Ngày 6 tháng 7 năm 2025
Liên kết website

Lư hương gốm men lam xám, Hải Phòng

Lư hương gốm men lam xám, hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Gốm

- Niên đại: Khoảng niên hiệu Hưng Trị (1588 - 1591), đời vua Mạc Mậu Hợp

- Giá trị:

Đây là chiếc lư hương có khối hình đẹp, khá chu nguyên, là đồ gốm chỉ sản xuất đơn chiếc theo yêu cầu đặt hàng để cung tiến vào chùa Sùng Hưng, xã Trà Bồ. Do vậy, đây là hiện vật độc bản, hiện không một bảo tàng hoặc sưu tập tư nhân ở Việt Nam hay nước ngoài có chiếc tương đồng. Trong phức hợp lư hương cổ thì lư hương, chân đèn gốm của nghệ nhân Đặng Huyền Thông như một điển hình mang phong cách riêng biệt độc đáo. Các sản phẩm của ông dành cho mọi tầng lớp từ hoàng thân quốc thích đến các tầng lớp bình dân đặt làm để cung tiến vào nơi tôn nghiêm hay quốc tự, tuy có nét giống nhau nhưng không có sự trùng lặp. 

Lư hương gốm men lam xám thể hiện sự kết hợp tài tình trong khâu tạo hình với sự gần gũi của 2 dáng trống đồng Đông Sơn và trống Mường. Từ miệng đến bụng lư cho thấy hình dáng của một trống đồng Đông Sơn để ngửa; từ bụng đến chân đế lư lại cho thấy hình dáng nguyên gốc của một trống đồng Mường (Loại II, Hê Gơ). Với việc tạo hình theo kiểu 2 trống đồng một úp dưới, một ngửa trên như 2 phần âm dương hoà hợp, đồng nhất thể tạo nên một tổng thể vững chãi, song cũng thanh thoát, bay bổng đầy mỹ cảm.

Lư hương gốm men lam xám của sưu tập An Biên là một tác phẩm gốm của tác giả Đặng Huyền Thông. Qua các tài liệu khảo cứu đến nay cho biết ông là nghệ nhân (tượng nhân) làm gốm nổi tiếng thời Mạc. Ông là sinh đồ, người đã thi đỗ tam trường, làm thợ gốm, quê ở xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách (nay là xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Những thông tin về tác giả Đặng Huyền Thông không chỉ thấy trên nhiều đồ gốm của ông mà còn được khắc ghi trên tấm bia chùa An Đinh (Hải Dương) do chính ông soạn lời.

Men lam xám là loại men trong và dầy, có sắc xanh sẫm đôi khi pha lẫn màu ghi xám hay ngả vàng. Cạnh đó, ông còn sử dụng kết hợp men nâu vàng hoặc nâu đen tạo thêm sự đa dạng màu men trên sản phẩm. Chỉ riêng điều này đã cho thấy sự sáng tạo đặc biệt về loại men như tiếp nối dòng gốm men ngọc thời Lý Trần. Vì vậy, sử dụng các kỹ thuật đúc, chạm nổi, in nổi, dán ghép kết hợp với khắc chìm, loại men này đã xác lập như một dòng riêng biệt. Với loại men này đã làm cho các trang trí có độ đậm nhạt rất sinh động. Cũng từ các tác phẩm có niên đại tuyệt đối và tên tuổi của ông, trong đó có lư hương này, mà nay chúng ta có những mẫu chuẩn để so sánh, giám định cho nhiều đồ gốm khác, về loại hình, mầu men và đặc biệt là mảng đề tài trang trí phong phú thể hiện các nét riêng của một nghệ nhân gốm Việt Nam tiêu biểu, cách ngày nay hơn 400 năm.

Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy các tác phẩm gốm của Đặng Huyền Thông được sản xuất trong khoảng thời gian 12 năm cuối thời Mạc (1580 - 1592), với số lượng không nhiều nhưng cũng đủ chứng minh tài nghệ đỉnh cao của ông, một bậc kì tài, xứng đáng là ngôi sao trong lịch sử gốm sứ thời Mạc. Và cũng chính qua tạo hình và trang trí trên lư hương (hình tượng rồng), đã phản ánh giai đoạn lịch sử xã hội phong kiến triều Mạc lấy hệ tư tưởng nho giáo làm chính và các băng hoa cúc dây, sen dây, cũng như đắp nổi các chữ Hán mang đậm triết lý nhà Phật như: chữ Phật (),ịnh hương(定香), "Tuệ hương(慧香), "Giải thoát hương(解脫香), "Giải thoát tri kiến hương(解脫知見香), minh chứng vai trò của Phật giáo trong tâm thức người Việt rất quan trọng, được nhà Mạc chú trọng, chấn hưng và phát triển.                                                               

 Thúy Hà

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website