Ngày 27 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Hang Núi Bút, tỉnh Tuyên Quang

Hang Núi Bút (xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) có vị trí tọa độ 21045’19” Vĩ độ Bắc,và 105018’32” Kinh độ Đông; là một hang nhỏ, nằm trên sườn dãy núi đá vôi lớn, cao khoảng 30m so với chân núi. Đường lên hang thoai thoải, dễ đi. Cửa hang hình vòm quay về phía Tây Nam, lòng hang không sâu, bề mặt khá bằng phẳng rộng gần 25m2. Tháng 3/2015, hang Núi Bút được phát hiện và đào thám sát bước đầu cho thấy dấu tích của người nguyên thuỷ tại hang. Tháng 8/2015, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành đào khai quật tại địa điểm hang Núi Bút.

Kết quả đã tìm thấy rất nhiều di tích, di vật đặc trưng của Văn hoá Hoà Bình - Bắc Sơn như: Bếp lửa, mộ táng, các loại rìu đá, công cụ đá...Trong sưu tập hang Núi Bút có những loại hình công cụ truyền thống mang phong cách đá cũ, đó là: loại rìu hình bầu dục, rìu ngắn, rìu mài lưỡi. Đáng chú ý có một loại di vật rất đặc biệt là di vật “rìu mài Bắc Sơn”. Sự xuất hiện loại di vật này có nhiều ý nghĩa về giao tiếp văn hoá giữa người Hoà Bình và cư dân Văn hoá Bắc Sơn, cũng như để xác định tuổi của di chỉ. Nghiên cứu sự diễn biến công cụ qua các lớp văn hóa cho thấy đồ gốm phát hiện ở các lớp văn hóa. Những chiếc rìu mài tìm thấy trong ngôi mộ thuộc về chủ nhân cùng thời với những rìu mài có vai và đồ gốm.

Từ lớp 4 trở xuống, công cụ ghè đẽo chiếm ưu thế, trong đó công cụ kiểu Hòa Bình - Bắc Sơn xuất hiện khá phổ biến. Dựa vào kết cấu trầm tích địa tầng văn hoá và kết quả nghiên cứu tổng thể các di vật, đặc biệt di vật gốm và rìu đá mài, các nhà khảo cổ học cho rằng hang Núi Bút là một di chỉ cư trú của cư dân thuộc giai đoạn Đá mới, cách ngày nay khoảng 4.500 - 6.000 năm.

Trước đây, trên đất Tuyên Quang đã phát hiện nhiều di tích thuộc Văn hóa Hòa Bình, có niên đại cách ngày nay từ 6.000 đến 10.000 năm. Việc phát hiện di tích hang Núi Bút là một mắt xích quan trọng trong hệ thống văn hóa tiền sử ở Tuyên Quang, hòa vào dòng chảy lịch sử văn hóa chung của dân tộc và là một trong những cội nguồn quan trọng tạo nên văn hóa thời đại kim khí - văn hóa thời dựng nước trên đất Tổ vua Hùng.

Căn cứ vào kết cấu địa tầng, cũng như sự xuất hiện của các di vật, có thể thấy tại di chỉ hang Núi Bút từ lớp 1 đến lớp 3 thuộc về Hậu kỳ Đá mới; từ lớp 4 đến lớp 9 thuộc về giai đoạn Hòa Bình - Bắc Sơn muộn. Những chủ nhân cổ cư trú tại hang Núi Bút không sống biệt lập mà có quan hệ khá rộng với cư dân đương thời. Nghiên cứu đồ đá ở đây cho thấy những chiếc công cụ hình bầu dục, công cụ dạng rìu ngắn khá gần gũi với công cụ đồng loại ở vùng núi Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng. Tại hang Núi Bút tìm thấy số lượng rất lớn các loài nhuyễn thể như trai, ốc, phần lớn vỏ ốc đều đã bị đập mất phần đuôi và một số vỏ ốc có dấu hiệu bị nướng, lùi qua lửa chứng tỏ ốc là nguồn thức ăn của người thời cổ. Trai, ốc là những động vật chủ yếu sống ở sông, suối. Đây là một trong những loại thức ăn chiếm ưu thế trong đời sống của cư dân cổ ở Tuyên Quang. Việc thu lượm nguồn thức ăn ấy là một trong những hoạt động kinh tế chủ đạo của họ. Ngoài ra, còn tìm thấy nhiều xương răng động vật chủ yếu là những loài thú nhỏ, chưa bị hoá thạch. Qua kết quả phân tích bào tử phấn hoa từ một số địa điểm thuộc Văn hoá Hoà Bình ở những nơi khác có thể nhận định cư dân hang Núi Bút thuộc Văn hoá Hoà Bình sử dụng các giống loài thực vật điển hình cho khí hậu nóng ẩm.

Từ những dấu tích bếp lửa, mộ táng, công cụ lao động và các di vật khác tìm thấy tại hang Núi Bút đã góp phần phác họa nên bức tranh sống động về đời sống văn hóa của cư dân cổ ở hang Núi Bút nói riêng và của tỉnh Tuyên Quang nói chung. Dựa vào các tài liệu khảo cổ học từ hang Núi Bút cùng với di chỉ Phia Vài, Thẩm Vài, Thẩm Hẩu (Tuyên Quang), Khuổi Nấng, Đán Cúm, Nà Chảo (Hà Giang), Ngườm Vài, Ngườm Cắng (Cao Bằng) đã góp phần phác dựng lại thời đại Đá mới ở Tuyên Quang. Đây là phát hiện khảo cổ học quan trọng, đóng góp những nhận thức mới vào việc nghiên cứu văn hóa thời tiền sử của dân tộc.

Tại hang Núi Bút, tầng văn hoá chứa đựng vỏ nhuyễn thể, công cụ đá, công cụ xương và nhiều chày nghiền, bàn nghiền, có khả năng đó là dụng cụ liên quan đến chế biến các quả, hạt của cư dân cổ thời đó. Phương thức săn bắt vẫn là một nguồn kiếm thực phẩm chính yếu của cư dân Văn hoá Hoà Bình ở Tuyên Quang. Tại hang Núi Bút còn tìm thấy các công cụ bằng đá, rìu ngắn, mảnh tước, các đồ gốm… Qua quá trình khai quật với những tư liệu hiện có, có thể khẳng định Núi Bút là một di chỉ cư trú của người tiền sử có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử vùng. Những di tích, di vật đã phát hiện là nguồn tư liệu quý giá cho các nhà khảo cổ học nghiên cứu về lịch sử của con người tại vùng đất cổ Tuyên Quang.

Di tích khảo cổ hang Núi Bút là minh chứng về một vùng đất có truyền thống văn hoá, lịch sử lâu đời, luôn gắn với quá trình phát triển của các khu vực văn hoá lớn khác trên mọi miền đất nước. Trong mấy năm gần đây, huyện Sơn Dương có nhiều phát hiện khảo cổ học quan trọng, các di tích từ thời đại đồ đá (hang động), đến thời đại Kim khí (sườn đồi, hang động) và cả các di tích thuộc giai đoạn lịch sử (chùa, đền), cho thấy, Sơn Dương là vùng đất có bề dày lịch sử và đóng vai trò quan trọng trong lịch sử của tỉnh Tuyên Quang nói riêng và của cả nước nói chung. Văn hoá Hậu kỳ Đá mới với đặc trưng là văn hoá Hoà Bình đã để lại dấu ấn đậm nét ở hang Núi Bút. Trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, hang còn là nơi trú ẩn tránh máy bay của nhân dân trong thôn Đồng Ván.

Với những giá trị tiêu biểu trên, Hang Núi Bút, tỉnh Tuyên Quang đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích khảo cổ học quốc gia theo Quyết định số 3239/QĐ-BVHTTDL ngày 04/11/2020./

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                 Khánh Chi                                                                                                                                                                                                 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website