Ngày 20 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Lễ hội Đền Thanh Liệt

Đền Thanh Liệt (đền Vạn) thuộc xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, nhìn ra ngã ba sông (Ngã ba Phủ), nơi hợp lưu của hai con sông là sông Lam (Nghệ An) và sông La (Hà Tĩnh). Lễ hội diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 4 đến ngày 7 tháng Hai (Âm lịch) hàng năm và bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng thần linh vùng sông nước của cư dân nơi đây. Đền thờ các vị phúc thần có công với dân với nước, chủ yếu là các vị thần thuộc (hoặc liên quan đến) miền thủy phủ.

Phần chính của lễ hội chủ yếu được diễn ra trên sông, gắn với các quan niệm và nghi lễ của cư dân sông nước, với ý nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên sóng lặng, thủy tộc sinh sôi phát triển, ngư dân đánh bắt được nhiều thủy sản, xua đuổi đi những ôn hoàng dịch lễ và cuộc sống được bình an, thịnh vượng. Không gian của lễ hội là đoạn sông Lam dài khoảng 2,5km, từ bến sông trước đền Thanh Liệt đến Ngã ba Phủ (còn gọi là Bãi Phủ hay Tam Kỳ Giang), gồm các nghi lễ như: lễ xổ dầm, lễ chiêu nghinh, lễ chính tế, lễ chặt văng.

Ngày mồng 1 tháng Hai Âm lịch, tại đền, Ban lễ nghi của làng thực hiện một nghi lễ cầu đồng để xin lời truyền hạ của thần linh về việc tổ chức lễ hội sắp tới, như: chuẩn bị trình thức lễ hội thường niên, những yêu cầu riêng (cúng cho thần một con thuyền rồng hay một con cá “tam đầu cửu vĩ” (ba đầu chín đuôi – con lốt), cho phép đua trải. Theo đó, làng sẽ phân công người tự tay làm những lễ vật đặc biệt này.

Một lễ vật quan trọng, phải chuẩn bị rất công phu là các cỗ hàng mã đặc biệt, dân địa phương thường gọi là cỗ báu ngọc, dùng để cúng Phật Thánh, Thiên, Địa. Cỗ báu ngọc nhìn giống như một cái long ngai, có đế, thân và tay ngai với hình con ngựa, các thoi vàng hoa hình hộp nhiều màu (xanh, đỏ, trắng, vàng) xếp chồng lên nhau, hình rồng, lưỡng long chầu nguyệt... Mỗi loại cỗ báu ngọc được làm thành 2 bộ (một bộ cúng trên thuyền, một bộ cúng tại đền) và có những chi tiết khác nhau phù hợp với vị thần được dâng cúng.

 Để chuẩn bị cho lễ rước và lễ tế trên sông, dân làng lựa chọn 24 nam thanh nữ tú trong làng, có sức khỏe tốt, chưa vợ, chưa chồng, gia đình không có tang, nữ không trong kỳ kinh nguyệt tham gia hai thuyền bơi. Ngoài ra mỗi thuyền còn chọn thêm 3 người có kinh nghiệm về sông nước, chịu trách nhiệm chỉ huy và lái thuyền theo đúng lộ trình. Thuyền do 2 - 3 gia đình làm nghề, có thuyền lớn tự nguyện đưa vào phục vụ lễ.

Lễ Xổ dầm (hạ thủy) được thực hiện vào chiều ngày 4 tháng Hai để kiểm tra sự an toàn của thuyền trước khi vào hội, đồng thời, xin phép thần linh cho các tay trải vào bơi thử và luyện tập. Đàn tế được lập trước cột hương lộ thiên ở giữa bãi bồi ven sông. Ban lễ nghi làm lễ khai quang đàn và khai quang trải. Sau khi khai quang xong thì đưa trải xuống nước và trai bơi, gái chèo, người cầm lái, người cầm cờ hiệu lên trải để pháp sư làm lễ cúng long thần xin được hạ thủy châu trải (thuyền trải) và hiến cúng đấu trạo, xin cho châu trải đi phụng nghinh thiên địa được an toàn; thỉnh các long thần về long điện (tức đền Thanh Liệt) và báo cáo danh sách những người đứng đầu mũi lái.

Khi thần đã nhập đồng thì trống cái đánh ba hồi, người cầm cờ hiệu trên thuyền trải nghe hiệu lệnh liền phất cờ ra hiệu cho các tay trải bơi phụng nghinh thần. Hai thuyền trải đua nhau quần trên sông, các tay trải vừa chèo thuyền vừa hò dô. Không khí trên bờ, dưới sông trở nên náo động, tiếng trống dục dồn dập hợp âm cùng tiếng mái chèo khuya mạnh vào nước sông, tiếng mái chèo gõ nhịp nhàng vào mạn thuyền, tiếng hò dô vang dội.

Sáng mùng 5, Ban lễ nghi thực hiện nghi thức xin phép thần linh làm lễ Phô trương/Mộc dục. Sau đó, những người được phân công sẽ làm vệ sinh trong ngoài khu vực đền, sửa đồ bị hỏng, lau chùi đồ tế khí bằng nước sông Lam được lấy ở Ngã ba Phủ nấu với các loại lá thơm và xếp theo thứ tự ngay ngắn trước sân đền để chuẩn bị cho lễ rước ngày mai.

Sáng ngày 6, trước khi rước là lễ cáo điện/yết cáo xin phép và mời các vị thần linh lên kiệu để dân làng làm lễ rước. Lễ rước gồm có rước bộ và rước thủy. Đoàn rước xuất phát từ sân đền rước bộ ra bến sông (khoảng 1km), xuống thuyền rước thủy lên thượng cận (khoảng 1km), rước về hạ cận (Ngã ba Phủ, khoảng 1,5km); sau khi xong lễ tế, đoàn rước lại theo tuyến rước cũ trở về bến sông, lên bộ và rước về đền yên vị. Đoàn rước ngoài cờ, chiêng trống, đội bát âm, kiệu, đồ thờ, đồ tế khí… còn có long chu (làm bằng giấy), thuyền ngự/thuyền rồng.

Đoàn rước bộ đi từ sân đền ra cổng, rồi ra bến sông với sự điều khiển của loa hiệu (người cầm loa điều hành đám rước). Khi đoàn rước đi trên bộ thì ở dưới sông, hai thuyền trải cũng bơi theo, các tay trải vừa bơi vừa hò tạo không khí náo nhiệt. Ra đến bến sông, đoàn rước dừng lại để chuẩn bị chuyển từ rước bộ sang rước thủy.

Tại bến, ba thuyền lớn và rất nhiều thuyền con đã chờ sẵn. Dưới sự điều hành của một bô lão có uy tín trong làng, các tráng đinh nhanh nhẹn chuyển long chu, kiệu ngự, thuyền ngự và các đồ tế khí lên hai thuyền lớn, được trang trí cờ hoa rực rỡ. Thuyền đi đầu là thuyền lái, có chức năng kéo hai thuyền đi sau nên trên thuyền không chở các đồ tế khí; Thuyền thứ hai có kiệu ngự, long chu và đàn tế (ở giữa thuyền); Thuyền thứ 3 chở ghe ngự. Hai bên có hai thuyền trải hộ tống. Đi sau đoàn rước là thuyền của nhân dân các làng xã hai bên sông Lam như Thanh Liệt, Vũng Hà, Phù Long, Phù Thạch thuộc 2 xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên và xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Các thuyền đều có kết hoa, treo cờ, đèn nến, khói hương nghi ngút. Đoàn rước đi ngược về phía Tây dọc sông Lam để lên “Thượng cận”, tổ chức làm lễ tại đây, sau đó quay về “Hạ cận”. Trên thuyền trải, nam nữ chưa lập gia đình vừa chèo thuyền vừa hát. Khi đoàn rước bỏ neo ở Thượng cận (làng Nghĩa Sơn, xã Hưng Long), trên hai thuyền trải diễn ra màn đối đáp dân ca hò, ví giặm ngọt ngào, lắng đọng.

Khi đoàn rước thủy xuất bến, trên thuyền Ban lễ nghi làm lễ khai quang tẩy uế. Đến Thượng cận, thuyền bỏ neo để làm lễ phát tấu chiêu nghinh Thượng cận bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị thần linh đã cho dân làng một năm bình an, làm ăn thịnh vượng và cầu mong thần linh phù hộ cho một năm mới tốt đẹp hơn. Trong số lễ vật hoa quả dâng cúng, quả lót (còn gọi là quả nhót) là loại quả có ý nghĩa quan trọng trong việc cầu ngư; cúng xong, thả quả lót xuống sông để cầu mong cho hến, cá, tôm sinh sôi này nở. Trên thuyền còn bày các lễ vật như 3 cỗ báu ngọc, 3 bộ áo Tam Thánh: Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thủy. Khi cúng chiêu nghinh Thượng cận xong thì thường có hiện tượng nhập đồng ứng vào Đức Thánh Bản Thổ Thích Trúc Đại Vương và Ngài Sơn Liêu Độc Cước. Khi thần linh ngự đồng trên thuyền rước, hai thuyền này lại bơi thi phụng giá, vừa bơi vừa hò reo rộn ràng. Nghi lễ kết thúc, pháp sư xin chư vị thần linh cho đoàn rước quay vệ Hạ cận làm lễ là lúc 2 thuyền bơi lượn quanh thuyền tế, hò hét vang dội thể hiện sự vui mừng, phấn khích khi được sự ủng hộ của thần thánh trong lễ tế.

Từ Thượng cận về Hạ cận, trên thuyền tế hát chầu văn phụng tán kể về sự tích và ca ngợi công đức, cũng như sự linh thiêng của các thần. Về đến Hạ cận, thuyền bỏ neo ở giữa Ngã ba sông để làm lễ phát tấu chiêu nghinh Hạ cận, sau đó là lễ cầu yên (cũng gần như là lễ đại tế trên sông), cầu ngư, lễ tiến thảo, lễ tống long chu. Đây là thời điểm làm lễ tế chính cho thủy thần nên mọi thứ được chuẩn bị công phu: lễ vật trên đàn tế được thay mới  và 7 hộp sớ được viết trên giấy điệp, giấy hồng, bọc cẩn thận. Sau lễ tế, Thánh ngự đồng, gọi là thánh thăng dương truyền hạ, cao trào của lễ tế thủy thần trên sông Lam, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, trời yên, sóng lặng, ngư dân được tôm cá đầy thuyền, hến dắt sinh sôi nảy nở. Khi thánh ngự đồng, 2 thuyền trải vừa bơi vừa reo hò để phụng nghinh thánh đức.

Sau lễ nhập đồng là lễ tiến thảo, tức lễ tống ôn, tống trừ tai ương, dịch bệnh. Tiếp đến là lễ tống long chu (thả thuyền rồng) bằng hàng mã đã được làm nghi thức điểm nhãn trước đó xuống sông để phụng thánh cùng cháo, nổ, gạo, muối, quả lót, tiền vàng và hóa cỗ phụng tán để gửi về thủy phủ. Đây cũng là tục lệ cầu ngư, kỳ yên, cầu cho người dân bắt được nhiều tôm, cá, hến.

Sau khi hoàn thành các nghi thức cúng tế ở Hạ cận, đoàn rước quay thuyền trở về bến, lại chuyển từ rước thủy sang rước bộ về đền để làm lễ an vị, báo cáo, cảm tạ thần linh và xin được an vị các vị thần linh ở đền vừa mới rước đi và cả những vị thần linh vừa mới mời về.

Sau lễ an vị là lễ tế tiên hiền để cảm tạ chư vị thần linh và các vị tiên hiền, tiền bối đã có công khai cơ lập làng, bảo vệ cuộc sống ấm no của nhân dân.

 Sáng mùng 7, dân làng làm lễ chặt văng tại bãi sông trước làng (địa điểm làm lễ Xổ dầm) để báo cáo với thần linh lễ hội đã kết thúc, xin được trả lại các đồ tế khí, trả lại các thuyền của nhân dân phục vụ lễ hội để tránh cho họ khỏi những điều không may trong năm.

Sau các nghi lễ là những trò chơi dân gian mang đậm màu sắc sông nước như: thi bơi trải, thi cướp giải, thi lặn, đua chèo lộn tiêu… diễn ra tại bãi bồi ven sông. Gay cấn và thú vị nhất là cuộc thi đua thuyền, còn gọi là đấu trạo, và thi cào hến trên dòng sông Lam. Thi đua thuyền gồm 4 thuyền đua với 12 tay chèo và một người đứng ở mũi thuyền để cầm trịch, 4 thuyền đạo nhỏ hơn chở các bà, các chị bơi theo thuyền đua để hát Ví, hát Giặm nhằm khích lệ đoàn đua. Làng nào lấy được cột tiêu xem như làng đó được may mắn cả năm. Thi bắt hến với sự tham gia của 10 thanh niên trai tráng khỏe mạnh, 1 cụ già cầm chịch. Các chàng trai được đưa ra vùng nước giữa sông, lặn xuống bắt hến, ai bắt được nhiều hến nhất là người chiến thắng và nhận phần thưởng mang tính tượng trưng, có một năm làm ăn may mắn.

Lễ hội đền Thanh Liệt giúp thỏa mãn nhu cầu tâm linh của nhân dân, trao truyền các phong tục tập quán của cha ông cho thế hệ sau. Lễ hội mang đậm sắc thái sông nước, là nơi bảo lưu tín ngưỡng thờ thủy thần và phản ánh tư duy nghề nghiệp của những người dân vùng hạ lưu sông Lam. Lễ hội đền Thanh Liệt là một trong số ít các lễ hội truyền thống của Nghệ An không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự hành chính hóa lễ hội hay sự du nhập làm biến đổi các nghi thức, nghi lễ truyền thống. Lễ hội góp phần hun đúc tinh thần cộng đồng, làm nên sức sống của làng xã, duy trì sự ổn định cho cả cộng đồng, hướng đến điều chỉnh hành vi cá nhân và mối quan hệ cộng đồng trong phạm vi làng xã.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội đền Thanh Liệt được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3609/QĐ-BVHTTDL ngày 27/9/2018.

 

Dương Anh (Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website