Ngày 3 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Lễ hội Làng Thượng Liệt

Làng Thượng Liệt (tên Nôm là làng Giắng), xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình; đình làng thờ công chúa Quí Minh con vua Trần Duệ Tông. Theo thần tích còn lưu tại đình: vào cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, niên hiệu Long Khánh thứ 10, vua Trần Duệ Tông sinh được 3 người con gái: Trần Quí Minh, Trần Thị Bảo Hoa và Trần Thị Ngọc Ánh. Ba bà được đưa sang cống hồ bên Tàu nhưng cự tuyệt gần vua. Khi nghe tin vua cha mất, bà Trần Quý Minh thuận ý làm cung phi, với điều kiện cho bà phục tang cha 3 năm và bắc cho bà một cầu vòng để lập đàn công tự ngày tháng tụng kinh cầu siêu cha. Trong thời gian cầu siêu cho cha, chị em bà sưu tầm được cuốn Chiêu Quân cống Hồ. Hết tang, các bà đóng tráp, sơn kín thả trôi về đất Việt và định nhảy xuống biển tự vẫn nhưng không thành. Năm 1388, triều chính nước nhà yên ổn, chị em bà được đón về để tiếp tục sự nghiệp vua cha. Chị em bà về nước theo đường biển để tìm lại tráp sơn, với ý định nếu gặp tráp đó trôi dạt về đâu sẽ định quân cơ ở đó. Đến cửa biển Sông Trà, ba chị em gặp một bè gỗ trôi cùng tráp dưới sông, liền quyết định quân cơ từ cửa biển Sông Trà (nay là xã Thái Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), đến ngã ba Sông Diêm (thuộc tổng An Tiêm cũ), cửa Diêm Điền theo ven sông Trà Lý (nay là đền Tam Tòa nữ tướng nhà Trần). Chị em bà chia ba nơi theo vùng dân cư đang sinh sống bằng nghề chài lưới: vùng cửa biển là em thứ ba Trần Thị Ngọc Ánh, người em thứ Trần Thị Bảo Hoa về thôn Phúc Lộc (nay là xã Thái Giang, huyện Thái Thụy), chị cả Trần Thị Quí Minh về ấp Giắng (nay là làng Thượng Liệt). Bà Quí Minh đã triệu tập cư dân lập nên trang ấp, khai khẩn đất hoang hóa, phát triển nông nghiệp, lập ấp dựng chùa. Bà hóa thân ngày 13 tháng Tư, được nhân dân thờ tại đình các làng, suy tôn là Thánh Mẫu, Thành Hoàng và ở làng Thượng Liệt hiện còn 22 đạo sắc của 16 vương triều đều phong bà là Thượng Đẳng Thần.

Hàng năm, làng Thượng Liệt mở hội tại quần thể di tích đình – chùa – lăng của làng, từ ngày 10 đến ngày 12 tháng Giêng (Âm lịch). Lễ hội không tổ chức vào ngày hóa của Thánh vì theo luật lệ chỉ có dịp đầu xuân mới có múa Giáo cờ giáo quạt, điệu múa gắn liền với bà Trần Quí Minh, người sáng tạo ra điệu múa này. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn của bà, đồng thời cũng là dịp để cho dân làng vui chơi, giải trí sau những ngày lao động vất vả. Ngày hóa của Thánh chỉ có dâng hương và tế lễ.

Trước lễ hội, ngày 27/12, Ban Quản lý di tích làm lễ tắm tượng/mộc dục, thực hiện trong cung cấm, lau chùi các đồ thờ, sơn lại kiệu, sửa sang cờ hiệu chuẩn bị cho ngày hội. Đường làng, ngõ xóm được sửa sang, quét dọn sạch sẽ và chuẩn bị các việc như:

- Chọn Ông thầy, Bà thợ: Ban Bảo trợ có trách nhiệm chọn Ông thầy và Hội Tín đồ phật giáo có nhiệm vụ chọn Bà thợ từ 2 thôn Đông Thượng Liệt và Tây Thượng Liệt với tiêu chuẩn là những người không mắc đại tang tiểu cớ và trọn vẹn vợ chồng, gia đình mẫu mực, hạnh phúc, con cháu đề huề và phải có trách nhiệm lo việc trong đình cùng với Ban Quản lý di tích trong vòng 1 năm; làm lễ xin Thánh đồng ý mới được đảm nhận chức vụ. Ngày 6 tháng Giêng, Ông thầy, Bà thợ năm cũ báo cáo lại các công việc đã làm trong một năm và bàn giao lại công việc cho Ông thầy, Bà thợ mới. Dân làng được thông báo về danh tính Ông thầy, Bà thợ của năm.

- Đội múa Giáo cờ giáo quạt: người tham gia đội múa, được gọi là “cô lèn”, phải là gái đồng trinh, từ 8 tuổi đến 15 tuổi, gia đình không có tang. Đội gồm 40 - 50 cháu, được các bà dạy trong 1 tuần tại sân đình, trước đây dạy tại nhà Bà thợ. Bà thợ chọn ra 2 cô đi sứ và 4 cô đi đôi.

Sáng ngày 10, lễ hội làng Thượng Liệt được bắt đầu với nghi lễ rước lễ Phật từ chùa Thiên Đức Tự, đi quanh làng, điểm cuối là về đình. Đến đình, ông Trưởng ban Quản lý di tích đình tiến hành đánh trống khai mạc lễ hội làng Thượng Liệt. Buổi chiều, đoàn tế nữ quan làm lễ dâng hương và tế cáo.

Sáng 11 và 12 dân làng tổ chức rước lễ Bà thợ của 02 thôn Đông Thượng Liệt và Tây Thượng Liệt. Trước kia ở Thượng Liệt có tổ chức rước lễ Ông thầy, nhưng những năm gần đây không tổ chức rước Ông thầy chỉ rước Bà thợ. Ông thầy có nhiệm vụ đón lễ, điển lễ, Bà thợ trước kia dạy múa cho các cháu nhưng nay không nhất thiết phải dạy múa, chỉ giám sát các cháu múa. Theo luật lệ của làng, một người có thể làm Ông thầy nhiều lần nhưng Bà thợ thì trong đời chỉ được làm một lần duy nhất. Bà thợ trước hội một ngày phải ra ngoài đình rước chân hương thờ Thánh về nhà lập ban thờ, thờ ở nhà một đêm. Sáng hôm sau, hai bên Đông đình và Tây đình đều rước lễ Bà thợ về trình đức Thánh. Lễ vật do nhà Bà thợ chuẩn bị, nếu gia đình khó khăn thì anh em, dòng họ ủng hộ, lo cho Bà. Hai Bà thợ mặc áo tế, nhiễu đỏ bịt đầu, quần hồng, ngồi xe trang hoàng công phu, đi sau là con cháu, anh em, họ hàng cùng với đội múa Giáo cờ giáo quạt. Đến cổng đình, 2 Ông thầy miền Đông và miền Tây Thượng Liệt ra cổng đình đón lễ của Bà thợ vào sân đình điển lễ. Bà thợ ở Đông Thượng Liệt sẽ vào cổng và ngồi bên cửa Đông, Bà thợ ở Tây Thượng Liệt vào cổng và ngồi bên cửa Tây - nơi được trang trí đẹp, buông màn hồng để chỉ huy, giám sát cánh múa của mình. Ông chủ tế làm lễ Thánh và bắt đầu múa Giáo cờ giáo quạt. Trong 2 ngày này còn tổ chức lễ rước lễ vật của các thôn, làng trong xã dâng Thánh.

Múa Giáo cờ giáo quạt là điệu múa cổ, gắn với những nghi thức cổ truyền xuất hiện ở làng Giắng từ thời nhà Trần. Theo các thần tích, thần sắc hiện đang được lưu giữ và theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì điệu múa Giáo cờ giáo quạt do công chúa Quí Minh sáng tạo ra theo tích Chiêu Quân cống Hồ để giúp người dân quên đi nỗi gian nao, cực nhọc và cũng là nơi để vơi đi nỗi nhớ kinh thành của mình. Múa Giáo cờ giáo quạt là hình thức múa dân gian tập thể có kết hợp với múa đôi (múa đi sứ - đi đôi – múa má), nội dung điệu múa diễn tả tâm trạng của một công chúa trước khi đi xa làm lễ tạm biệt vua cha.

Các cô lèn (cô múa) mỗi người cầm một lá cờ nhỏ và một quạt giấy để gập trong suốt quá trình múa. Khi múa tay cờ, tay quạt lúc bên này lúc bên kia, đổi tay cờ sang tay quạt, thường được gọi là tráo cờ, tráo quạt, tiếng địa phương đọc chệch thành “giáo”. Cờ tượng trưng cho hình ảnh người anh hùng đi đánh giặc, cứu nước, cờ ngũ sắc biểu hiện cho 5 phương, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Quạt tượng trưng cho sự an nhàn, yêu đời, tôn vinh vẻ đẹp và vai trò của người phụ nữ. Ngoài ra còn có một trống cái làm hiệu lệnh để chỉ huy đội múa.

Múa Giáo cờ giáo quạt chiếm vị trí quan trọng nhất ở hội làng Giắng, được tổ chức ở trước sân đình Thượng Liệt với 36 cấp múa (chỉ là con số ước lệ). Các thế múa (ngón tay, ngón chân, nhún người, quay người), đội hình cũng như tuyến múa khá đa dạng và phức tạp. Nhiều động tác tập trung diễn tả cảnh sinh hoạt nơi thôn dã, đồng quê như chim bay, cò bay, chao tép, vạt tôm, chèo thuyền,… tạo cho điệu múa có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước thể hiện rõ ở các cấp múa (đội hình vòng tròn ngược kim đồng hồ và hình âm dương - số 8). Các cấp múa gồm có: múa đi sứ (thường múa ở sân trong của đình), múa má (do 6 em bé nhất trong đội múa lột tả không khí đưa tiễn), múa bái vua (khi đứng hay quỳ trước ban thờ mắt cô đi sứ không được chớp, nếu nhìn thấy chớp mắt sẽ bị làng bắt lỗi), múa cửa và múa rè (động tác giống nhau, chỉ khác về đội hình, trong đó múa rè có ông đọc róng - đọc thơ), múa sắc ngũ phương với lời róng như một bài văn khấn xua đuổi ma quỷ, tai ương, cầu mong sự an khang, phú quý cho dân làng, múa chèo đò, múa nhất quấn lân (cấp múa khó nhất nên 2 bên cánh múa có sự chỉ đạo của người quản trò và các nghệ nhân), múa nhị quấn lân, múa lòng ta cật ta, múa lòng ta cật người, múa diễn hoa cài cổ, múa đổi giáo một tay, múa đổi giáo 2 tay, múa giáo cờ giáo quạt, múa xênh xang, múa rồng, múa nẩy cờ.

Cấp múa nảy cờ là kết thúc điệu múa Giáo cờ giáo quạt. Các cô múa lần lượt chạy đến ném cờ, ném quạt xuống giếng Thiên Thành ở trước sân đình. Theo các cụ đây là tục lệ khi múa xong khăn áo trả người thì cờ quạt cũng phải trả người.

Bên cạnh các nghi lễ, rước và múa giáo cờ giáo quạt, lễ hội còn có các trò vui chơi, giải trí dân gian như chọi gà, cờ tướng, kéo co, vật…

Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang tính tâm linh, đạo lý, truyền thống tôn kính tổ tiên, uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ công lao của vị thánh trong việc khai hoang, lập ấp, truyền nghề mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Lễ hội làng Thượng Liệt có giá trị lịch sử sâu sắc, gắn với sự tích Bà Trần Quí Minh người có công khai hoang, lập ấp tạo nên làng Giắng ngày nay. Điệu múa giáo cờ giáo quạt không những nhắc nhở mỗi người dân nhớ đến công ơn của người đã sáng tạo ra nó, mà còn là nơi vui chơi, giải trí sau những ngày vất vả, lam lũ, mệt nhọc và gửi gắm ước muốn về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tục rước lễ Bà thợ là dịp con cháu tỏ lòng thành kính, báo hiếu cha mẹ, mong sao cha, mẹ được an lành và khẻo mạnh mãi mãi với con cháu. Lễ hội là nền tảng gắn kết, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, trong thôn xóm và trong làng xã, là môi trường bảo tồn giao lưu truyền thống văn hóa, biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội làng Thượng Liệt được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3609/QĐ-BVHTTDL ngày 27/9/2018.

 

Dương Anh (Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website