Ngày 29 tháng 3 năm 2024
Liên kết website

Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh

Chất liệu: Chum gỗ huỳnh đàn (sưa, trắc thối); Trống đồng. - Kích thước: Chum: cao 61cm; đường kính miệng 46 - 50cm; sâu lòng 54cm; đường kính bụng 68cm; đường kính lòng đáy 52cm; dày đáy 7cm; đường kính đáy 22cm. Trống: đường kính mặt 47,5cm, đường kính chân đế 44cm, cao 40cm. - Niên đại: Trống đồng: Thế kỷ II - I trước Công nguyên; chum gỗ được phân tích C14: 2.100 ± 40 năm - Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng tỉnh Bình Dương

- Mô tả tóm tắt: Chum được đục từ đoạn gỗ theo thớ ngang của một thân cây sưa có đường kính lớn hơn 100cm, có nhiều đường vân gỗ tròn đồng tâm. Chum có miệng tròn đều, vành miệng đục vát xiên, tạo một mặt phẳng hướng tâm. Mặt ngoài chum được gọt đẽo, dáng xiên và nở rộng dần ở phần tiếp xúc giữa thân và đáy. Trống: Mặt trống: tâm có hình ngôi sao 10 cánh nhọn đầu, xen giữa các cánh sao trang trí hoa văn hình lông công cách đều, cùng với hoa văn hình chữ V ngược lồng nhau, trong một hình tròn giới hạn bởi hai đường chỉ chìm nổi. Mặt trống có 7 vành hoa văn chữ N, hình vòng tròn có chấm giữa, những đường song song, hình thoi lồng nhau, hình 6 con chim bay ngược chiều kim đồng hồ. Tang trống: hoa văn bố cục theo khung, mỗi khung chia làm 2 tổ hợp. Lưng trống trang trí 06 ô cách đều, nằm đối xứng qua tâm.

- Giá trị tiêu biểu: Mộ chum gỗ nắp trống đồng là cứ liệu nghiên cứu lịch sử của vùng đất Bình Dương nói riêng và Nam Bộ nói chung. Cư dân cổ ở đây đã có kỹ thuật đục đẽo gỗ điêu luyện, cho thấy sự phát triển khá cao của nghề thủ công chế tác gỗ trong cộng đồng này. Việc sử dụng trống đồng làm nắp đậy “quan tài” bằng chum gỗ còn thể hiện sự giàu có và quyền lực của một số cá nhân trong cộng đồng nơi đây trong quá khứ và đồng thời phản ánh sự trù phú của một vùng đất.Qua táng thức phát hiện trong khu di tích Phú Chánh thể hiện sự giao lưu văn hoá giữa các vùng miền, giữa các nền văn hóa cổ đại ở Việt Nam. Mộ chum gỗ có hình thức tương đồng với mộ chum gốm của văn hoá Sa Huỳnh và trống đồng thuộc loại hình trống Đông Sơn. Mộ chum gỗ nắp trống đồng là hiện vật đặc biệt, quý hiếm và tiêu biểu cho một thời đại lịch sử trước và sau công nguyên của vùng đất Phú Chánh, Bình Dương và khu vực Đông Nam Bộ. Đây là kiểu mộ táng mới lạ được phát hiện lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam và thế giới, góp phần tạo nên những nhận thức mới về lối sống của cộng đồng cư dân từng sinh sống trong khu vực này cũng như ở Việt Nam và Đông Nam Á trong giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử./.

Liên kết website