Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, Bình Định
Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chất liệu: Đá (sa thạch)
- Niên đại: Cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII
- Giá trị:
Hai tượng Sư tử đá thành Đồ Bàn là hai tác phẩm tiêu biểu, độc đáo của nghệ thuật điêu khắc đá Champa được phát hiện trong khu vực thành Đồ Bàn gần tháp Cánh Tiên năm 1992; là hiện vật gốc đang được lưu giữ, trưng bày, giới thiệu trong không gian Văn hóa Champa tại Bảo tàng tỉnh Bình Định, được giới chuyên gia nghiên cứu Văn hóa Champa đánh giá cao về giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật độc đáo và xếp vào phong cách Tháp Mẫm, cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII.
Với bố cục khá hoàn chỉnh, hai tượng Sư tử được phát hiện trong khu vực thành Đồ Bàn là loại hình điêu khắc độc đáo, sống động, mang tính mỹ thuật cao được thể hiện theo những truyền thống động vật Champa, chứ không làm theo mẫu của nghệ thuật Angko như những tượng sư tử đã được biết trước đây. Có thể nói, đây là hai tượng Sư tử được diễn tả khá độc đáo trong nghệ thuật điêu khắc tượng sư tử Champa.
Năm 1220, người Champa bước vào giai đoạn cực thịnh với nhiều thành tựu to lớn, lúc này nghệ thuật Champa đã được phục hưng trở lại, để tạo nên một phong cách nghệ thuật mới, mà Boisselier gọi là phong cách Tháp Mẫm. Được tạo tác trong giai đoạn cực thịnh của vương quốc Champa, những tác phẩm điêu khắc giai đoạn này rất to lớn, hoành tráng và họa tiết trang trí trên từng tác phẩm rất cầu kỳ, thể hiện sự hùng mạnh của vương triều lúc bấy giờ.
Truyền thống tượng sư tử Trà Kiệu đã trở thành dòng tượng Sư tử chủ yếu của Champa từ phong cách Trà Kiệu đầu thế kỷ X cho đến giai đoạn phong cách Bình Định hay phong cách Tháp Mẫm kéo dài đến cuối thế kỷ XIII. Phong cách Tháp Mẫm thường thể hiện những con thú huyền thoại, một khuynh hướng nghệ thuật mà những nghệ nhân Champa đã đạt đến một trình độ điêu luyện, mang tính đặc trưng riêng biệt.
Hai tượng Sư tử đá thành Đồ Bàn là những tượng tròn tả thực - hiện tượng hiếm thấy trong điêu khắc cổ Champa, tượng thể hiện sư tử truyền thống của người Champa, gần gũi với đời thường, trông có lúc rất hiền lành, đôn hậu, có lúc làm ra bộ dữ dằn, tượng Sư tử như đang chuyển động dưới nhát đục tài hoa, điêu luyện của các nghệ sĩ điêu khắc Champa, gây hiệu quả cảm thụ bất ngờ. Phải rất quen thuộc hoặc rất nhuần nhuyễn với ý niệm về những động vật, nhạy cảm với tính chuyển động thường trực trong tâm hồn và với thủ pháp điêu luyện mới tạo ra được những sư tử sinh động như vậy.
Phong cách điêu khắc Bình Định nói chung, hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn nói riêng là sự lựa chọn những yếu tố của Đồng Dương và Trà Kiệu để dung hợp và tạo nên một xu hướng hiện thực, tính hoành tráng, cái đẹp của những kết cấu mảng khối trong tạo hình điêu khắc. Nếu tượng sư tử ở Đồng Dương và Trà Kiệu đi vào sự sâu lắng, thì tượng Sư tử thành Đồ Bàn phong cách Tháp Mẫm là sự đam mê, sôi động về lý tưởng hóa cao độ. Một nỗ lực ra sức vươn tới, bung ra đang bị ức chế, có thể cảm thụ được điều đó qua các tác phẩm điêu khắc đá, đất nung…/.
Thúy Hà
(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)