Lá đề trang trí chim Phượng đất nung thời Lý, Hoàng thành Thăng Long
Lá đề trang trí chim Phượng đất nung thời Lý, Hoàng thành Thăng Long, hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chất liệu: Đất nung
- Niên đại: Thế kỷ XI
- Giá trị:
Lá đề trang trí chim Phượng đất nung thời Lý, Hoàng thành Thăng Long là một trong những hiện vật tiêu biểu đặc sắc phát hiện trong lòng đất Khu di tích khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu thuộc khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần. Hiện vật được phát hiện trong tầng đất tôn lấp, phủ đè lên các kiến trúc thời Lý. Các lớp địa tầng phía trên tương đối ổn định là minh chứng cho tính xác thực của hiện vật. Lá đề trang trí chim Phượng đất nung thời Lý, Hoàng thành Thăng Long được tìm thấy cùng các di vật khác là một trong những minh chứng quan trọng giúp các nhà nghiên cứu nhận diện bộ mái kiến trúc thời Lý. Do vậy, Lá đề trang trí chim Phượng đất nung thời Lý, Hoàng thành Thăng Long không chỉ là hiện vật gốc, một tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao của nghệ thuật điêu khắc thời Lý, mà còn là tư liệu quan trọng có giá trị cho việc nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Lý thế kỷ XI - XII.
Lá đề trang trí chim Phượng đất nung thời Lý, Hoàng thành Thăng Long là hiện vật được tạo tác hoàn toàn thủ công do vậy, đó là sản phẩm đơn chiếc và độc bản. Với nguồn tư liệu hiện biết về lá đề lệch trang trí chim phượng, dựa vào đồ án trang trí, đặc trưng kỹ thuật chế tác lá đề lệch trang trí chim phượng đã phát hiện đến nay có thể chia làm 3 loại: Loại thứ nhất, đồ án trang trí trên thân lá đề diễn tả chim phượng ở tư thế nhảy múa trên nền sen dây. Sen dây với một bông sen ở trung tâm, dây lá và hoa phát triển về hai bên, tạo cảm giác như đang nâng đỡ và ôm lấy hình chim phượng; Loại thứ hai: đồ án diễn tả hình ảnh chim phượng đang nhún nhảy trên một bông sen nở khai mãn, chân trụ của chim phượng đứng lên gương sen. Hình ảnh và cấu trúc của chim phượng không khác nhiều so với loại thứ nhất nhưng ít tinh xảo hơn so với loại thứ nhất; Loại thứ ba: đồ án diễn tả chim phượng đang múa, dưới chân không có hoa lá, chân trụ của chim phượng đứng lên đỉnh cuống lá, cuống lá nâng đỡ trực tiếp chân phượng. Điểm qua tình hình phát hiện và loại hình lá đề trang trí kiến trúc thời Lý, thời Trần như vậy để thấy, Lá đề trang trí chim Phượng đất nung thời Lý, Hoàng thành Thăng Long không chỉ là hiện vật độc bản mà đây còn là lá đề nằm trong số ít những lá đề có niên đại sớm nhất của thời Lý phát hiện tại Thăng Long.
Giá trị nghệ thuật thể hiện rõ ở hình khối và đặc biệt là đường nét hoạ tiết trang trí của lá đề. Đề tài trang trí quan trọng nhất của lá đề là hình tượng chim phượng được thể hiện bằng các đường khắc chìm hết sức chi tiết, tinh tế thể hiện thẩm mỹ và trình độ của người thợ. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, hình dáng và đồ án trang trí trên lá đề còn hàm chứa những giá trị tư tưởng sâu sắc. Bản thân hình dáng của lá đề đã hàm chứa giá trị biểu tượng. Lá đề là lá của cây Bồ đề. Cây Bồ đề được các tôn giáo như Bà La Môn, Kì Na giáo và Phật giáo coi là cây Thiêng. Tương truyền thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm ngồi thiền định và đạt giác ngộ dưới một gốc Bồ đề, trở thành Đức Phật Thích Ca. Do vậy, cây và lá của cây Bồ đề được sử dụng như một biểu tượng của Phật giáo. Hình dáng của hiện vật có hình dáng lá đề cũng hàm chứa ý nghĩa biểu trưng cho Phật giáo, đó cũng là lý do tại sao hiện vật được gọi là Lá Đề.
Không chỉ hình khối, đồ án trang trí chim phượng trong lòng lá đề là trung tâm và thể hiện tính biểu tượng cao nhất, vừa phản ánh giá trị biểu trưng của hoàng gia, vừa phản ánh giá trị biểu trưng của Phật giáo, tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa biểu tượng và triết lý của Phật giáo với biểu trưng uy quyền của hoàng gia. Mặc dù tiếp thu các ý nghĩa biểu trưng quan trọng của hình tượng chim phượng từ Trung Hoa nhưng hình dáng và cấu trúc của chim phượng thời Lý nói chung và chim phượng trang trí trên Lá đề trang trí chim Phượng đất nung thời Lý, Hoàng thành Thăng Long nói riêng lại có những nét khác biệt so với hình tượng chim phượng của các nước khác, điều đó tạo nên nét riêng biệt của nghệ thuật thời Lý.
Với những đặc điểm nổi bật về mỹ thuật, kỹ thuật và đồ án trang trí, Lá đề trang trí chim Phượng đất nung thời Lý, Hoàng thành Thăng Long có thể được coi như mẫu vật tiêu biểu của lá đề lệch niên đại nửa đầu thế kỷ XI, đồng thời là hình mẫu về nghệ thuật điêu khắc, mỹ thuật thời Lý nửa đầu thế kỷ XI. Do đó Lá đề trang trí chim Phượng đất nung thời Lý, Hoàng thành Thăng Long còn là một tư liệu đặc biệt quan trọng cho việc nghiên cứu nghệ thuật, kiến trúc và tư tưởng thời Lý nói riêng và Đại Việt thời Lý - Trần nói chung./.
Thúy Hà
(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)