Ngày 26 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng

Ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng (Số đăng ký: BTTB 1728/G), hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thái Bình, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Gỗ, sơn son thếp vàng

- Niên đại: Thế kỷ XVII

Ngai cao 1,45cm, dài 92cm, rộng 92cm, được chạm khắc công phu, tinh xảo. Đây là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và kỹ thuật chạm khắc trên loại hình đồ thờ làm bằng gỗ thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVII. Ngai được kết cấu bởi 4 phần chính: tay ngai, thân, bệ và đế ngai.

Ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng lưu giữ tại Bảo tàng Thái Bình là hiện vật gốc độc bản, là một kiệt tác nghệ thuật chạm khắc gỗ Việt Nam nói chung và Lê Trung hưng nói riêng. Ngai thờ có hình thức độc đáo, kích thức lớn, được sơn son thếp vàng với nhiều đề tài phong phú, sinh động với hình tượng rồng chủ đạo trên tất cả các mảng trang trí, với những đồ án "long ẩn vân", "lưỡng long chầu nhật", "lưỡng long chầu hoa cúc", "trúc hóa long". Ngoài đề tài rồng, ngai thờ còn chạm khắc nhiều chủ đề về hoa văn hoa lá (hoa sen cách điệu, hoa cúc, hoa chanh, hoa trúc,…), đao mác, ngọc báu, vân mây lửa, linh thú,… là những đề tài mang đậm yếu tố của nghệ thuật Phật giáo và Nho giáo, phản ánh đúng chức năng thờ tự của cỗ ngai thời bấy giờ.

Về kỹ thuật điêu khắc: cỗ ngai thể hiện trình độ chạm khắc gỗ điêu luyện, có sự phối kết hợp giữa kỹ thuật chạm lộng, trổ thủng, chạm bong kênh,…đường chạm khắc sắc xảo, chau chuốt, bố cục chặt chẽ, cùng với kỹ thuật sơn son thếp vàng đã làm nên một tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị trong kho tàng điêu khắc gỗ Việt Nam./.

 

Thúy Hà

 Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa

Liên kết website