Ngày 3 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Hang Nà Mò, tỉnh Bắc Kạn

Theo nghĩa tiếng Tày, Nùng “Nà Mò” có nghĩa là “ruộng bò” (chăn hoặc nhốt bò). Hang Nà Mò (thôn Nà Cà, xã Hương Nê, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) là một hang lớn, nằm trên sườn dãy núi đá vôi, cửa hang cao khoảng 15m so với chân núi, cách đường Quốc lộ 279 khoảng 100m, hình vòm lớn quay về hướng Tây chếch Bắc, trông xuống một thung lũng rộng lớn có một con suối chảy qua. Đường lên hang thuận tiện, khu vực ngoài cửa hang nhận được ánh sáng tự nhiên có chiều sâu 65m, với tổng diện tích 837m2, bề mặt hang khá bằng phẳng, trần hang thấp, ít nhũ rủ, thuận lợi cho con người cư trú.

Ngăn cách khu vực ngoài cửa hang với ngách hang ăn sâu vào lòng núi là một lối đi nhỏ, trần hang thấp, đi qua khu vực này khoảng 10m, lòng hang mở rộng, trần hang cao, được chia làm hai buồng lớn (buồng dưới và buồng trên). Buồng dưới có diện tích khoảng 200m2, trần hang cao khoảng 15m, không có nhũ, măng đá; Buồng trên cao hơn buồng dưới khoảng 8m, có diện tích rộng tương tự như buồng dưới, trần hang cao 5m, có nhiều thạch nhũ, có một cụm 08 măng đá, có đường nước chảy thông lên phía trên đầu nguồn, hiện đường này đã bị cát bồi lấp, tuy nhiên khi có lũ lớn nước vẫn đùn lên theo lối này tạo ra dòng chảy trong hang. Phía trước cửa hang là cánh đồng nằm trong thung lũng đá vôi và có dòng suối nhỏ bắt nguồn từ khu vực núi đá phía Nam chảy qua. Dòng suối này là một nhánh của suối Nà Phặc chảy qua các xã Lãng Ngâm, Nà Phặc (huyện Ngân Sơn), Hà Hiệu, Phúc Lộc, Bành Trạch (huyện Ba Bể), đổ vào sông Năng ở đoạn giáp gianh giữa xã Bành Bạch và Cao Thượng (huyện Ba Bể). Ven dòng suối và triền núi thấp trước cửa hang được cư dân địa phương khai phá làm ruộng, bãi trồng cây hoa màu.

Về di tích và di vật, trong hố khai quật đã phát hiện 04 mộ táng, 03 bếp lửa, 272 di vật đá, 04 công cụ mũi nhọn xương, 04 mảnh gốm thô. Cả 04 mộ táng tìm thấy giữa lớp 05 và lớp 06 của hố đào, nằm sâu cách mặt đất khoảng 60cm - 70cm. Mộ táng có đặc điểm chung là không có biên mộ, mộ được kè đá hoặc rải đá lên trên bề mặt, không phát hiện xương sọ, xương hàm và răng. Trong số nhóm hiện vật trên đáng lưu ý là những chiếc mang dấu “Bắc Sơn”. Loại này có 13 chiếc, chiếm 4,78% tổng số hiện vật, chủ yếu tìm thấy ở lớp 01, 02 và lớp 03. Dấu Bắc Sơn là di vật tiêu biểu và đặc trưng cho Văn hóa Bắc Sơn. Tất cả dấu Bắc Sơn ở đây được làm từ đá phiến diệp thạch (schiste), dài trung bình 6cm - 10cm, hẹp ngang và mỏng. Đồ gốm gồm 04 mảnh gốm nhỏ, xương gốm thô có hạt sạn nhỏ, 02 mảnh không có hoa văn, 02 mảnh văn thừng mịn. Những mảnh gốm này tìm thấy ở lớp 02 và lớp 03 của di chỉ cùng với dấu Bắc Sơn và rìu mài lan thân. Bộ công cụ đá Nà Mò mang nhiều đặc trưng của Văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn, trong số đó có một số công cụ hình bầu dục hay ô van ghè đẽo xung quanh trên một mặt kiểu Sumatralith. Công cụ rìu ngắn ở đây khá đặc trưng và chuẩn xác như ở các địa điểm Hòa Bình khác. Với việc phát hiện số lượng lớn đá có vết ghè, đá nguyên liệu, mảnh tước chứng tỏ cư dân Nà Mò chế tác công cụ tại chỗ, cuội nguyên liệu được khai thác từ dòng suối chảy qua thung lũng trước cửa hang. Kỹ thuật chế tác chủ đạo của cư dân Nà Mò là ghè đẽo trực tiếp, ít phổ biến, kỹ thuật tách mảnh tước từ hạch đá. Ở Nà Mò kỹ thuật mài đã xuất hiện, sự có mặt của bàn mài, rìu mài hạn chế rìa lưỡi, rìu mài lan thân đã cho thấy cư dân cổ nơi này nắm vững kỹ thuật mài. Đây là một yếu tố mang tính cách mạng trong kỹ thuật nguyên thủy, làm thay đổi căn bản diện mạo công cụ ghè đẽo đã quá quen thuộc kéo dài hàng triệu năm trong lịch sử loài người, nâng cao hiệu quả, năng xuất lao động.

Căn cứ vào những di vật, đặc trưng di vật thu được các nhà khoa học xếp hang Nà Mò vào hệ thống Văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn muộn, có niên đại từ 6.000 - 5.000 năm cách ngày nay. Căn cứ vào niên đại C14 đã được xác định, các nhà khảo cổ học xác định khung niên đại cư dân cổ Nà Mò trong khoảng từ 6.000 - 5.000 năm cách ngày nay. Với khung niên đại đó, chủ nhân hang Nà Mò lại thuộc về thời Sơ - Trung kỳ Đá mới ở Việt Nam tương đương với Văn hóa Cái Bèo, Đa Bút, Quỳnh Văn, di chỉ Bàu Dũ ở vùng ven biển Đông Bắc và Bắc Trung Bộ. Việc phát hiện nhiều di vật dấu Bắc Sơn và khung niên đại của di chỉ Nà Mò đặt ra một nhận thức mới về thời điểm kết thúc của Văn hóa khảo cổ Bắc Sơn ở Việt Nam.

Với việc khai quật, nghiên cứu toàn diện về khảo cổ, hang Nà Mò đã mang đến cho giới nghiên cứu khảo cổ học những nhận thức mới về Văn hóa Bắc Sơn và giai đoạn tiếp theo, cũng như mối quan hệ của cư dân Văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn cổ với những cư dân thời đại đá mới ở trong khu vực Đông Bắc nói riêng, miền Bắc Việt Nam nói chung. Những tư liệu mới cho phép chúng ta nhận thức hang Nà Mò là một di chỉ khảo cổ quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với khảo cổ học vùng núi Đông Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung. Nó đã củng cố thêm nhận thức về sự tiếp nối của một bộ phận cư dân Văn hóa khảo cổ Bắc Sơn trong Sơ kỳ Đá mới và một bộ phận thuộc Trung kỳ Đá mới. Nà Mò chính là dấu gạch nối tiếp theo các địa điểm Ngườm Vài (Cao Bằng), Pắc Tà (Hà Giang), Hang Ốc (Thái Nguyên) mà bấy lâu nay đã được nhiều nhà khảo cổ học cố công tìm kiếm để giải đáp mối quan hệ giữa cư dân Hòa Bình - Bắc Sơn cổ với những nhóm cư dân Hậu kỳ Đá mới trong khu vực Đông Bắc. Đồng thời, Nà Mò cũng đặt ra gợi mở về một niên đại muộn hơn rất nhiều những niên đại hiện biết về thời điểm kết thúc của Văn hóa khảo cổ Bắc Sơn trong tiến trình Văn hóa Tiền sử Việt Nam, đó chính là ý nghĩa nổi bật của di tích này trong bức tranh toàn cảnh về khảo cổ học Việt Nam từ trước đến nay.

Với những giá trị tiêu biểu trên, Hang Nà Mò, tỉnh Bắc Kạn được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích khảo cổ học quốc gia theo Quyết định số 42/QĐ-BVHTTDL ngày 07/01/2020./.                  

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website