Mộ thuyền Việt Khê
* Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Lịch sử quốc gia
* Số đăng ký: LSb.38456
* Chất liệu: Gỗ, đồng
* Kích thước: Dài: 476 cm; Rộng: 77 cm; Dày: 60 cm; Sâu: 39 cm; Cao cả nắp: 60 cm.
* Số lượng: 01 hiện vật.
* Miêu tả: Đây là loại quan tài bằng thân cây khoét rỗng, có kích thước lớn nhất trong số những ngôi mộ có quan tài bằng thân cây khoét rỗng hay còn gọi là một thuyền đã phát hiện ở Việt Nam. Chiếc quan tài tương đối nguyên vẹn, được làm từ một thân cây được khoét rỗng. Hai đầu quan tài được bịt kín bằng hai mảnh ván hình bán nguyệt. Ở mỗi đầu to mảnh ván này lắp vào đầu quan tài bằng cách buộc dây hoặc tra chốt vào lỗ mộng. Ở đầu nhỏ cũng được lắp tương tự, nhưng được đục một rãnh sâu để kìm mảnh ván cho chắc hơn.
Bên trong chứa 107 đồ tùy táng gồm chủ yếu là đồ đồng, một số là đồ gỗ và đồ da có sơn. Đó là các loại hình:
- Công cụ lao động và vũ khí chiến đầu như: rìu, giáo, lao, dao găm, kiếm, dùi, đục, giũa, …
- Đồ dùng sinh hoạt có: thố, thạp, âu, đỉnh, bình, ấm, muôi…
- Nhạc khí có: chuông đồng , trống đồng, nhạc đồng…
- Ngoài ra còn có mái chèo bằng gỗ, cán giáo, đồ gỗ sơn mài, đồ sơn trên da…
Việc phát hiện ngôi mộ thuyền Việt Khê là một hiện tượng khảo cổ học đặc biệt của cư dân Đông Sơn 2500 năm về trước.
* Hiện trạng: Nứt.
* Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, 2500 năm cách ngày nay.
* Nguồn gốc, xuất xứ: Mộ được phát hiện tại công trường đào đất Việt Khê, thôn Việt Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, 1961.
* Lý do lựa chọn:
Đây là mộ thuyền có kích thước lớn nhất, hiện trạng nguyên vẹn nhất, chứa đựng nhiều đồ tùy táng quý hiếm của văn hóa Đông Sơn: đồ đồng, đồ gỗ sơn, đồ da sơn.
- Những loại hình này đóng góp tài liệu cho việc nghiên cứu các ngành nghề thủ công truyền thống.
- Là nguồn tài liệu quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử hình thành giai cấp trong xã hội Đông Sơn.
- Mộ thuyền Việt Khê đã được trưng bày trong hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đã được công bố trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học.
(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)