Ngày 20 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Lễ Cấp sắc của người Sán Dìu

Người Sán Dìu nói chung và người Sán Dìu ở xã Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ), xã Bàn Đạt (huyện Phú Bình), tỉnh Thái Nguyên, muốn trở thành thầy cúng phải trải qua thủ tục bắt buộc là nghi lễ Cấp sắc để được thế giới thần linh chấp thuận, đồng thời, đánh dấu bước trưởng thành của họ trong cộng đồng người Sán Dìu.

Để được Cấp sắc, người thụ lễ, thường là nam giới, phải có quá trình học chữ Hán nôm, biết đọc, viết thành thạo, có thời gian phụ giúp thầy, hiểu và thực hành được một số nghi lễ truyền thống của dân tộc mình. Người được cấp sắc có thể là người nối nghiệp gia đình, dòng họ; người có “căn”; những người do mong muốn được hành nghề và tham gia vào công việc của cộng đồng. Khi đạt đến một trình độ nhất định, được cộng đồng tín nhiệm thì xin thầy, xin thần linh tổ chức nghi lễ “Cấp sắc” để chính thức hành nghề.

Cấp sắc thường trải qua 3 cấp, từ thấp đến cao, mỗi lần thăng cấp lại đổi pháp danh, được cấp thêm âm binh, tăng thêm uy lực, quyền phép. Cấp sắc lần đầu gọi là Vào sớ (lọc sộ) - trình với thần thánh việc chính thức theo học nghề thầy cúng, người thụ lễ đạt cấp Pháp sư; lần thứ hai là Cấp sắc (Hoi séo), người thụ lễ đạt cấp Chức sư (Chếch ca); lần thứ ba là Hoi chống sọn, người thụ lễ đạt cấp Thứ gia Tổng xuyến (Xị ca chống sọn) - bậc cao nhất trong nghề thầy cúng. Cả 3 chức vị này có quyền hành pháp và truyền pháp cho đệ tử cấp dưới hay người mới học. Trước đây còn có trường hợp cấp sắc cho phụ nữ, đối tượng chủ yếu là vợ của các ông thầy. Các nghi lễ được thực hiện vào ngày tốt, hầu hết diễn ra tại nhà người thụ lễ, rất ít trường hợp tổ chức tại nhà thầy.

Nghi lễ Cấp sắc (Hoi séo) là thủ tục bắt buộc, đánh dấu bước trưởng thành của thầy cúng và chính thức công nhận là thầy cúng trong cộng đồng người Sán Dìu. Người thụ lễ được cấp ấn Chức sư, được khắc pháp danh lên ấn, cấp lệnh bài. Ngoài việc cầu khấn, trả lễ còn có thêm quyền cưỡng chế, bắt tà, trừ ma, được cộng đồng tôn kính. Lễ cấp sắc phải có 9 ông thày bảo hộ và giúp đỡ, thực hiện nghi lễ, gồm: Bón say (Bản sư): Thầy chính cấp pháp cho đệ tử, có nhiệm vụ dạy dỗ trò suốt đời, và trò phải có nghĩa vụ hiếu kính thày suốt đời; Báo quý (Bảo quý): Thầy trông nom, bao quát toàn bộ quá trình cấp sắc, kịp thời nhắc nhở gia đình bổ sung những thứ còn thiếu, đảm bảo nghi lễ cấp sắc làm theo đầy đủ các bước mà người xưa truyền lại; Chệnh mếnh (Chứng minh): Thầy xem xét các văn bản, sớ điệp đảm bảo đầy đủ và đúng đắn, làm chứng cho lễ cấp sắc theo đúng nghi thức; Ca bố chếch say (Gia bổ chức sư): Thầy đứng ra cấp chứng chỉ văn bằng cho đệ tử; Din thán say (Diễn đàn): Thầy dẫn dắt và đảm bảo đầy đủ các bước của quy trình nghi lễ; Dón pháp say (Thầy truyền phép): Chịu trách nhiệm truyền phép, hướng dẫn đệ tử bắt quyết, yểm bùa…; Két cui tênh tói (Kết quy tinh đẩu): 2 thầy hướng dẫn đệ tử sử dụng tù và đúng lúc, thực hiện các động tác nhảy múa đồng thời chọn chỗ để xếp đặt cung án (ban thờ) tượng trưng cho con rùa và các án hương (đinh đẩu)… có trách nhiệm dẫn đệ tử hành hương ra khỏi phạm vi đàn lễ để thể hiện hiệu lực của phép thuật; Hoa công: Duy trì việc đèn hương trong suốt quá trình thực hiện nghi lễ cấp sắc.

Đàn lễ được dựng tại khoảng sân ngay trước cửa nhà, khung tre hoặc sắt phủ bạt. Cổng đàn lễ dựng trước cửa nhà, khung bằng tre, nứa bao bằng giấy đỏ, trên cổng đề dòng chữ Hán “Tống chân nha môn”, hai bên viết cặp câu đối bằng chữ Hán mừng đón thần thánh giáng đàn. Bàn đặt sớ điệp, 3 bát hương, 5 chén rượu, 2 chén nước, 2 đĩa oản, 2 bát thịt.

Ban thờ Tam Thanh (Sam sênh) trên có đại tự, hai bên có câu đối, ở giữa treo 5 bức tranh: hai bên là Lý Tiên Nương (Lý sen nhóng), giữa và bên phải là Ngọc thanh cung, bên trái là Thượng thanh cung). Trên mặt bàn phía sát vách là lễ vật, gầm bàn nhốt một con gà trống (gà giữ đàn hay chóng thán cay). Bên trái bàn có rá thóc cắm 4 lá cờ đuôi nheo chiêu binh mã và một lá cờ hình vuông, trên cờ ghi bằng chữ nôm Sán Dìu: Mệnh lệnh và chức lệnh, tên, tuổi của người được cấp sắc. Hai bên ban thờ Tam Thanh treo bộ tranh Thập điện Diêm vương.

Trước khi hành lễ, thầy cúng thực hiện nghi thức tẩy uế, trấn yểm đàn lễ, thỉnh cầu các vị thần thánh, dâng rượu và lễ vật. Nghi lễ cấp sắc gồm 15 bước:

Nghi lễ chiêu binh thiên thánh: do 2 thầy cúng thỉnh thiên binh vạn mã, thiên tướng, thần thánh, sư phụ về dự lễ với sự trợ giúp của 6 người phụ lễ bằng các điệu múa và thổi tù và như: múa Hành quang (Háng cong), nghênh tiếp thần, có nhiều động tác mô phỏng các trò vui và lao động sản xuất như: Hoàng mẫu xây đập, đào kênh…

Nghi lễ dâng sớ tấu thánh: do 3 thầy cúng dâng sớ tấu trình nội dung cấp sắc với Ngọc hoàng đại đế.

Nghi lễ trình lệnh bài, ấn của người thụ lễ: do 2 thầy cúng dâng lệnh bài, ấn trình Tam Thanh cùng với lễ vật là 2 con lợn thịt, đầu phủ mỡ chài và cắm cờ đuôi nheo, tiền vàng, rượu...

Nghi lễ dâng và tấu sớ (thốc chệch sộ): tại ban thờ Tam Thanh do 3 thầy cúng làm lễ, dâng sớ chính của nghi lễ để thỉnh Ngọc Hoàng, Đông Vương Công, mời các vị thần thánh về chứng kiến và mời các vị thầy có chức vị về truyền pháp. Sau khi đã mời được các vị thần thánh, người thụ lễ cầm lệnh bài, đứng ở giữa, các thầy phụ đeo cờ, nhảy kết giới (két cại) để mời gọi thần thánh đến đây dự tiệc, chứng giám và truyền phép cho đệ tử.

Nghi lễ múa cờ (sút khi hoi ngọc): người cầm cờ, người cầm tù và nhảy múa theo lời cúng với các động tác phất cờ, tấu nhạc, sắp xếp âm binh, quân binh, thánh binh chuẩn bị xuất trận và hộ tống người thụ lễ đi tuần ải ngũ phương.

Đại kết giới: thầy cúng thực hiện các nghi thức đưa âm binh ra trình ngũ phương rồi đưa người thụ lễ đi tuần ải.

Nghi lễ tạo cầu tiếp thánh (Sao khéo chép sệnh): để tiếp đón thần thánh về đón nhận người thụ lễ đến với cõi thiêng bằng cách bắc cầu (bênh khéo) nối bàn thờ Tam Thanh với bàn thờ của người thụ lễ.

Hành quan tiếp sứ: mở đường đón thánh về.

Nghi lễ đón bát tiên (Cheo bát sen): thầy cúng khấn mời bát tiên về chứng nhận lễ thăng chức cho người thụ lễ, mở từng sớ đọc mời các vị về với sự trợ giúp của 2 thầy cúng múa dâng hương quanh bàn thờ bát tiên.

Nghi lễ trình bản sớ hợp đồng (Hap thống): là sớ điệp cấp sắc, gồm 2 bản âm và dương được đóng dấu giáp lai: sớ thầy truyền cho người thụ lễ (24 tờ điệp) và sớ thầy phong chức cho người thụ lễ (22 tờ). Mỗi loại sớ được 1 ông thầy đội trên đầu, tấu trình lên Ngọc Hoàng đại đế. Những tờ điệp âm đọc xong thì hóa ngay, tờ điệp dương đã được đóng dấu hợp đồng thì người thụ lễ giữ cẩn thận, đến khi qua đời đệ tử mang ra làm lễ và đốt theo.

Dâng khăn hồng (Cạ hống): khăn được quàng lên vai người được dâng. Đầu tiên, người thụ lễ tạ ơn các thầy cấp pháp cho mình bằng việc dâng khăn hồng cho sư phụ, lần lượt là thầy bản sư, thầy gia bổ chức sư, thầy bảo quý, thầy chứng minh, thầy diễn đàn, thầy truyền phép, thầy kết quy tinh đẩu thể, cuối cùng là mẹ đẻ và các chị em gái của mẹ nhằm tạ ơn sinh thành, dưỡng dục. Tiếp theo, các con cháu, các em dâng khăn cho người thụ lễ với ngụ ý chúc phúc.

Nghi thức lập ngai quy (két quy tênh tói): các thầy tấu với thần thánh việc đưa người thụ lễ đi lấy nước tại một điểm đã chọn từ trước, mang theo lễ vật, vừa đi vừa đọc bài cúng qua đường, hết một bài lại đóng ba đoạn tre xuống đường dùng để cắm hương, rót rượu và rót nước, bên cạnh cắm một cành cây tươi. Đến địa điểm lấy nước, thầy cúng bài trình thánh trên đường đi lấy nước, đồng thời, cũng tiến hành dâng lễ trình thủy thần xin được lấy nước. Lấy được nước, khi quay về theo đường cũ, đến chỗ cắm cành cây tươi thì thầy đạp đổ cành cây. Lấy nước về đến đàn lễ mang đặt trên bàn thờ Tam Thanh rồi tiến hành các thủ tục truyền phép, sau đó thực hiện nghi thức ngự thần quy cho người thụ lễ. Người thụ lễ được các thầy truyền pháp, nhắc lại các quy tắc làm nghề, truyền pháp xong cho người thụ lễ ăn oản, uống rượu, ăn thịt…, kể từ đây người thụ lễ được phép ăn, uống những thực phẩm, lương thực không thuộc đồ kiêng, cấm đối với người làm nghề.

Nghi lễ truyền tín hiệu của Thánh (Hám hong cộ phố): để người thụ lễ sau này đi hành lễ thỉnh thánh đi theo phù trợ. Thầy cúng dùng phép thổi khói hương vào tai, miệng người thụ lễ, với ngụ ý tai nghe được, miệng sẽ nói theo lời của thánh sư, của sư phụ. Trong lúc truyền pháp tay hai người lồng vào nhau, có lúc dùng nắm tay chồng lên nhau tượng trưng cho việc truyền pháp và bắc cầu lên chức. Thầy làm nghi thức cấp thêm quân binh cho người thụ lễ, kết thức nghi thức Thầy trao lệnh bài cho người thụ lễ.

Nghi lễ cấp quân lương: cấp lương thực nuôi âm binh của người thụ lễ. Hai thầy cúng thỉnh âm binh, bàn giao lương thực và dặn dò phải phụ giúp, nghe lời người thụ lễ.

Nghi lễ tạ ơn Thánh (Seo sén): lễ vật gồm 2 con lợn được làm sạch, mổ đôi, cắm 5 lá cờ đuôi nheo, 6 con gà, tiền vàng và các lễ vật khác. 4 thầy cúng khấn, nhảy múa tạ ơn Tam Thanh, Ngọc Hoàng, các Thánh sư... đã bảo trợ, chứng giám cho đàn lễ. Sớ, tiền vàng tiễn thánh được hóa để kết thúc toàn bộ nghi lễ cấp sắc. Sau đó, các thầy làm nghi thức trấn trạch để trả lại sự yên ổn cho gia đình. Tất cả câu đối và các hình cắt trang trí trong lễ cấp sắc đều đem hóa, còn lễ vật đem chia cho mọi người cùng thụ hưởng.

Khi thực hiện nghi lễ Cấp sắc, những điều răn, thề nguyện trước thần linh được người thụ lễ tự nguyện thực hiện trong suốt cuộc đời của họ. Hệ thống tranh thờ, đồ nghề hành lễ được cất giữ tại nơi trang trọng. Nghi lễ Cấp sắc là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng trong nội bộ các thầy cúng, do nhu cầu hành nghề và sự tham gia của cộng đồng. Mọi người đến trong dịp lễ này để thỏa mãn nhu cầu về tinh thần như thưởng thức nghệ thuật trình diễn dân gian và được đấng thần linh ban phát lộc. Những người bình thường đến dự lễ thì cầu may mắn, những người ốm đau bệnh tật thì cầu khỏe mạnh và cầu mong mọi sự suôn sẻ, mang những điều không tốt đi và mang sự yên bình đến cho cả gia đình và bản thân họ.

Nghi lễ Cấp sắc có vai trò quan trọng đối với đời sống tâm linh của cộng đồng người Sán Dìu, góp phần tạo niềm tin cho người thụ lễ cũng như cộng đồng rằng các thần thánh đã chứng nhận, giúp họ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, khỏi những ốm đau hoạn nạn… Nghi lễ Cấp sắc thể hiện ý thức tôn sư trọng đạo của người Sán Dìu, người Thày được người thụ lễ kính trọng như cha, thực hiện các hành động báo hiếu. Nghi lễ góp phần giáo dục các thành viên trong cộng đồng về đạo đức, lễ nghĩa, cách ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Nghi lễ Cấp sắc của người Sán Dìu bảo lưu giá trị nghệ thuật như: nghệ thuật múa, cắt dán giấy, trang trí đàn lễ, hệ thống tranh thờ dân gian. Ngoài ra, nghi lễ còn thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng qua sự tham gia, giúp đỡ của cộng đồng cho nghi lễ.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ Cấp sắc của người Sán Dìu được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL ngày 30/10/2018.

 

Dương Anh (Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website