Ngày 2 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông Hoa (tỉnh Điện Biên)

Hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông Hoa tại bản Cổng Trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà rất đa dạng, độc đáo. Trang phục truyền thống của họ mang vẻ đẹp đặc trưng với các họa tiết hoa văn rực rỡ được phối màu hài hòa, bằng các gam màu ấm là đỏ, hồng, cam, vàng xen lẫn một số ít hoa lá màu xanh lá cây, trắng trên nền vải chàm đen; tuy nhiên, đỏ tươi là màu chủ đạo. Theo thời gian, chất liệu tạo nên hoa văn trên bộ trang phục truyền thống người Mông Hoa đã và đang có nhiều thay đổi nhưng nghệ thuật tạo hoa văn cơ bản vẫn được gìn giữ, lưu truyền trong cộng đồng.

Theo quan niệm của người Mông, là con gái thì phải biết se lanh, dệt vải, thêu thùa, đó cũng là tiêu chuẩn để lấy chồng. Với bản tính cần mẫn, người phụ nữ luôn tranh thủ thời gian nông nhàn để se lanh, dệt vải, vẽ hoa văn, may trang phục cho mình và cho người thân trong gia đình theo cách truyền thống được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nghệ thuật tạo hoa văn thể hiện ở việc vẽ thêu, chắp, ghép hoa văn, tạo sóng cho váy, chắp may trang phục; dệt dây quấn xà cạp. Các mô típ hoa văn cơ bản giống nhau, chỉ khác đôi nét thể hiện ở giới tính, lứa tuổi, thành phần. Trang phục của cô dâu có: áo, váy, yếm, khăn bằng vải lanh dệt kẻ ô đen, trắng; giầy, thắt lưng, phụ trang, xà cạp kèm dây buộc xà cạp riêng xà cạp qui định làm bằng vải lanh dệt màu trắng. Trang phục chú rể giống trang phục thường ngày gồm quần, áo, thắt lưng, khăn nhưng là khăn đen quấn xếp tròn trên đầu không có hoa văn. Trang phục trẻ em nam, nữ giống của người lớn, trẻ em có thêm mũ đội đầu. Trang phục thầy mo giống thường phục có khăn đội đầu màu đen, lúc hành lễ thày mo chùm kín mặt, không có hoa văn. Đặc biệt, trang phục nổi bật nhất là váy của phụ nữ Mông, có hình nón cụt, phần eo hông bó sát, phần thân váy xòe rộng do kỹ thuật xếp nếp sóng váy độc đáo, thân váy được trang trí bằng hoa văn vẽ từ sáp ong, ghép vải màu với những hoạ tiết bậc thang, đan chéo... Hoàn thiện bộ trang phục nữ, người phụ nữ Mông làm tranh thủ phải mất cả năm, nếu làm liên tục thì 3 tháng mới xong. Trang phục người Mông Hoa trước đây được làm bằng vải lanh, nay nghề trồng lanh dệt vải đã mai một, do đó, đồng bào dùng vải dệt công nghiệp nhưng cách tạo hoa văn, thêu, trang trí các hoạ tiết hoa văn vẫn theo lối truyền thống.

Y phục của người Mông Hoa ở phần thân váy, chân váy và ở cổ, nẹp cổ, tay, gấu sau áo, tạp dề thường được thêu, ghép, chắp, nẹp các họa tiết hoa văn.

Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông Hoa thể hiện bằng kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong, thêu, ghép vải và phối màu giữa các bộ phận của trang phục một cách hài hòa. Sáp ong được sơ chế, đông khô để dùng lâu dài. Khi sử dụng, sáp được đặt lên bếp cho nóng chảy, dùng các loại bút vẽ chấm vào sáp vẽ hoa văn lên vải. Khi vẽ người vẽ đếm sợi vải chia đều thành 10 - 12 ô vuông theo chiều dài tấm vải. Đoạn đầu trên cạp váy và dưới đoạn nối thổ cẩm phải kẻ đường thẳng, vẽ từ dưới lên trên, đầu tiên vẽ các vạch chéo trước, chia các vạch chéo thành những cánh hoa, kẻ hình tam giác, trôn ốc…

Vẽ hoa văn xong, chờ sáp vẽ khô và đem đi nhuộm chàm nhiều lần rồi phơi khô ở chỗ có gió nhưng dâm mát. Vải được nhuộm từ cao cây cang do người dân tự làm. Khi vải khô đem luộc qua nước sôi. Sáp ong gặp nhiệt độ cao sẽ tan hết và để lộ ra những đường trắng trên vải, tạo thành những hoa văn trắng trên sắc nền chàm xanh. Vải vẽ sáp ong, nhuộm chàm thường được sử dụng làm mặt địu, xếp nếp làm thân váy nối với chân váy được thêu thổ cẩm, trang trí các họa tiết hoa văn rực rỡ.

Hoa văn được thêu bằng chỉ màu đỏ, hồng, cam, xanh lá mạ theo đồ án đã in sâu vào tiềm thức, trí nhớ người phụ nữ. Người Mông không thêu đè lên các sợi vải mà luồn chỉ theo mắt sợi hay gọi là thêu lát vì vải lanh dệt thưa rõ mắt sợi và thêu đường thẳng, đường rích rắc theo cách thêu chéo mũi, thêu ở mặt trái nhưng các hoạ tiết lại nổi lên trên mặt phải của vải tạo nét mềm mại mang sắc thái riêng biệt. Các họa tiết hoa văn được cách điệu hóa dưới dạng hình bông hoa, ô chéo, chữ nhật, ô vuông, móc câu, chữ thập, đường thẳng, hình thoi, hình con sên, đặc biệt  hình chữ nhật xen kẽ những dải hoa thêu lớn và đường thêu rích rắc hình núi với nhiều biến dạng phong phú.

Ngoài thêu tạo hoa văn, người Mông Hoa còn có kỹ thuật chắp, ghép, can vải màu. Người Mông có kỹ thuật đáp vải rất tinh xảo gọi là "đáp vải ngược", nghĩa là mảnh vải đáp được cắt thành các hoạ tiết rồi đáp lên y phục để lộ màu nền bên dưới cùng màu sắc và kỹ thuật thể hiện, các mô típ hoa văn trở nên vô cùng tinh tế, bố cục chặt chẽ, hòa sắc rực rỡ và mang tính đặc trưng riêng.

Váy của phụ nữ còn được chiết nếp tạo sóng váy bằng cách dùng kim to khâu 6 – 7 đường chỉ chắc luồn qua thân váy đã xếp nếp rút chặt và đem hấp khoảng 30 phút trên chảo nước sôi, sau đó đem phơi khô, rút chỉ.

Theo thống kê, có 80 họa tiết trên trang phục người Mông Hoa thì 50 họa tiết gắn với các truyền thuyết dân gian. Hoa văn trên trang phục truyền thống người Mông Hoa phản ánh một phần thế giới hiện thực, những tư duy hiểu biết về thiên nhiên và xã hội; thể hiện triết lý sống, óc sáng tạo, trình độ mỹ thuật và giàu chất trí tuệ. Kỹ thuật vẽ sáp ong và hoa văn trên trang phục người Mông thể hiện phong cách riêng biệt, đặc sắc, không hề lẫn với trang trí của các tộc người khác.

Với giá trị tiêu biểu, Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông Hoa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL ngày 11/9/2017.

 

Dương Thị Anh (Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website