Ngày 2 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Lễ Xăng Khan (Kin chiêng boóc mạy) của người Thái

Lễ Xăng Khan (Kin chiêng boóc mạy) của người Thái, ở tỉnh Nghệ An, bắt nguồn từ nghi lễ cúng tổ tiên của thầy mo - người có khả năng giao tiếp với thần linh, là cầu nối giữa con người và thần linh. Với khả năng của mình, thầy mo chữa được bệnh cho nhiều người. Người được thày mo chữa khỏi bệnh tự nguyện làm lục mạy, hay lục niệng (con nuôi - con được bảo hộ) của thầy mo.

Theo tiếng Thái, “xăng khan” là dặn dò và đáp lời, người Thái Tày Thanh (Thái đen) cho rằng Xăng là lời nhắn của ông Mo thầy (nài khù) đã khuất đối với ông Mo học sinh (lực xít) còn sống, Khan là sự nhận lời của lực xít hứa hẹn để làm những điều tốt lành hơn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Lễ Xăng Khan là ngày tạ ơn tổ tiên, tạ ơn các pó pu (mo thầy) đã dạy cách bốc thuốc, chữa bệnh và cứu người và tạ ơn thần linh đã phù hộ cho mo cứu chữa cho người bị bệnh. Đây cũng là dịp để những người làm nghề mo đến trổ tài thi nghề, cũng là một lễ thăng bậc của các thầy mo tổ chức nhằm để mọi người biết được hàm bậc của các thầy mo; là dịp các con nuôi đến dự để trả ơn..

Thông thường cứ 3 - 5 năm một lần, vào khoảng tháng 11, 12 Âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong, hoặc vào mùa xuân (tháng 2, tháng 3 Âm lịch), các ông mo lại tổ chức lễ hội Xăng Khan. Nghi lễ ngày nay diễn ra trong 1 ngày 1 đêm, tại gian nhà khách của gia đình ông mo và không gian mở là khu vực quanh nhà ông mo đó. Để tổ chức lễ Xăng Khan, gia đình ông mo phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đồ thờ cúng (trầu cau, rượu, hoa, cuộn vải trắng, kiếm, đồng bạc…). Đặc biệt, có cây hoa thờ gọi là cây “xằng tang”, có nơi gọi là cây boọc mạy, được làm từ thân tre hoặc nứa, trên cùng là một cúp hồm đẹp, tiếp đến là từng giàn hoa gồm: dây tàng xoi, cành tàng chò nhuộm màu xanh đỏ, tím vàng xâu lại xen kẽ lẫn nhau, các con chim, con vật làm từ ruột bấc cây tang và đan kết bằng tre, nứa nhuộm màu cắm quanh cây Xằng tang.

Lễ Xăng Khan cơ bản có các nghi lễ sau:

- Lễ “Pay toọc tang” (đi tọng ruột cây tang): mo cúng báo cáo với ma nhà xin phù hộ, mang lễ vật vào rừng cúng xin thần rừng, thần núi cho phép lấy cây tang về làm cây xằng tang dâng cúng thần linh.

- Lễ đón “mo khu”, “mo bạn” (mo thầy, mo bạn): mo chủ khấn xin ma nhà được đón tiếp mo khu và các mo bạn đến giúp lễ.

- Lễ “xạc húa” (gội đầu): trước khi vào làm việc cúng tế, mọi người phải ra suối làm lễ, gội đầu, gọi là xạc húa, tẩy trần cho hồn vía được mát mẻ, khỏe mạnh, sạch sẽ, nếu không thì tổ tiên và thần linh trách phạt, việc hành lễ sẽ khó thành.

- Lễ “khạy đản” (lễ mở màn): mo khu làm lễ báo cáo tổ tiên, các ma mường trời về việc tổ chức xăng khan và mời thần linh về hưởng lễ.

- Lễ “púc xằng tang” (dựng cây xăng tang) được thực hiện vào lúc nửa đêm, các mo đứng quanh giơ kiếm, cao giọng đọc bài cúng theo điệu nhuôn, mọi người dựng cây giữa nhà, lấy các đồ vật trang trí đã chuẩn bị sẵn cắm vào cây, 3 vò rượu được cột vào phía dưới chân, để tượng trưng cho ba mường: mường phà, mường lum và mường piếng.

- Lễ bày soạn các mâm lễ: các mo đọc bài cúng cho mọi người bày soạn và đặt lên các bàn thờ, cúng xướng các thứ có trong các mâm lễ và mời các ma về hưởng lễ.

Buổi lễ có 54 muột, mỗi muột là một nghi lễ, trò diễn do mo chủ hoặc các mo bạn thể hiện, minh họa cho nội dung của nghi lễ, mô phỏng lại các hành vi của các thần linh, các ma có trong nghi lễ đó. Để chuyển muột, người ta gõ nhẹ 3 hồi 9 tiếng cồng theo lệnh của mo chủ và mô (người phụ trách công việc). Xen kẽ giữa các muột, người ta tổ chức đánh cồng, chiêng, khắc luống, boong bu, hát điệu nhuôn, xuối, lăm, khắp, múa Xăng Khan.

Vào lễ chính, các mo thực hiện các nghi lễ như: lễ bắc tôn hình (lễ cúng mời ma mường trời về dự lễ), lễ chánh tang (ca ngợi vẻ đẹp cây xằng tang và mời các ma thần linh về dự), lễ “Xơ phù xưa lắc xơn” (cúng ma núi, ma rừng), lễ “Xơ ký yên” (cúng cầu yên), lễ “nàng ò” (thử thần trứng) hay còn gọi lễ xiểng vắn (bói trứng) để thể hiện tài nghệ của thầy mo, lễ păm xăng tang (hạ cây tang).

Lễ Xăng Khan mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với sự hình thành và phát triển của tộc người Thái, do con người sáng tạo và giữ gìn trao truyền từ thời thế hệ này sang thế hệ khác và đời này qua đời khác; là nơi quy tụ tâm thức cộng đồng với vẻ đẹp của văn hoá tâm linh, văn hoá nghệ thuật và những phong tục, tập quán cổ truyền rất đặc biệt; là nơi thể hiện những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, mang tính cố kết cộng đồng rất cao của tộc người Thái, đã tạo ra một bản sắc văn hóa riêng biệt không thể lẫn lộn với bất kỳ với một dân tộc nào. Lễ Xăng Khan còn bảo lưu được nhiều nghi lễ, trò diễn dân gian, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống cộng đồng người Thái ở miền Tây xứ Nghệ, là dịp để người Thái thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với các bậc thần linh, tổ tiên và dịp để bà con dân bản tạ ơn công lao của các ông mo - những người đóng vai trò nối kết giữa đời sống thực tại của bản làng và đời sống tâm linh - nơi hiện hữu của thần sông, thần núi, thần rừng và ông bà tổ tiên.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ Xăng Khan (Kin chiêng boóc mạy) của người Thái được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL ngày 11/9/2017.

 

Dương Anh (Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website