Ngày 2 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Linga - Yoni gỗ Nhơn Thành

Linga - Yoni gỗ Nhơn Thành (số đăng ký: BTCT 4129/IIN.507) hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu:   gỗ

- Niên đại:   Văn hóa Óc Eo, Thế kỷ V

Hiện vật dài 140cm, rộng 38 - 40cm, dày 8,5 - 16cm; được chế tác từ một khối gỗ, thể hiện rõ hai phần: thân và vòi. Phần thân dạng khối hình chữ nhật, thành chạm nổi gờ vuông, nối liền qua đầu vòi bởi một đường cong mềm mại. Lòng có hai đường rãnh sâu bao quanh khối cấu trúc nổi ở trung tâm có dạng thuôn dài, nhọn đầu về phía vòi. Hai rãnh này gặp nhau và nối thông với rãnh của vòi. Phần vòi thể hiện đầy đủ đặc điểm vòi của một yoni, với dáng vuông, hơi nhỏ về đầu vòi; đầu vòi xiên vát; rãnh dẫn nước thiêng ở giữa vòi nối thông với hai rãnh ở lòng trong. Ở mặt đáy, gần cuống vòi có vết khấc lõm nằm ngang.

Đây là cách thể hiện tín ngưỡng phồn thực rất đặc biệt, sống động, rất khác với cách thể hiện loại hình sinh thực khí linga - yoni phổ biến được chế tác bằng đá sa thạc, gốm và kim loại. Linga - Yoni Nhơn Thành lại làm bằng gỗ, là trường hợp đầu tiên và duy nhất cho đến nay được tìm thấy trong Văn hóa Óc Eo nói riêng và Nam Bộ nói chung. Đặc điểm về kiểu dáng của hiện vật này có sự khác biệt với loại hình linga - yoni được cho là nguyên mẫu trong Văn hóa Ấn Độ ở chỗ phần thân (yoni) có dạng khối vuông và linga hình trụ đứng ở giữa lòng yoni hình vuông, trong khi phần thân của Linga - Yoni Nhơn Thành lại có dạng khối chữ nhật, không giống với bất kỳ loại hình linga - yoni đá dạng khối vuông: Khối linga (biểu hiện tính nam của thần Shiva) lại được tạo tác trong tư thế nằm ngang trong lòng yoni (biểu hiện tính nữ của thần Shiva) với dáng thuôn dài, một đầu nhọn hướng về phía đầu vòi cực kỳ sống động, thể hiện sự sinh sôi nảy nở trong tín ngưỡng phồn thực của người xưa. Đây là cách thể hiện linga - yoni vô cùng độc đáo, tính ngẫu hứng, biến tấu so với nguyên mẫu của cộng đồng cư dân sống trong khu vực vùng trũng của Văn hóa Óc Eo./.

 

Thuý Hà (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website