Ngày 29 tháng 3 năm 2024
Liên kết website

Kiếm ngắn núi Nưa

* Tên khác: Kiếm ngắn cán hình người

* Tên đơn vị và cá nhân lưu giữ hiện vật: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa

* Số đăng ký: BTTH 6723/KL: 261

* Chất liệu: Đồng

* Kích thước: Dài: 46,5 cm; rộng: 5 cm; cán dài: 18 cm

* Trọng lượng: 620 gr

* Số lượng: 01

* Miêu tả: Kiếm có kiểu chuôi và lưỡi hình lá tre mang đặc trưng phong cách sông Mã. Kiếm gồm 2 phần: phần lưỡi và phần cán. Lưỡi hình lá tre, mỏng, có hai rìa sắc, nhọn, chắn tay hình sừng trâu. Cán Kiếm ngắn Núi Nưa là khối tượng tròn thể hiện người phụ nữ được đúc liền với lưỡi kiếm, người phụ nữ đứng nhìn thẳng, hai tay khuỳnh chống nạnh đầy uy quyền, đầu vấn khăn hình chóp giống hình búp hoa sen. Mặt trái xoan, cằm hơi nhô ra, cặp mắt được thể hiện bằng hai vòng tròn đồng tâm, xung quanh có những chấm nhỏ, thể hiện cặp lông mày dài, cong, sống mũi thẳng, miệng thon nhỏ, tai dài đeo đôi vòng to chấm vai, ngực và tay đeo vòng trang sức. Bụng eo được thắt một dải rộng như cạp váy, lưng thắt dải bao dài phủ cả đằng trước và sau trên chiếc váy dài trùm hết chân. Thân mặc áo chẽn dài tay, tay áo và thân bó lấy thân làm nổi rõ những đường cong cơ thể. Áo cánh xẻ ngực không cài khuy để lộ vạt yếm kín cổ bên trong.

Kiếm Núi Nưa thể hiện lối trang phục kín khắp người (áo, váy), trang phục khá lộng lẫy được dệt may công phu, đẹp mắt, hoa văn trang trí trên váy và áo là dạng hình học, với những đường vạch ngắn song song, đường tròn đồng tâm đặc trưng của Văn hoá Đông Sơn. Lối mặc áo yếm này ngày nay vẫn phổ biến trong trang phục của phụ nữ Mường. Nhìn tổng thể hình dáng, trang phục và cách trang sức tượng người phụ nữ trên cán kiếm ngắn Núi Nưa, đối chiếu với một số tượng chuôi kiếm, dao găm khác, có thể khẳng định đây là tượng người phụ nữ có hình thể đẹp, vẻ đẹp quyền quý, thuộc tầng lớp quý tộc hoặc tầng lớp trên giàu có. Việc phổ biến cán dao găm có hình tượng người phụ nữ ở Thanh Hoá chứng tỏ chế độ mẫu hệ trong khoảng trước và những năm đầu thế kỷ III SCN còn rất phổ biến tại đây, phản ánh vai trò và vị trí người phụ nữ vẫn được đề cao, phụ nữ vẫn đảm trách những địa vị và có vị trí cao trong xã hội.

Đây là cây kiếm ngắn có cán được trang trí tượng người phụ nữ đẹp nhất thời đại Văn hoá Đông Sơn, vẻ đẹp quyền quý đó được toát lên ở hình thể, trang phục và trang sức cầu kỳ mà còn ở phong thái đầy quyền uy và bản lĩnh.

* Hiện trạng: Tương đối nguyên (sứt nhỏ ở mũi), kiếm được phủ lớp patin màu xanh xám

* Niên đại: Văn hoá Đông Sơn muộn. Cách ngày nay khoảng 2000 năm

* Nguồn gốc, xuất xứ: Sưu tầm được dưới chân Núi Nưa, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá năm 1961.

* Lý do lựa chọn:

- Đây là hiện vật gốc độc bản, thuộc thời kỳ Văn hoá Đông Sơn bởi cho đến thời điểm hiện tại, ở nước ta chưa phát hiện được ở nơi nào có chiếc kiếm ngắn, cán thể hiện hình tượng người phụ nữ uy quyền với dáng và trang phục đẹp như chiếc kiếm ngắn Núi Nưa.

- Hiện vật có hình thức độc đáo:

Bộ sưu tập vũ khí thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn ở nước ta hết sức phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, nhưng độc đáo và nổi bật nhất vẫn là thanh kiếm ngắn Núi Nưa có cán là khối tượng hình người phụ nữ. Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu thì kiếm ngắn Núi Nưa có cấu trúc, kiểu dáng, tiêu chí thẩm mỹ nghệ thuật rất đẹp, là kiếm ngắn đẹp nhất trong các kiếm ngắn có khối tượng người ở Việt Nam, một trong năm chiếc tiêu biểu nhất (phát hiện ở làng Vạc, Nghệ An và Núi Nưa, Thanh Hoá).

- Hiện vật có giá trị đặc biệt gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc nói chung và Thanh Hoá nói riêng những năm đầu thế kỷ III SCN, liên quan đến sự nghiệp của anh hùng giải phóng dân tộc, bởi hiện vật được phát hiện dưới chân Núi Nưa, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá – căn cứ khởi nghĩa chống quân Ngô của Bà Triệu. Nơi đây năm 248, Bà Triệu (tên thật là Triệu Thị Trinh) là người có sức khoẻ, chí lớn lại thêm mưu trí, mới 20 tuổi đã cùng với anh trai là Triệu Quốc Đạt, một huyện lệnh có thế lực ở miền núi Quan Yên, thuộc quận Cửu Chân đứng lên tập hợp nghĩa sỹ, luyện tập võ nghệ để chuẩn bị khởi nghĩa, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn đất nước. Không khí đầu quân sôi nổi của nhân dân ta ngày ấy như còn vang vọng trong câu hát ru con và đã đánh thức nhiệt huyết cho bao thế hệ trẻ:

“Cái ngủ mày ngủ cho lành

Để mẹ gánh nước rửa bành con voi

Muốn coi lên núi mà coi

Có Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng

Túi gấm cho lẫn túi hồng

Têm trầu cánh kiếm cho chồng ra quân”

Hay câu đáp đanh thép của Bà khi có kẻ khuyên Bà lấy chồng quan chứ đừng làm loạn “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng giữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta” còn văng vẳng đâu đây để truyền sức mạnh cho lớp lớp con cháu noi theo.

Hình tượng Bà phải chăng đã được tạc vào hình tượng người phụ nữ trên thanh kiếm ngắn Núi Nưa? Và thanh kiếm ngắn Núi Nưa phải chăng là chiếc kiếm lệnh mỗi khi Bà ra trận? Hình tượng người phụ nữ với mái tóc búi cao, tai to, mắt hai vòng coi rất uy nghi lanh lợi. Dáng điệu cương quyết, uy quyền biểu lộ rõ ở tư thế đứng với hai tay chống vào hông. Các nhà nghiên cứu cho đó là hình tượng người phụ nữ đẹp nhất trong các tượng của Việt Nam. Kiếm ngắn Núi Nưa được phát hiện trong một khung cảnh rất xứng hợp với ý nghĩa lịch sử, đó là Núi Nưa - căn cứ ban đầu của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm 248 SCN.

Căn cứ vào hình dáng và niên đại hiện vật, nhà điêu khắc - hoạ sĩ Lê Quỳ đã tạc tượng Bà Triệu đứng trên đầu voi. Đây là một tác phẩm nghệ thuật đẹp được trưng bày ở phòng trưng bày Văn hoá Đông Sơn tại Bảo tàng Thanh Hoá, được đông đảo khách trong nước và Quốc tế khen ngợi.

Công tác phát huy giá trị Kiếm ngắn Núi Nưa: Kiếm được trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hoá và các cuộc trưng bày lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam năm 1997, chào mừng Hội nghị thượng đỉnh nguyên thủ các Quốc gia nói tiếng Pháp tại Hà Nội; trưng bày Kỷ niệm 80 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hoá Đông Sơn năm 2004 tại Hà Nội; trưng bày kỷ niệm 50 năm kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam năm 2010 tại Quảng Nam; được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam lựa chọn làm phiên bản để trưng bày tại hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng, được du khách trong nước và Quốc tế quan tâm nghiên cứu và đánh giá cao.

Như vậy là Kiếm ngắn núi Nưa đã hội tụ đầy đủ 3 yếu tố của một bảo vật quốc gia:

+ Hiện vật gốc độc bản

+ Hiện vật có hình thức độc đáo, một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một phong cách, một thời đại - thời đại Văn hoá Đông Sơn được thể hiện trên trang phục, trang sức người phụ nữ, khi nhìn vào ta nhận thấy được tiêu chí để nhận biết cái riêng của nền văn hoá này - Văn hoá Đông Sơn.

+ Hiện vật có giá trị đặc biệt gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc những năm đầu thế kỷ thứ III SCN trên đất Thanh Hóa.

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website