Ngày 26 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Kim sách “Đế hệ thi”

Chất liệu: Vàng. Kích thước: Dài 23,2cm; rộng 13,7cm; dày 1,6cm. Trọng lượng:4.232 (Cân Electronic Balance WT30000XE, dung sai 01gr). Niên đại: Năm 1823, niên hiệu Minh Mạng năm thứ 4. Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Kim sách “Đế hệ thi” -

Ảnh: Hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia - Tư liệu Cục Di sản văn hóa

Kim sách được làm theo khổ chữ nhật đứng, gồm 13 tờ vàng, bìa trước và sau dập nổi hình rồng bay trong mây và 11 tờ ruột khắc sách văn, gáy đóng bằng 4 khuyên trònBài sách văn bằng chữ Hán được khắc trên 11 tờ bằng vàng gập đôi, khắc từ trái qua phải theo cột dọc, mỗi trang gồm 5 cột trong ô viền hình chữ nhật kép. Hai tờ bìa dập nổi hình rồng bay trong mây, viền ngoài dập nổi hình hoa chanh 4 cánh, 4 góc trang trí dây lá cách điệu rất chi tiết, tỷ mỷ. Đặc biệt, tại tờ thứ 7 còn khắc mặt ấn “Minh Mạng thần hàn” (明命宸翰) trong khung chữ nhật kép (kích thước 3,9cm x4cm). Dòng chữ Hán gồm 8 chữ khắc bên cạnh mặt ấn cũng cho biết niên đại của cuốn kim sách: 明命肆年正月 .

Phiên âm: Minh Mạng tứ niên chính Nguyệt Nguyên đán.

Dịch nghĩa: Ngày mồng 1 tháng Giêng, năm Minh Mạng thứ 4 (1823).

Đế hệ thi (帝係詩) là một bài thơ do vua Minh Mạng (1820-1841) sáng tác, dựa vào thuyết chính danh của Nho học, định ra cách đặt tên cho con cháu của mình.

Giá trị tiêu biểu: Kim sách "Đế hệ thi" có giá trị đặc biệt trong tổng số 94 kim sách triều Nguyễn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, là loại kim sách có vị trí đặc biệt quan trọng trong thể chế quân chủ phong kiến Việt Nam, biểu trưng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, là bảo vật truyền quốc nên được các vua triều Nguyễn giữ gìn rất cẩn trọng. Đâylà nguồn sử liệu vô cùng quan trọng về lịch sử và văn hóa, gắn liền với vương triều Nguyễn và lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam ở cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Đi kèm với đề cao đạo Hiếu, triều Nguyễn đã giáo dục sâu sắc ý thức tông tộc, ý thức duy trì, củng cố dòng họ của mình. Nội dung kim sách không chỉ phản ánh về nội bộ hoàng tộc nhà Nguyễn, mà còn thể hiện rõ ý thức hệ tư tưởng trong đường lối trị nước của triều Nguyễn. Kim sách"Đế hệ thi" là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Kim sách "Đế hệ thi", niên hiệu Minh Mạng năm thứ 4 (1823) và sưu tập bảo vật hoàng cung triều Nguyễn còn lại đến ngày nay đã phản ánh chính sách đúng đắn đối với các di sản văn hoá của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.

Thúy Hà (Theo Hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia - Tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website