Ngày 26 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng (đền – chùa Bà Tấm)

Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng hiện lưu giữ tại đền - chùa Bà Tấm, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Gỗ sơn son thếp vàng

- Niên đại: Thế kỷ XVI

Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng có kích thước: cao 170cm, rộng thân 63cm, rộng chân 67cm, rộng bờ nóc 32cm, rộng mái trên 52cm, rộng mái dưới 76cm. Khám thờ mang dáng dấp của một tòa kiến trúc, cấu tạo gồm 3 phần: bộ mái, thân và chân đế, liên kết với nhau bằng hệ thống mộng và chồng đấu. Bộ mái được tạo tác theo kiểu thức chồng diêm, hai tầng tám mái, lợp ngói âm dương. Tầng mái trên thu nhỏ, gồm 2 mái chính và hai mái phụ (chái), nối với nhau bởi các bờ nóc, bờ giải có trang trí hoa chanh, hoa thị. Hai đầu bờ nóc có hai con kìm chạm hình rồng nhô cao. Tầng mái dưới xòe rộng, bốn mặt mái hình thang cân. Dưới mỗi tầng mái là bộ con sơn chạc ba. Thân khám gồm 2 lớp: Lớp trong hình khối hộp chữ nhật, mặt trước trổ cửa bức bàn, có lan can vây quanh và ngưỡng cửa, với y môn (áo cửa) chạm rồng chầu hoa cúc. Ba mặt bên là ván bưng, chạm lộng hình rồng trong ô tròn và ô-van, hoa cúc, dây xoắn trong ô chữ nhật đứng và nằm ngang. Bốn góc là 4 cột trụ, có mộng liên kết và đỡ 2 tầng mái. Lớp ngoài là 4 trụ ở 4 góc, liên kết với nhau bằng đố ngang và lan can, chạm nổi hình rồng trên thân trụ, chạm lộng lưỡng long chầu nguyệt ở 4 mặt diềm cửa võng. Chân đế khám được tạo theo kiểu bốn chân quỳ dạ cá, chạm nổi đao mác và văn xoắn.

Khám thờ ở đền - chùa Bà Tấm là hiện vật gốc độc bản, tiêu biểu cho loại hình đồ thờ trong đền chùa, đại diện cho kỹ nghệ chạm gỗ, sơn son thếp vàng của nước ta nói chung và thời Mạc nói riêng. Đây là một trong ba khám thờ có niên đại sớm nhất được biết đến hiện nay mang phong cách trang trí nghệ thuật, sản phẩm tiêu biểu của nghệ thuật sơn thếp truyền thống thế kỷ XVI, trải qua hơn 400 năm vẫn gần như còn nguyên vẹn. Khám thờ ở đền - chùa Bà Tấm là hiện vật có hình thức độc đáo, được làm theo kiểu long đình, như là hình thức của một công trình kiến trúc thu nhỏ, nhưng lại khá chi tiết. Khám thờ này, ngoài giá trị nghệ thuật, còn cho chúng ta biết một hình mẫu kiến trúc thời Mạc, đưa nghệ thuật dân tộc trở về với bản thể truyền thống./.

 

Thúy Hà

 Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa

Liên kết website