngày 6/01/1946, nhân dân đã có mặt tại đình Quán để bầu cử Quốc hội, ủng hộ Mặt trận Việt Minh, ủng hộ Chính phủ. Tiếp sau cuộc bầu quốc hội, nhân dân trong làng tiếp tục ra đình Quán để bầu cử Hội đồng nhân dân xã Trực Nội. Tại đây, ông Vũ Tiến Liễu được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã. Thời kỳ này, đình Quán được chọn là trụ sở làm việc của Uỷ ban hành chính xã Trực Nội (sau này là Uỷ ban hành chính kháng chiến xã Trực Nội).

Cũng trong năm 1946, đình Quán được chọn là địa điểm trưng bày tranh ảnh, sách báo tuyên truyền, vận động cách mạng của tỉnh Thái Bình. Tại đây, nhiều tranh ảnh, sách báo cách mạng được trưng bày, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh về tham quan. Đợt trưng bày thu được kết quả tốt, quần chúng nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thể hiện quyết tâm cao độ của mình trong việc đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập cho dân tộc.

Lễ hội rước sắc ngũ thôn a tại đình Quán từ thời xưa và tồn tại đến nay là một trong những giá trị văn hóa phi vật thể cần được nghiên cứu và bảo tồn.

Với những giá trị nêu trên, đình Quán, xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 1984/QĐ-BVHTTDL ngày 29/6/2021./.

                                        Khánh Chi 

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website