Ngày 22 tháng 12 năm 2024
Liên kết website

Mộc bản trường học Phúc Giang

Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á -Thái Bình Dương (MOWCAP) tổ chức tại Cố đô Huế tháng 5 năm 2016, đã ghi danh "Mộc bản trường học Phúc Giang " là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á -Thái Bình Dương.

Mộc bản trường học Phúc Giang là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX, tại trường học Phúc Giang, làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, trấn Nghệ An, hiện là làng Trường Lưu, xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Mộc bản được đánh giá cao ở các tiêu chí sau:

Tính xác thực

Khối mộc bản gồm 379 bản, được khắc chữ Hán ngược để in 3 tập sách giáo khoa kinh điển (gồm 12 quyển): Tính lý toản yếu đại toàn, Ngũ kinh toản yếu đại toàn và Thư viện quy lệ.

Chất liệu ván in với tuổi thọ/niên đại và các dấu hiệu về phong cách, kỹ thuật tạo tác khẳng định tính xác thực của chúng. Hình thức trình bày phong phú lưu giữ bút tích, ấn triện, gia huy riêng biệt, khẳng định bản quyền...

           Tính xác thực của Mộc bản trường học Phúc Giang cũng có thể kiểm chứng đối chiếu qua các sắc phong của triều Lê và triều Nguyễn, cũng như hồ sơ khoa học xếp hạng di tích gắn với các danh nhân: Nguyễn Huy Tự (năm 1991), Nguyễn Huy Hổ (năm 2001), Nguyễn Huy Quýnh (năm 2005), Nguyễn Huy Oánh (năm 2006), Nguyễn Huy Vinh (năm 2006), Nguyễn Huy Cự (năm 2009), Nguyễn Uyên Hậu (năm 2011) và Nguyễn Huy Tựu (năm 2012). Ngoài ra, Mộc bản trường học Phúc Giang cũng có thể được đối chiếu qua các tài liệu chính sử của triều Nguyễn như: Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí và các sách chuyên khảo như Lịch Triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch.

Ý nghĩa quốc tế

Mộc bản trường học Phúc Giang là tập tư liệu gốc, duy nhất do các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy cùng đội ngũ thợ khắc tạo ra từ giữa thế kỷ XVIII. Đây là tập tư liệu về giáo dục và văn hóa của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam. Trên cơ sở tham khảo, tóm tắt và bổ sung các sách kinh điển của Nho giáo, các thầy giáo dòng họ Nguyễn Huy đã biên soạn và khắc in các tập sách, phục vụ việc dạy và học của trường học Phúc Giang. Tính độc đáo, duy nhất của tập tư liệu này thể hiện ở các điểm sau:

- Chữ viết trên mộc bản là chữ Hán ngược. Chữ Hán là chữ viết có tính quốc tế cao và được dùng chính thức trong hệ thống nhà nước ở các nước đồng văn thời bấy giờ. Chữ viết trên ván khắc đẹp, thanh thoát, với nhiều dạng chữ như: Lệ thư, Thảo thư, giản tự, dị tự, tục tự, cổ tự, chữ kiêng húy…hàm chứa nhiều giá trị.

- Nội dung tư liệu mộc bản phong phú được chắt lọc từ tinh hoa Nho giáo, văn hóa giáo dục của khu vực, kết hợp nhuần nhuyễn với văn hóa bản địa, các soạn giả đã bổ sung nhiều tư liệu của Việt Nam, như phần lịch sử các triều đại Việt Nam từ thời Đinh đến thời Trần cùng với các nhận xét, đánh giá các vị vua. Một số tư tưởng của Khổng giáo đã được tiếp thu có phê phán, ví như trong Kinh Xuân Thu, Trịnh Bá thì đề cao việc hiếu với mẹ trên đất nước, nhưng với Nguyễn Huy Oánh thì lại đặt sự hiếu đất nước lên trên. Mộc bản trường học Phúc Giang là minh chứng cho việc kế thừa và phát huy Nho giáo.

- Sức lan tỏa ở Việt Nam: Năm 1759, một năm sau khi các bộ sách được khắc in, Nguyễn Huy Oánh được cử làm Tư nghiệp (Hiệu phó) Quốc Tử Giám, sau thăng Tế tửu (Hiệu trưởng). Các tư liệu in từ Mộc bản trường học Phúc Giang đã được ông dùng để giảng dạy tại đây và góp phần không nhỏ vào việc đào tạo nhân tài góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam. Về sau, thời nhà Nguyễn, các tài liệu này còn được các thế hệ sau của dòng họ Nguyễn Huy, điển hình là Nguyễn Huy Tá, phó Đốc học (Hiệu phó) Quốc Tử Giám ở kinh thành Huế dùng làm tài liệu dạy học.

 Các tác giả chính của mộc bản như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự đều giảng dạy cho các vua chúa tại kinh đô và tạo ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của quốc gia và khu vực vào thời kỳ đó.

- Với các nước trong khu vực đồng văn: các đánh giá, nhận xét về các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy được lưu giữ qua các bức đại tự của vua quan nhà Thanh tặng cho Nguyễn Huy Oánh (Đẩu Nam tuấn dự - Ngôi sao Đẩu của nước Nam), Nguyễn Huy Tự (Võ khố hùng lược - Văn võ toàn tài)…cũng như qua thơ văn trao đổi giữa Nguyễn Huy Oánh với sứ thần Cao Ly và Nhật Bản, qua đánh giá của triều Lê khi cử Nguyễn Huy Oánh tiếp sứ thần nhà Thanh năm 1761…

 Đặc biệt, khi soạn sách giáo khoa, các soạn giả đã tham khảo 9 bộ sách của nhiều danh sĩ, các tác gia văn học, trong đó có 3 người từng đi sứ Trung Hoa: Nguyễn Tông Quai, Vũ Khâm Thận và Đỗ Huy; góp phần đào tạo được 5 sứ thần nổi tiếng: Nguyễn Duy Hoành, Ngô Thì Nhậm, Lê Hữu Dụng  Đỗ Huy Diễn  và Nguyễn Đường, làm tăng cường các mối quan hệ trong sự nghiệp bang giao giữa Việt Nam và Trung Hoa.

Tính quý hiếm

Mộc bản trường học Phúc Giang là khối tư liệu duy nhất về giáo dục, văn hóa của một dòng họ còn lưu giữ bút tích các danh nhân. Đây là các tư liệu gốc giúp nghiên cứu hệ thống giáo dục, văn hóa, kinh tế, xã hội…của Việt Nam trong giai đoạn lịch sử giữa thế kỷ XVIII. Các mộc bản ngoài giá trị về nội dung thông tin, bản thân các mộc bản trải qua thời gian hơn 250 năm tồn tại, với bao biến cố của thời gian, chiến tranh, thiên tai…đã trở thành những cổ vật quý giá.

 Mộc bản với những dấu triện, gia huy, thư pháp, hình thức, ngôn ngữ, chất liệu gỗ…là tư liệu quý cung cấp thông tin thuộc nhiều lĩnh vực: văn bản học, giáo dục học, in ấn, mỹ thuật...

Hiện tại, Mộc bản trường học Phúc Giang còn có sức lôi cuốn các nhà nghiên cứu ở các nước đồng văn:

- Phương pháp soạn sách giáo khoa của các thầy giáo dòng họ Nguyễn Huy  phù hợp với trình độ giáo dục đương thời và vẫn còn có ý nghĩa kinh nghiệm cho việc biên soạn tài liệu giáo dục hiện nay.

- Là hiện vật quý hiếm, cho phép các nhà nghiên cứu tìm hiểu về nhiều lĩnh vực như: giáo dục, văn hóa, nghề in, kỹ mỹ thuật chạm khắc, đời sống kinh tế - xã hội của một vùng quê xa kinh thành…

- Mộc bản là minh chứng cho sự du nhập của Nho học vào Việt Nam, được biến đổi phù hợp với nền giáo dục của Việt Nam đương thời và cũng là tư liệu gốc để nghiên cứu đánh giá về giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Trung Hoa, qua việc tiếp thu và phát triển các sách giáo khoa kinh điển của Nho gia cho việc giáo dục ở Việt Nam, đồng thời, cũng là tư liệu để so sánh với sự tiếp thu Nho giáo và giáo dục Nho học của các nước đồng văn như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Mộc bản Mộc bản đang được bản quản tại tư gia dòng họ Nguyễn Huy - Can Lộc. Ảnh: tác giả

 

Các tiêu chí khác:

Mộc bản trường học Phúc Giang được khắc từ năm 1758 tới năm 1788, gắn với 3 thế hệ cha con, ông cháu, anh em gồm 5 danh nhân như: Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự và được sử dụng liên tục cho việc dạy và học của hàng ngàn thầy giáo và học sinh qua gần 3 thế kỷ (XVIII – XX). Ngoài ra, Mộc bản trường học Phúc Giang còn cho biết sự tham gia hoạt động giáo dục của một số người khác, đều là các nhà chính trị, danh nhân văn hóa, các tác phẩm của họ đã được Nguyễn Huy Oánh tham khảo khi soạn sách Ngũ kinh toản yếu đại toàn như: Tiến sĩ Nguyễn Tông, Tiến sĩ Trần Trọng Liêu, Tiến sĩ Vũ Khâm Thận, Tiến sĩ Vũ Công Trấn, Tiến sĩ Đỗ Huy Kỳ…

Mộc bản được khắc từ gỗ của cây thị đực lâu năm (hiện vẫn còn ở làng Trường Lưu) đặc tính cứng, ít bị mối, mọt, không bị giòn gẫy, cong vênh, có chiều dài 25cm - 30cm, rộng 15cm - 18cm và dày khác nhau từ 1cm - 2cm, tùy theo loại trang, nếu là tên sách thì dày và rộng hơn. Mỗi bản để lề trên và dưới là 1cm - 1,2 cm, lề phải và trái 1cm, khi gập lại đóng quyển sẽ được 2 trang liền kề (tức 1 tờ 2 mặt) theo kiểu sách thời xưa. Thợ khắc là các thợ từ làng nghề Hồng Lục, Liễu Chàng, xứ Hải Dương (nay thuộc xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương).

Hình thức, phong cách trình bày đa dạng và phong phú về kích cỡ dài, rộng và dày; các trang trong sách cũng khác nhau tùy theo bản gỗ đó được in các tư liệu khác nhau như bài tựa, bạt, trang mở đầu kết thúc, mục lục, chính văn…phản ảnh đầy đủ hình thức của những cuốn sách cổ ở khu vực đồng văn Đông Á.

Trường Lưu với các giá trị di sản vật thể, di sản phi vật thể tiêu biểu và di sản tư liệu đang tiềm ẩn, nếu được sự quan tâm của các cấp quản lý và sự chung tay của cộng đồng địa phương sẽ thực sự là điểm đến hấp dẫn đối với giới nghiên cứu, khách tham quan trong nước và quốc tế./.

Liên kết website