Ngày 4 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Hồ Mạch, tỉnh Quảng Ninh

Hồ Mạch nằm trên cánh đồng của làng Yên Đông thuộc Khu 3, phường Yên Hải, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Theo Từ điển Hán Việt, “Hồ” có nghĩa là chỉ nơi trũng trong đất liềnsâu và rộng, chứa nước ngọt; “Mạch” là chỉ dòng nước chảy ngầm dưới đất. Vì vậy, “Hồ Mạch” là chỉ một nơi trũng, sâu, rộng chứa nước ngọt, được khơi từ dòng nước ngầm dưới lòng đất. Đây là địa điểm, nơi ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng gắn liền với quá trình khai hoang, mở đất lập làng, xây dựng nên các làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XV và lịch sử hình thành khu đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Theo các tư liệu Hán Nôm và văn bia còn lưu giữ, đảo Hà Nam xưa kia là một bãi phù sa cổ, có địa hình thấp hơn mực nước biển (khi thuỷ triều lên). Đến nay, được bồi đắp và bao bọc bởi 34km đê biển và trên 6 vạn dân sinh sống. Vùng đất này ra đời và phát triển trong gian khó của công cuộc chinh phục thiên nhiên, mở mang đất đai nơi cửa biển Bạch Đằng. Trong đó, nước ngọt là nhu cầu thiết yếu hàng đầu của cư dân trong suốt gần 600 năm qua, nên lịch sử hình thành, phát triển đảo Hà Nam gắn liền với Hồ Mạch. Hồ Mạch không chỉ là khởi nguồn của sự hình thành, phát triển của đảo Hà Nam mà còn gắn liền với lịch sử hình thành các vị Tiên Công, các di tích miếu Tiên Công, Nhà thờ dòng họ Tiên Công đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Do đó, di tích Hồ Mạch mang ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn.

Hồ Mạch cùng với miếu thờ “Thập cửu Tiên Công” và tín ngưỡng thờ Tiên Công ở các nhà thờ dòng họ Tiên Công vùng đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh là một nét đẹp văn hóa riêng có của cư dân vùng cửa biển Bạch Đằng nói riêng và cư dân vùng đồng bằng sông Hồng nói chung. Với những nét đẹp trong tín ngưỡng thờ nhân thần, danh nhân (Tiên Công) có công khai canh, mở đất, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, kính trọng tuổi già, “kính lão đắc thọ” ở vùng đất Tiên Công - Hà Nam còn mang ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa; truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, giáo dục cho các thế hệ trẻ luôn tự hào về lịch sử, tưởng nhớ và tri ân công lao của các danh nhân và các bậc tiền nhân trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Gắn với di tích Hồ Mạch và các nhà thờ dòng họ Tiên Công là Lễ hội Tiên Công - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, một lễ hội “rước người” độc đáo nhất trong cả nước. Các bậc cao niên, được nhân dân trong vùng goi là “Cụ Thượng”, lễ hội được tổ chức vào các ngày mùng 4, 5, 6, 7 tháng Giêng (Âm lịch) hằng năm. Không gian của lễ hội diễn ra ở các phường: Phong Cốc, Phong Hải, Yên Hải, xã Cẩm La và Liên Hòa. Trung tâm lễ hội được tổ chức ở di tích miếu Tiên Công và ở các nhà thờ dòng họ Tiên Công. Lễ hội Tiên Công cùng với Hồ Mạch và các di tích Tiên Công đều mang giá trị lịch sử - văn hóa và truyền thống quai đê, lấn biển lập làng của các Tiên Công trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước; đồng thời, vẫn có những nét đặc trưng văn hóa độc đáo riêng của vùng đất nơi cửa sông Bạch Đằng lịch sử. Các nghi lễ, nghi thức mừng “Thượng thọ”; “Lễ sống” “Cụ Thượng”, tôn vinh, ngưỡng vọng các cụ ông, cụ bà tròn 80, 90, 100 tuổi. Nghi thức rước các “Cụ Thượng” lên miếu Tiên Công lễ Tổ để “truy ơn” Tiên Công có giá trị tiêu biểu trong cả nước về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhớ ơn tiên tổ; là nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân địa phương, góp phần giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ, với con, cháu trong gia đình, dòng họ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt lễ hội Tiên Công còn lưu giữ nhiều hoạt động văn hóa; các trò chơi dân gian gắn liền với tín ngưỡng của người dân vùng biển do các Tiên Công trao truyền lại, như: chơi đu, chọi gà, cờ người, tổ tôm điếm, hát đúm, hò biển, đấu vật, đắp đê tượng trưng....

Hồ Mạch đóng góp cho việc nghiên cứu lịch sử hình thành các làng xã và truyền thống khai hoang, lấn biển, trị thủy, sản xuất phát triển kinh tế nông nghiệp của đất nước Việt Nam ở thế kỷ XV nói chung và công cuộc khai hoang lấn biển, đắp đê, trị thủy, sản xuất nông nghiệp làm thủy lợi, xây dựng nông thôn mới ở thị xã Quảng Yên nói riêng, tỉnh Quảng Ninh và Việt Nam nói chung. Trong mọi giai đoạn, thời kỳ và trong lao động, sản xuất nông nghiệp, nước ngọt luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống con người và bất kỳ sinh vật nào trên trái đất này. Nguồn nước ngọt là khởi nguồn của sự sống, là tài nguyên phục vụ cho phát triển nông nghiệp, cho sản xuất. Chính nhờ sự phát hiện ra nguồn nước ngọt ở Hồ Mạch, đã góp phần quan trọng cho các Tiên Công quyết định việc định canh, định cư, quai đê lấn biển xây dựng làng xã phát triển kinh tế - xã hội.

Hồ Mạch còn giúp cho nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, thủy lợi, thủy văn, địa chất, khảo cổ học,… hiểu biết thêm về các kỹ năng, kỹ thuật và kinh nghiệm truyền thống của các Tiên Công trong hoạt động trên sông, trên biển, kinh nghiệm trong dự báo tác động của thiên nhiên, môi trường, thủy văn, thủy triều và kỹ thuật đắp đê ngăn mặn, làm thủy lợi, phát triển kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở các vùng kinh tế mới.

Di tích Hồ Mạch nằm ở vị trí trung tâm giữa cánh đồng lúa bát ngát, đắc địa tả thanh long, hữu bạch hổ. Toàn bộ hồ nước như một cái “Giếng Ngọc” chứa nước ngọt nằm ở giữa cánh đồng trũng phục vụ nhu cầu sinh hoạt và phát triển nông nghiệp của nhân dân trong vùng. Với tổng diện tích gần 2.000m2, nước hồ trong xanh, mát lạnh, nhìn thấy tận đáy, lòng hồ rộng, có mạch ngầm chứa hàng nghìn khối nước ngọt và không bao giờ cạn. Hồ Mạch vừa là hồ chứa nước ngọt, vừa là hồ điều hòa khí hậu cho toàn phường Yên Hải, xung quanh có các tán cây cổ thụ, rủ bóng mát tạo thành một cảnh đẹp tự nhiên, hài hòa mang lại giá trị thẩm mỹ gần gũi với thiên nhiên và đảm bảo môi trường xanh cho di tích.

Với giá trị nêu trên, Hồ Mạch được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng bổ sung vào Miếu Tiên Công là di tích lịch sử quốc gia (theo Quyết định số 34-VH/QĐ ngày 09/01/1990 của Bộ Văn hóa) tại Quyết định số 2973/QĐ-BVHTTDL ngày 17/11/2021./.

Khánh Chi 

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website