Ngày 19 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Hội quán Quảng Đông, Thành phố Hà Nội

Nằm ở phía Đông kinh thành Thăng Long, Hội quán Quảng Đông có tên chữ là “Quảng Đông hội quán” (còn gọi là: Việt Đông hội quán, Dân quốc hội quán, Việt Thương hội quán), tọa lạc tại số nhà 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hội quán đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 01/2007/QĐ-BVHTTDL ngày 27/08/2007.

Theo nguồn tư liệu thành văn hiện còn được bảo quản tại hội quán như văn bia, hoành phi, câu đối, bài vị... cho biết di tích thờ Quan Công và Thiên Hậu, được xây dựng năm 1803.

Đặc biệt tại di tích còn lưu giữ một tấm biển đá trên tường khắc dòng chữ “Cụ Tôn Trung Sơn, người đi trước trong cuộc Cách mạng Dân chủ vĩ đại của Trung Quốc, năm 1904 đã từng ở đây”. Tôn Trung Sơn là người sáng lập nền Cộng Hòa - Dân chủ sau cuộc vận động cách mạng Tân Hợi (1911), lật đổ triều đại Mãn Thanh, có nhiều ảnh hưởng đến các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Là một nhà dân tộc chủ nghĩa và dân chủ hàng đầu với chính sách “Tam dân” và chủ trương đoàn kết mọi lực lượng dân tộc chống phong kiến và thực dân, đối với cách mạng Việt Nam, tư tưởng của Tôn Trung Sơn có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều lực lượng chính trị có tinh thần dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao Tôn Trung Sơn cũng như cương lĩnh chống Đế quốc của ông. Việc trân trọng, bảo tồn dấu ấn của Tôn Trung Sơn thể hiện thái độ trân trọng với những danh nhân thế giới và mối quan hệ hữu hảo Việt - Trung.

Di tích gồm 3 trục: Trục chính ở giữa và hai trục phụ 2 bên, tổng diện tích 1.670m² bao gồm: hai bên hành lang tả hữu, sân thiên tỉnh, nhà Tiền đường, Phương đình, Trung đường và Hậu cung.

Tiền đường 3 gian với bộ vì được kết cấu kiểu chồng rường giả thủ, bào trơn đóng bén, mái ngói âm dương tiểu đại hay kiểu ống ngõa. Cuối mái có đường diềm tráng men thanh lưu ly. Trên nóc mái được trang trí các hoạ tiết bằng gốm sứ bài trí theo quan niệm của người Hoa chia làm ba tầng: Tầng trên, tầng giữa và tầng đáy. Điều đó tạo ra sự tôn nghiêm, sự hài hoà giữa con người và cảnh vật thiên nhiên. Toàn bộ phần tường và nền nhà Tiền đường được ốp bằng đá phiến màu xám có kích thước: 30x80cm. Chính giữa mở một cửa lớn hình chữ nhật bằng gỗ lim, trên cánh cửa đề 4 chữ: "Dân Quốc hội quán", xung quanh đổ cửa cũng được ghép bằng chất liệu đá xám. Phần trên cửa là bức đại tự bằng đá đề dòng chữ: "Việt Đông hội quán".

Tiếp theo là nhà Phương đình có diện tích 333,9m², trước đây có chức năng là nơi tập trung sinh hoạt cộng đồng người Hoa bản phố. Phương đình có kết cấu kiểu nhà vuông bốn mái, mái nhà được làm cao. Bờ nóc, bờ dải làm nhô cao trang trí hoa chanh, chính giữa bờ nóc là một bình hồ lô (nậm rượu), diềm mái trang trí lá đề cách điệu. Phía dưới cổ trần hai bên bố trí mỗi bên 12 ô cửa trong kính ngoài chớp tạo ánh sáng cho bên trong. Phía dưới các ô cửa kính về hai bên tả, hữu được trang trí 14 ô chữ nhật, đắp nổi các bức phù điêu theo chủ đề "tứ linh", "tứ quý".

Trung đường có diện tích 100m² với hai hàng cột kim loại (gồm 6 cột). Qua bậc tam cấp dẫn vào hệ thống cửa vòm trang trí các hình linh vật như: phượng vũ, dơi. Hai bên tả, hữu nhà trung đường được mở cửa thông ra hành lang và phía sau Hậu cung.

Nối Trung đường và Hậu cung là hai dãy hành lang tả, hữu. Phần này toàn bộ diềm mái được chạm trổ kín bề mặt với các hình văn triện, chữ thọ, hoa cúc mãn khai...

Hậu cung (cung Quan Công) nằm phía sau Trung đường cách một khoảng sân. Phía trước cung hệ thống cửa bức bàn gồm 03 bộ cửa, 01 cửa chính (08 cánh) và 02 cửa phụ (mỗi cửa 04 cánh) được chạm lộng các đề tài "tứ quý" dày đặc trên bề mặt gỗ. Hàng hiên phía trước, có kết cấu kiểu vòm cuốn (vì vỏ cua) gồm 02 bộ vì trang trí chữ "thọ", đèn lồng, văn triện và hoa lá đan xen. Nhà xây gạch 01 gian, 02 dĩ kiểu đầu hồi bít đốc gồm 02 bộ vì kèo kết cấu kiểu "giá chiêng chồng rường con nhị". Kiểu kết cấu vì này gồm những con rường dài, ngắn khác nhau, kê lên nhau qua những đấu vuông thót đáy, dày, cao. Các rường ngắn dần về phía thượng lương, để con rường cuối cùng đội thượng lương qua một đấu nhỏ được trang trí hình chữ "triện". Để tránh sự nặng nề cho bộ vì nóc và cũng để thoả mãn nhu cầu mở rộng lòng công trình, các nghệ nhân đã thay con rường ở sát câu đầu bằng một đôi rường cụt. Kết cấu này vừa mang tính chất chồng rường, vừa mang tính chất giá chiêng. Song chiếc cột trốn của giá chiêng được thay thế bằng con rường cụt để đội đầu rường trên. Toàn bộ hệ thống trên được đỡ bởi một quá giang to, khoẻ chạm khắc dòng chữ: "Trung Hoa dân quốc cửu niên" được ăn mộng vào đầu hai cột cái. Kiểu liên kết vì này mang hình thức cốn chồng rường, chúng gắn với nhau bởi các đấu kê và càng lên cao, càng thu ngắn theo chiều dốc của mái, tạo thành những đường gờ để gác các đường hoành của nhà. Trọng lượng của bộ mái dồn lên 4 cây cột lớn, chu vi mỗi cột tới: 120cm, chiều cao: 7,416m. Đây là lối kết cấu vẫn thường gặp trong các kiến trúc tôn giáo truyền thống Việt Nam. Cái khác ở đây là lối rải hoành theo kiểu "thượng tứ hạ tứ" và sự nâng chiều cao của kiến trúc một cách rõ rệt thể hiện ở 4 bộ vì nách, có kết cấu kiểu "chồng rường giả thủ".

Các ban thờ được bố trí chạy ngang theo lòng nhà. Chính giữa là khám thờ Quan Công với khuôn mặt đỏ, có râu, ngồi trong ngai, áo thụng, mang giá trị vừa phải về tạo hình. Phía trước là 2 pho tượng Thị giả đứng hầu (một văn, một võ theo truyền thuyết thì đây là Châu Xương và Quan Bình). Tượng võ có mặt khá gồ ghề như nhấn mạnh sự cương quyết bảo vệ chân lý... cả hai pho tượng tập trung vào ý niệm nhiều hơn nét chân dung và yếu tố nghệ thuật. Ngoài ra, trong cung còn phối thờ 4 bài vị và 6 long ngai - bài vị, được bài trí trong 2 khám gỗ chạm trổ cầu kỳ các đề tài "tứ linh", "tứ quý".

Cũng giống như ở cung Quan Công, cung Thiên Hậu có hệ thống cửa bức bàn ở phía trước gồm 03 bộ cửa, (01 cửa chính và 02 cửa phụ) được chạm lộng các đề tài "tứ quý" dày đặc trên bề mặt gỗ. Phía trên cửa bức bàn là một hệ thống trấn song gỗ, hai bên cửa gió trang trí đề tài "lão trúc". Mặt bằng kiến trúc 01 gian, có diện tích: 408 m2, kết cấu kiến trúc theo kiểu trốn cột (không vì kèo), mỗi mặt mái có 09 khoảng hoành được gác trực tiếp lên tường hồi. Phần mái được lợp bằng ngói ống.

Nội thất trang nghiêm với một khám thờ lớn trang trí đề tài "tứ linh", "tứ quý", bên trong bài trí tượng Mẫu Thiên Hậu ngồi trên ngai, theo hầu Bà có hai vị Thiên lý nhãn và Thuận phong nhĩ.

* Về nghệ thuật trang trí:

- Điêu khắc gốm: Là điểm nổi bật của công trình này, với quần thể tiếu tượng gốm trang trí trên đỉnh mái hội quán được chia làm ba nhóm: nhóm hình thú, nhóm hình nhân và nhóm vật dụng. Các khối hoạ tiết gốm được bài trí theo quan niệm của người Hoa, chia làm ba tầng: Tầng trên, tầng giữa và tầng đáy. Điều đó tạo ra sự hài hoà giữa con người và cảnh vật thiên nhiên.

+ Nhóm biểu tượng hình thú: gồm có long - lân - quy - phượng (tứ linh) được trang trí ở tầng trên và tầng đáy của nóc mái. Trong nhóm tứ linh thì "long" được thể hiện ở những mái chính của hội quán. Tầng đáy là hình ảnh "lân, phượng" và cảnh muôn thú như: chim, gà, thỏ, cây cối hoa cỏ, na, đào, lựu...

+ Nhóm biểu tượng hình nhân: miêu tả cuộc sống con người, thần tiên các nhân vật trong các điển tích cổ, truyền thuyết của Trung Quốc. Đây là nhóm tiểu tượng được trang trí chủ yếu, dày đặc cùng với sự kết hợp nhiều gam màu, màu sắc. Hình ảnh "Đường Tăng sư đồ" (bốn thầy trò Đường Tăng), "Ba tiêu động", "Thiết phiến cung" (quạt sắt) các tích này nằm trong cốt truyện "Tây du ký", thể hiện sự đối nghịch giữa chính - tà, thiện - ác. Điều này chịu sự chi phối, ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo. Cảnh tám ông tiên du ngoạn trong điển tích "Bát tiên quá hải", hình ảnh "Nam sơn tiến sĩ", "Phúc Lộc Thọ" thể hiện sự hướng thiện, sự đỗ đạt của các danh sĩ. Tất cả được miêu tả một cách sinh động và chân thực, đồng thời cũng tạo nên nét nghệ thuật trang trí độc đáo, đặc sắc làm tổ đẹp thêm cho cả khối kiến trúc của hội quán.  + Nhóm vật dụng: là các loại vật dụng như bình hoa, binh khí (đao, kiếm, gậy), sáo, quạt... đây là những đồ vật đi kèm với các nhân vật trong truyền thuyết, điển tích cổ, cảnh vật và cuộc sống con người Trung Hoa cổ đại.

- Điêu khắc gỗ: Được thể hiện trên hệ thống vì "Vỏ cua" hai dãy hành lang tả, hữu và toàn bộ diềm mái được chạm trổ kín bề mặt với các hình văn triện, chữ thọ, hoa cúc mãn khai..., trên đầu bẩy, xà nách, khám thờ, long ngai - bài vị. Đặc biệt là hai bộ cửa bức bàn trước cung Quan Công và cung Thiên Hậu được chạm nổi, chạm thủng rất kỹ theo lối bổ ô với các đề tài cầu phúc mang nét phối hợp Hoa - Việt.

- Điêu khắc đá: Thể hiện ở phần bó vỉa mặt tiền, chân cột vuông xung quanh trang trí hoa văn chữ S, ở vị trí trung tâm chạm nổi hình hoa cúc đại đoá.

Sự tồn tại của Hội quán Quảng Đông có nét độc đáo riêng, thể hiện thái độ trân trọng của người Việt Nam đối với các danh nhân trên thế giới, vừa là nơi thu hút bạn bè quốc tế, làm phong phú hơn bức tranh văn hóa nhiều màu trong lòng “Khu phố cổ Hà Nội”./.

Tuyết Chinh

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website