Ngày 6 tháng 7 năm 2025
Liên kết website

Khuôn in tín phiếu mệnh giá một đồng và khuôn in tín phiếu mệnh giá năm mươi đồng

Khuôn in tín phiếu mệnh giá một đồng và khuôn in tín phiếu mệnh giá năm mươi đồng, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu:  Hợp kim đồng

- Niên đại:     Từ năm 1947

- Giá trị:

Khuôn in tín phiếu là hiện vật gốc, độc bản được phát hiện tại nền nhà xưởng in, là hiện vật duy nhất liên quan đến Xưởng in tín phiếu của Liên khu V tại Xà Nay (1947-1950) xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Đến nay chưa phát hiện Khuôn in tín phiếu có cùng kiểu dáng, kích thước, trọng lượng giống với Khuôn in tín phiếu mệnh giá 1 đồng, 50 đồng.

Khuôn in Tín phiếu thể hiện sự sáng tạo của người thiết kế, với những đường nét hoa văn sắc nét, cân đối về tỉ lệ kích thước. Thiết kế thể hiện được tính dân tộc, khẳng định sự độc lập của một dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược. Trên khuôn in tín phiếu có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hiệu VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA và chữ ký của đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh.

Sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập nhưng Thực dân Pháp vẫn quyết tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Chúng liên tiếp gây ra những vụ xung đột, tạo cớ để xâm lược từng vùng, tiến tới thôn tính toàn bộ nước ta. Nhận định chiến tranh sẽ lan rộng ra cả nước, chiến trường sẽ bị chia cắt, việc chỉ đạo và sự liên lạc giữa Trung ương với các địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn, để lãnh đạo cuộc kháng chiến trên một hướng chiến lược quan trọng, tháng 11/1946, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Phạm Văn Đồng làm đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp tại miền Nam Trung bộ.

Trong bối cảnh bị kẻ thù bao vây bốn bề, không thể vận chuyển tiền tài chính từ Trung ương vào vùng tự do Liên khu V thì việc cho in Tín phiếu và phát hành ở bốn tỉnh vùng tự do nhằm kịp thời ổn định giá cả, lưu thông hàng hóa tạo nền tảng tài chính để xây dựng nền kinh tế tự cung, tự cấp ở Liên khu V là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với quy luật tiền tệ. Việc thành lập Xưởng in Tín phiếu và phát hành vào lưu thông ở vùng tự do Liên khu V góp phần rất quan trọng để chính quyền miền Nam Trung Bộ tự chủ được tài chính, đảm bảo các nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng của cuộc kháng chiến kiến quốc của quân dân Nam Trung Bộ và chi viện cho các chiến trường Lào, Campuchia. Tờ Tín phiếu kháng chiến ra đời và phát hành rộng rãi ở vùng tự do Liên khu V, trở thành một công cụ đấu tranh có hiệu lực trên mặt trận tiền tệ với địch. Các tờ bạc Đông Dương Ngân hàng đã bị thu đổi nộp bổ sung vào ngân quỹ Nhà nước hoặc bị “tống” ra khỏi vùng tự do, nhường chỗ cho tờ Tín phiếu kháng chiến độc chiếm thị trường. Đây là một lợi khí cách mạng có tác dụng to lớn cho việc xây dựng một nền kinh tế tự cung, tự cấp đảm bảo nhu cầu tự lực về mọi mặt để kháng chiến lâu dài trong bối cảnh bị bao địch vây bốn bề.

Chủ trương xây dựng nền kinh tế tự cung tự cấp ở Liên khu V với sự chủ động in Tín phiếu và phát hành vào lưu thông để thay thế tiền tài chính do bị địch bao vây cấm vận là một trong những sáng kiến mang tầm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Trung ương Đảng và Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa mà đại diện là đồng chí Phạm Văn Đồng nhằm thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân toàn diện, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Bằng tài năng và sự nhạy bén của mình, đồng chí Phạm Văn Đồng đã vận dụng sáng tạo đường lối đó vào điều kiện cụ thể của chiến trường miền Nam Trung bộ để đánh thắng giặc Pháp xâm lược. Khuôn in tín phiếu là hiện vật liên quan đến hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Phạm Văn Đồng trong việc tổ chức in và phát hành Tín phiếu nhằm đảm bảo việc lưu thông tiền tệ phục vụ công cuộc xây dựng nền kinh tế tự cấp, tự túc ở vùng tự do Liên khu V, biến nơi đây thành hậu phương vững mạnh, không chỉ đảm bảo mọi nhu cầu về nhân tài, vật lực cho chiến trường Nam Trung bộ và Tây Nguyên mà còn làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân hai nước bạn Lào và Campuchia./.

                                                                    Thúy Hà

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website