Ngày 20 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Lễ Cúng trưởng thành của người Ê đê

Người Ê đê ở Phú Yên, cũng như người Ê đê nói chung theo tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh. Hệ thống thần linh người Ê đê ở Phú Yên quan niệm ở ba thế giới: trên trời, dưới đất và những thần trong khoảng không giữa đất và trời (thần ánh sáng: mặt trời, mặt trăng, thần thời tiết,...). Vì vậy, trong quá trình sinh sống và lao động sản xuất, người Ê đê ở Phú Yên đã tiến hành các lễ nghi nông nghiệp tương ứng (từ khi gieo hạt đến ngày thu hoạch), cũng như các nghi lễ vòng đời người, cầu mong sức khỏe và tuổi thọ. Nghi lễ vòng đời bao gồm: lễ cúng đặt tên, lễ cúng thổi tai, lễ cúng trưởng thành, lễ hỏi chồng, lễ bắt chồng, lễ tiễn đưa, lễ bỏ mả,...

Đối với người đàn ông Ê đê ở Phú Yên, lễ cúng trưởng thành không thể bỏ qua. Tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình mà lễ cúng trưởng thành của người Ê đê ở Phú Yên có thể được thực hiện trong tuổi thành niên (chưa có vợ hoặc đã có vợ con), trong tuổi trung niên và có người đến khi chết vẫn chưa thực hiện được. Việc cúng do cha mẹ đẻ sắm sửa mâm cỗ, làm lễ. Nếu cha mẹ không có điều kiện (hoặc không còn) thì chị em có thể cúng thay.

Để tổ chức lễ cúng trưởng thành, người Ê đê ở Phú Yên phải chuẩn bị trong một thời gian dài như sửa chữa nhà cửa, ủ rượu ché, chọn heo đực thiến,... và mời thầy cúng. Trên ghế K'pan trong nhà sàn chuẩn bị sẵn dàn chiêng 5, 1 cồng và 1 trống lớn. Lễ cúng trưởng thành của người đàn ông Ê đê đã có vợ hoặc chưa có vợ đều được thực hiện trong 5 ngày với các nghi lễ tương tự, chỉ khác ở chi tiết người đàn ông Ê đê đã có vợ có thêm nghi lễ thầy cúng đưa người được cúng về nhà vợ vào buổi chiều ngày cúng thứ ba và ngày tháo cong đồng đã đeo trong thời gian cúng. Lễ cúng trưởng thành cho người đã có vợ được thực hiện như sau:

- Ngày thứ nhất: buổi tối, thày cúng làm lễ cúng các A Yang trong tiếng trống, tiếng cồng chiêng, mời thần về uống rượu, ăn gan gà để phù hộ cho gia đình ngày mai cúng 7 ché rượu và 01 con heo được tốt lành. Khấn xong, thầy  mời mẹ của người được cúng hút ly rượu cần đầu tiên từ ché rượu cúng (vì người Ê đê theo chế độ mẫu hệ), sau đó người bố hút rượu cần mời dòng họ chung vui.

- Ngày thứ hai: khi mặt trời chưa mọc, thầy cúng đưa người được cúng đi tắm gội ở giếng nước của buôn làng (bến nước) rửa sạch bụi và bệnh đau trên người để các vị thần không quở trách. Thầy cúng một tay cầm đao, một tay cầm chiếc khiên đi trước để bảo vệ, người được cúng một tay cầm tô đồng, một tay cầm bầu đựng nước đi sau. Đến bến nước, thầy cúng lấy nước rửa đao và chiếc khiên, chàng trai rửa mặt, cởi áo và dùng tô đồng múc nước tắm gội. Sau đó, thầy cúng lấy một bầu nước đem về nhà.

Khi mặt trời vừa lên, bà con dòng họ hai bên tập trung tại nhà người được cúng cùng chuẩn bị làm heo, giã gạo, hái rau, làm gà,... 7 ché rượu được cột giữa gian khách, trong đó chọn 1 ché trụ cột (ché đầu đàn), trên miệng cắm 1 cây dùi (cán gỗ, mũi sắc nhọn). Thầy cúng sẽ cúng ché đầu đàn đầu tiên, rồi mới đến các ché khác. Đầu heo, vai heo được đặt ngay vị trí ché đầu đàn; miếng thịt thăn dài từ gáy đến đuôi và bong bóng heo được chủ nhà treo vào trụ cột ché đầu đàn. Thịt heo cúng các ngày sau cũng được lấy từ con heo thiến này.

Cửa sổ phía Đông gian khách nhà sàn, dọc theo vách nhà treo một tấm vải không cho ánh sáng chiếu vào, trải hai chiếc chiếu, trên đó dựng một cây đao, 1 cái khiên, bầu đựng nước, nồi đồng đầy rượu và đặt một số lễ vật khác như cơm trắng, thịt luộc, canh,...và đốt một cây nến, cạnh đó đặt một thanh củi đang cháy.

Người được cúng mặc trang phục áo màu đen, đầu quấn khăn đen ngồi sát vách nhà sàn đối diện với thầy cúng. Bên phải người được cúng có người bảo vệ cũng mặc trang phục màu đen, đầu quấn khăn đen. Bên trái người được cúng là hai người nữ bảo vệ mặc trang phục Ê đê truyền thống, đầu đội khăn. Thầy cúng trong trang phục áo cúng màu đen, đầu cột khăn đen ngồi bên cạnh ché đầu đàn nhìn về phía người được cúng (phía Đông). Thầy cúng làm lễ mời và cầu các thần linh phù hộ cho người được cúng, dâng 7 ché rượu và lễ vật cho thần. Cúng xong, thầy cúng đổ chén nước vào lần lượt 7 ché rượu, múc rượu trong xoong đồng mời người được cúng, rồi lần lượt đến những người bảo vệ, gia đình và dòng họ. Rượu trong xoong uống hết, thầy cúng đeo 7 chiếc cong đồng vào tay người được cúng. Sau đó, gia đình và dòng họ mời bà con trong buôn ăn uống chung vui.

Buổi chiều thực hiện nghi thức tắm cho người được cúng. Một người đàn ông dùng khăn màu đỏ kéo người nam bảo vệ từ vị trí ngồi cúng về phía đoàn người chuẩn bị đi tắm. Tiếp đến, kéo thầy cúng và người được cúng, cột chiếc khăn đỏ quanh thắt lưng. Thầy cúng đi trước dẫn đường, sau đến người được cúng, người nam bảo vệ khoác một tấm vải chéo trên vai, cột ngang thắt lưng 01 bầu nước, tay phải cầm đao, tay trái cầm khiêng, hai người nữ bảo vệ và cuối cùng là bố mẹ, dòng họ, các nghệ nhân múa (M'mya), những người phục vụ rượu mời trên đường đi. Đến bến nước, tất cả mọi người đứng trên bờ, nếu ai đang tắm cũng phải lên bờ để tránh điều không tốt cho bản thân. Người đàn ông trong gia đình giúp người được cúng cởi trang phục cùng với thầy cúng xuống tắm. Thầy cúng vừa khấn thần linh cho người được cúng rửa trôi cái xấu xa, dơ bẩn, cầu mong mạnh khỏe, vừa múc nước dội lên người được cúng. Sau khi tắm gội xong, họ lấy một bầu nước để mang về nhà, người được cúng thay trang phục, mọi người reo hò chúc mừng và tất cả cùng xuống tắm, ra về.

Về đến nhà, chàng trai được một phụ nữ đứng ở cầu thang chào đón. Trước thềm cửa nhà sàn là một chiếc chiếu, trên đó đặt 2 lưỡi rìu, một chiếc cong đồng. Người được cúng đặt 2 chân lên 2 lưỡi rìu, thầy cúng cầm tô nước xoay 7 vòng tròn quanh 2 chân của người được cúng, sau đó đổ hết tô nước rửa chân người được cúng. Tiếp đến thầy cúng lấy củ gừng và cây kim có sợi chỉ thổi vào tai người được cúng 7 lần để cầu trí tuệ, thông minh, dồi dào sức khỏe, giỏi giang, không mắc bệnh tật. Tiếp theo, thầy cúng lấy chiếc vòng đặt trên lưỡi rìu bên phải đeo vào tay người được cúng. Sau đó, đoàn người vào trong nhà. Người được cúng ngồi lại vị trí cúng, cả đêm không được ngủ vì nếu ngủ sẽ không được thần linh đang dự lễ chấp nhận hoàn thành lễ trưởng thành. Dòng họ và bà con trong làng được mời uống rượu và nhảy múa thâu đêm.

- Ngày thứ 3, chủ nhà lấy 5 ché rượu mới cột giữa gian khách, trong đó chọn 1 ché trụ cột đầu đàn để cúng, lễ vật là 1 đĩa thịt heo. Người được cúng, những người bảo vệ ngồi theo vị trí như ngày thứ hai. Thầy cúng thực hiện xong nghi lễ, người được cúng uống một tô rượu, sau đó hút rượu ra mời dòng họ và bà con buôn làng.

Buổi chiều, thầy cúng thực hiện nghi thức đưa người được cúng về nhà vợ. Một người nam là anh em trong gia đình được cử đi theo đoàn để đưa người được cúng về nhà vợ và mang theo các lễ vật gồm đùi heo, bộ lòng heo, bầu nước. Trên đường đi, bà con tiếp tục nhảy múa và uống rượu cần mang theo. Bên nhà vợ cũng cột 05 ché rượu ở giữa gian khách. Cạnh cửa sổ phía Đông trải một chiếc chiếu. Vào đến nhà, thầy cúng cởi tất cả quần áo, khăn quấn đầu, các vật dụng đao, khiên của người được cúng và người bảo vệ mang theo trong ngày hôm trước xếp vào một cái thúng tre và thầy cúng làm lễ cúng những bộ trang phục và vật dụng này để tránh ma quỷ ám, nếu không sẽ bị thần linh trách móc, dẫn đến đau bệnh. Kết thúc nghi lễ, người được cúng về lại nhà mình, bà con dòng họ cùng chung vui, uống rượu cần, nhảy múa cùng gia đình thâu đêm.

- Ngày thứ 4, gia đình cột 3 ché rượu mới với một ché đầu đàn, 1 đĩa thịt heo để cúng. Các thủ tục, nghi thức cúng giống như phần cúng 5 ché ngày thứ 3. Thầy cúng và người được cúng mặc trang phục bình thường. Thầy cúng làm lễ xin thần linh phù hộ cho người con trai được cúng khỏe mạnh, công việc làm thuận lợi và cho phép tháo bớt cong ra để đỡ nặng. Sau thủ tục này, họ tiếp tục uống rượu và nhảy múa cho đến khuya.

- Ngày thứ 5, buổi sáng chủ nhà cột 1 ché rượu ở giữa gian khách, 1 đĩa thịt và 1 chén cơm đặt ở chiếc chiếu ở cửa sổ phía Đông nhà sàn. Đây là nghi lễ bày tỏ lời cảm ơn của gia đình đến thần linh đã bảo hộ cho lễ cúng và bỏ qua những sai sót, cầu mong A Yang luôn bảo vệ con trai đã trưởng thành.

Sự thay đổi số lượng ché rượu qua các lần cúng nhằm nhắc lại những chu kỳ vòng đời đã qua của người đàn ông Ê đê, để sau lễ cúng, người đàn ông Ê đê được cộng đồng thừa nhận đã là người trưởng thành, gánh vác các công việc nặng nhọc của gia đình, của buôn làng.

Lễ cúng trưởng thành của người Ê đê ở Phú Yên góp phần bảo lưu các phong tục, tập quán xã hội, gìn giữ văn hóa cồng chiêng, các điệu nhảy, điệu múa truyền thống. Lễ cúng giúp con người cảm thấy yên tâm hơn dưới sự che chở của thần linh. Đây cũng là nguồn dữ liệu phong phú cho việc nghiên cứu văn hóa, nghi lễ, phong tục, tập quán tộc người, làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của đồng bào, tăng cường ý thức đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL ngày 04/9/2018.

 

Dương Anh (Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website