Ngày 19 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Mộ và nhà thờ ba vị Tiến sĩ: Trần Thọ, Trần Cảnh, Trần Tiến (họ Trần Điền Trì), tỉnh Hải Dương

Nhà thờ họ Trần Điền Trì là thiết chế văn hóa gắn với một trong những dòng họ khoa bảng và hiếu học nổi tiếng ở đất xứ Đông xưa - Hải Dương ngày nay; Là nơi thờ tự, tôn vinh, tưởng niệm ba vị Tiến sĩ: Trần Thọ, Trần Cảnh, Trần Tiến và cụ Thượng tổ họ Trần cùng những người thân, nhân vật có công với dòng họ đất nước.

Ba Tiến sĩ dòng họ Trần đã có nhiều đóng góp, cống hiến to lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục và ngoại giao.

Tiến sĩ Trần Thọ là vị quan đầu triều thanh liêm, hai lần đi sứ, góp công đòi lại đất bốn châu biên giới đã bị nhà Thanh lấn chiếm (Bảo Lạc, Vị Xuyên, Thủy Vĩ và Quỳnh Nhai). Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú đánh giá Trần Thọ là một trong số các nhà bang giao giỏi của triều Lê.

Tiến sĩ Trần Cảnh vẫn tiếp tục nếp nhà, giữ lối sống thanh bần của một vị quan liêm khiết.“Khi nắm quyền, ông coi thiên hạ là trách nhiệm của mình, nghĩ trước lo sau hết lòng vì họ, việc gì đáng làm thì làm ngay, không cầu danh tiếng, dân lành đội ơn”. Tư liệu lịch sử cho biết, thấy địa phương còn nhiều đất chưa cấy cày, dân lưu vong trở về, cần chiêu dụ để họ lo việc nông trang, Trần Cảnh đã khởi tấu lên triều đình và chiêu mộ dân ly tán các huyện khai hoang, lập ấp ở một số xã dọc triền sông Kinh Thầy, từ Nam Sách, Chí Linh, Kinh Môn (Hải Dương) đến Đông Triều (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng) ngày nay, được Vua Lê phong chức Hải Dương khuyến nông sứ. Trên cơ sở dạy dân làm ruộng và trồng cấy, ông đã biên soạn bộ sách Minh Nông chiêm phả được coi là bộ sách khoa học nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Tiến được đánh giá là người “thuần hậu, khiêm nhường, chân chất, thật thà, cần kiệm; thẳng thắn mà ôn hòa, khoan dung mà chừng mực; hòa nhã mà không lấn lướt …”. Ông chính là tác giả Đăng khoa lục sưu giảng, Cát Xuyên thi tậpNiên phả lục. Trong đó, tác phẩm Niên phả lục hiện lưu giữ tại nhà thờ họ tuy hình thức là ghi chép về các đời của dòng họ, nhưng lại có giá trị hết sức to lớn về văn học, chứa đựng những nguồn sử liệu cũng như các sự kiện lịch sử ghi chép đầy đủ, chính xác đến từng ngày, từng giờ, từng địa điểm, số quân, thuyền bè, súng ống, diễn biến chiến sự, góp phần bổ sung cho chính sử nước nhà những năm giữa thế kỷ XVIII.

Ba vị Tiến sĩ dòng họ Trần Điền Trì còn được vinh danh bằng hình thức khắc tên, ghi danh trong bia Tiến sĩ tại Văn miếu Quốc Tử Giám và được triều đình Phong kiến thời hậu Lê ban tặng nhiều sắc phong (hiện nay còn lưu giữ được 33 đạo sắc phong).

Thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của ba vị công thần triều Lê - Tiến sĩ Trần Thọ, Trần Cảnh, Trần Tiến giúp chúng ta hiểu hơn về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, thi cử, quân sự, ngoại giao… vào thế kỷ XVII - XVIII trong lịch sử dân tộc.

Tại nhà thờ họ Trần Điền Trì, nơi thờ ba vị Tiến sĩ, còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật như biển hiệu Ân tứ vinh quyÂn tứ Trí sĩ do vua Lê Hiển Tông ban năm 1748, khi cha con Trần Cảnh, Trần Tiến vinh quy bái tổ, 01 hòm sắc, 01 mâm đài, 06 đôi câu đối thời Nguyễn thế kỷ XIX - XX; 13 tấm bia, 06 khuyển đá... có niên đại thời hậu Lê và thời Nguyễn, đặc biệt là 33 đạo sắc phong và 01 cuốn Niên phả lục niên đại thế kỷ XVII, XVIII ghi chép một cách cụ thể và rõ ràng về nội dung lịch sử đương thời. Việc xây dựng nhà thờ năm 1718 trên nền nhà của Tiến sĩ Trần Thọ, Trần Cảnh cùng với việc gìn giữ được các di vật, cổ vật nêu trên được xem là những nguồn sử liệu hết sức quan trọng để minh chứng về mối quan hệ của ba vị Tiến sĩ với quê hương, đất nước.

Di tích được xây dựng tại trung tâm thôn Trực Trì, trên một khu đất cao, mặt tiền quay về hướng Tây, gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, Tiến tế, Nhà bia, Nhà thờ, Công trình phụ.

Nghi môn được xây dựng kiểu hai tầng mái, các góc uốn cong, bao quanh là hệ thống tường bao xây bằng gạch với chức năng giới hạn không gian trang nghiêm cho nơi thờ tự.

Sau nghi môn là một khoảng sân rộng lát gạch vuông màu đỏ. Bên tả là nhà bia, nơi lưu giữ 13 tấm bia đá có niên đại vào thời hậu Lê và thời Nguyễn.

Tòa Tiền tế 5 gian được phục dựng phỏng theo kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ XIX), chất liệu chính bằng bê tông cốt thép, được xây cao hơn so với mặt sân khoảng 30cm. Trang trí nội thất của tòa nhà tập trung tại gian trung tâm. Tại đây, các đồ thờ tự như bát hương, lục bình, mâm bồng... được bài trí ngay ngắn, gọn gàng trên nhang án.

Tiếp sau Tiền tế là Hậu cung 3 gian, nền cao 70cm. Không gian giữa Tiền tế và Hậu cung giới hạn bằng một khoảng sân. Tại đây, bài trí ba khám thờ kiểu án thư, chất liệu gỗ, chính giữa là khám thờ ba vị Tiến sĩ Trần Thọ, Trần Cảnh và Trần Tiến. Hai bên là khám thờ cụ Thượng tổ họ Trần và những người thân, nhân vật có công lao với dòng họ, với đất nước

Phía trước và sau đầu hồi tòa Tiền tế và Hậu cung được bài trí sáu khuyển đá (chó đá) có niên đại vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX) tạc nguyên khối, hai chân trước thẳng, hai chân sau quỳ xuống, mặt ngẩng lên, cổ đeo chuông, chia theo từng cặp trong thế chầu vào với ý nghĩa là thần gác cửa, trấn tà ma, mang lại điềm lành và sự may mắn.

Với những giá trị tiêu biểu trên, Mộ và nhà thờ ba vị Tiến sĩ: Trần Thọ, Trần Cảnh, Trần Tiến (họ Trần Điền Trì), tỉnh Hải Dương được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 31/QĐ-BVHTTDL ngày 07/01/2020./

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website