Ngày 20 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Nghệ thuật múa rối nước

Nhắc tới nghệ thuật múa rối nước ở Thái Bình không thể không nhớ tới 2 phường rối nước là phường rối nước xã Nguyên Xá (tiền thân là phường rối nước làng Nguyễn) và phường rối nước cổ truyền xã Đông Các (tiền thân là hội rối nước làng Đống).

Sân khấu dùng nước làm nơi quân rối diễn trò, đóng kịch là đặc điểm độc đáo của nghệ thuật múa rối nước. Nước chính là yếu tố vừa cản trở, vừa hỗ trợ, vừa phối hợp, vừa cộng mình với quân rối. Nước còn là một nhân vật, chứ không đơn thuần chỉ là môi trường, khung cảnh. Nước giấu kín trong lòng nó tất cả những bí ẩn của trò rối, đó là các máy điều khiển quân rối hoạt động. Sân khấu múa rối nước cổ truyền không có phông cảnh trang trí, dùng ngay tấm mành cửa buồng trò làm phông hậu. Các nghệ nhân cũng có khi quét màu và vẽ rồng phượng như kiểu mành thờ. Trên sân khấu này thường có những đạo cụ dựng sẵn như cây đu cho trò đánh đu, bụi cây cho trò chăn vịt đánh cáo. Tô điểm cho sân khấu rối nước còn có thêm hàng lan can, hai nhà nanh (hay lầu nhỏ) hai bên cửa buồng trò, lá cờ, cái lọng, cái tàn của trò bật cờ, cổng chào (hay cửa sóc) của trò rồng hành mã, lân phun khói. Các vật này đều được bố trí ở hai bên hoặc ra ngoài sân khấu để tránh vướng cho các máy sào hoạt động.

Buồng trò, nhà rối hay Thủy đình múa rối là nơi các nghệ nhân đứng giấu mình sau mành che điều khiển quân rối, là một công trình xây dựng kiên cố giữa các ao hồ, nằm hài hòa trong bố cục xây dựng của toàn bộ khu vực chùa, đền,... Các quân rối vào ra sân khấu đều được đưa qua mành che bằng cách đi ngầm dưới chân rồi nổi lên hoặc hé mành đi ra.

Quân rối là một loại “diễn viên” giúp người xem lĩnh hội được nội dung tư tưởng và tình cảm của tiết mục. Các quân rối được tạc rất khéo, vừa giàu tính hiện thực, vừa mộc mạc trữ tình. Đó là những pho tượng nhỏ bằng gỗ, sơn đủ các màu dân tộc. Nổi bật là quân rối Tễu. Kho tàng quân rối nước còn có những người đi cày, chăn vịt, đánh cá, lấy củi, chèo thuyền khỏe mạnh; những tay đô vật lực lưỡng; các chị dệt cửi, giã gạo xay thóc chất phác, cần cù; ông già bà lão tóc bạc da mồi hiền hậu; vũ nữ duyên dáng; các em nhỏ ngộ nghĩnh, nghịch ngợm; cô gái đánh đu áo mớ ba, thắt lưng hoa đào hoa lý, yếm thắm khăn hồng, tóc đen vấn đuôi gà, khuôn mặt tròn đầy; các tên giặc gian ác; con trâu to, bò béo, ngựa khỏe; đàn vịt con xinh xắn; đàn cá đông đúc; những con lân mông tròn vai nở; con rồng, con phượng uyển chuyển, uy nghi.

Điểm đặc biệt của phường rối Đông Các là các nghệ nhân trong phường tự tạo hình, chế tác được quân rối, còn phường rối nước Nguyễn thì phải thuê nơi khác chế tác, còn công việc sơn thếp thì tự phường rối làm. Chế tác quân rối thường chia ra làm từng phần riêng như tạc gỗ, sơn thếp, làm máy và lắp máy. Mỗi phần một người làm nhưng phần lắp máy bao giờ cũng do người trong phường làm lấy để giữ bí mật.

Quân rối nước ngày nay được làm bằng gỗ vàng tâm, gỗ dổi vừa nhẹ, dễ nổi trên mặt nước lại ít bị ngấm nước, mối mọt, hư hỏng. Mỗi phường rối nước lại có một số quân rối có kích thước đặc biệt như phường Nguyễn có quân rối Tễu cao trên 90cm, 2 con cá lớn dài 1m15, cô tiên cao 85cm. Quân rối nước gồm hai phần liền nhau: phần thân và phần đế. Thân là phần nổi trên mặt nước, lộ cho người xem thấy. Đế là phần chìm dưới mặt nước, giữ cho quân rối nổi và là nơi lắp máy điều khiển.

Máy điều khiển quân rối chia làm hai loại: máy sào và máy dây. Máy sào còn được gọi là máy cứng, máy ngang, máy kìm,trước kia là một cây sào tre hoặc gỗ dài khoảng 3 - 4m, đầu có bộ phận làm chuyển động quân rối và các bộ phận trong thân hình nó, nay phường Nguyễn còn dùng thêm ống nước bằng nhựa để làm máy sào.

Máy dây hay máy mềm, máy dọc thay cây sào bằng một dây chão, dây thép căng trên đầu một hệ thống cọc đóng ngầm từ buồng trò ra sân khấu (có khi cả ngoài sân khấu). Các nghệ nhân còn gọi dây chão này là dây nọc căng một vòng quanh hệ thống cọc, hai đầu buộc vào bàn máy để các nghệ nhân đứng trong buồng trò kéo đưa bàn máy đưa trò ra sân khấu.

Người biểu diễn múa rối nước gồm 2 nhóm: nhóm điều khiển con rối ở buồng trò, ngâm mình dưới nước phía sau phông, thông qua hệ thống sào, dây...; nhóm các nhạc công, nghệ sỹ hát, diễn trình lời thoại ngồi phía bên cạnh buồng trò để giới thiệu, đọc lời thoại cho mỗi tiết mục biểu diễn.

Các tiết mục biểu diễn rối nước chủ yếu là trò, hoạt cảnh và tích trò chỉ chiếm một phần nhỏ. Tiết mục nào cũng ngắn gọn, ít kịch tính, hầu hết phản ánh chân thực cuộc sống đời thường của người nông dân: làm ruộng, câu cá, dệt cửi, xay thóc; những thú vui: đấu vật, đánh kiếm, leo cây, đánh đu, múa lân, múa tứ linh,...; những sự tích lịch sử, những tấm gương yêu nước thương dân của các vị anh hùng dân tộc... Các trò thường đứng tách riêng. Nhiều trò rối xư­a đã thành một cụm trò như trong nhóm tứ dân: Trò canh, đi cầy, đi bừa, đi cấy, đi cuốc, đập đất; Trò ngư­: đàn cá, cá lớn, úp nơm, kéo vó, quăng chài, đi câu.

Mỗi phường rối đều tìm được những thế mạnh riêng trong từng tiết mục để chinh phục người xem. Phường rối nước làng Nguyễn vẫn từng tự hào có chú Tễu lớn nhất trong các phường (cao 0,9m) mà trẻ trung, hồn nhiên, nhịp nhàng dẫn truyện trên mặt hồ. Phường rối làng Đống lại tự hào là có chú Tễu như một chàng trai làm ruộng béo tròn phốp pháp; mình trần vận khố, áo treo trễ tràng, cổ đeo khánh bạc, tóc để trái đào, da dẻ hồng hào, miệng cười tươi, trông thật ngộ nghĩnh. Theo giới nghiên cứu về nghệ thuật múa rối thì đây là hai quân rối Tễu đẹp nhất của sân khấu múa rối nước và của cả ngành múa rối truyền thống Việt Nam hiện còn lại.

Múa rối nước là nghệ thuật của hội hè làng xóm, là sáng tạo bí truyền của từng phường, từng hội, từng nghệ nhân - chứa đựng và lưu giữ nhiều hoạt động xã hội, truyền thống, kỹ thuật dân gian, sinh hoạt tinh thần vật chất của nhân dân trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Nghệ thuật múa rối nước cho thấy sự đa dạng trong sáng tạo nghệ thuật, cùng xuất hiện ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, mang những đặc điểm chung của văn hóa vùng, nhưng rối nước mỗi phường lại có những nét độc đáo khác nhau. Múa rối nước mang trong mình cả phong tục, tập quán, về sự hình thành các nghề thủ công như nghề mộc, chạm, điêu khắc, tạo hình… Múa rối nước thể hiện sự cố kết, tương trợ lẫn nhau trong mọi hoạt động của cuộc sống, là chất keo kết dính mọi người lại gần nhau hơn, sống tốt đẹp hơn.

Với giá trị tiêu biểu, Nghệ thuật múa rối nước được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL ngày 04/9/2018.

 

Dương Anh (Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website