Ngày 26 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Nghi lễ Kin Pang Then của người Thái trắng

Trong các bản của người Thái thường có một vài người làm thầy mo, thầy cúng, thầy bói (được gọi là Mo, Một, Then). Thầy mo, thầy cúng có thể là do học thuộc những bài cúng, cách cúng bái rồi sau đó hành nghề, nhưng đa số được đồng bào quan niệm là do được nhập hồn làm thầy mo, then. Họ là những nông dân bình thường, khi có người cần giúp họ sẽ đi thực hành nghi lễ; làm Một hay làm Then không phải muốn mà được, mà do được thần linh, tổ tiên, tổ nghề lựa chọn và những người này phải chấp nhận làm nghề, nếu không sẽ ốm đau dài ngày, không khỏi được.

Người Thái trắng có 2 loại thầy mo: Một và Then (có thể là đàn ông hoặc phụ nữ). Khi thực hành nghi lễ, Một cần một người thổi sáo trợ giúp (pí Một) trong quá trình tiếp xúc với thần linh, đi tìm các linh hồn lạc, lời cúng được nói bình thường. Then khi thực hành nghi lễ cần có đàn tính (có thể tự gảy hoặc do một người đàn ông trợ giúp), một người phụ nữ lắc quả nhạc (mák hính) liên tục, lời cúng theo thể loại hát then.

Then của người Thái trắng thuộc tất cả bài cúng các loại ma, biết một số cây thuốc chữa bệnh, biết hát Then và đối đáp giỏi,… Họ được coi như người của trời (Then), được cử xuống trần gian để cứu người trần khỏi ốm đau, bệnh tật, được dân bản tín nhiệm, biết làm phép thuật, có khả năng giao tiếp với thần linh, với các lực lượng siêu nhiên.

Khi Then cúng khỏi ốm cho người bệnh, những người bệnh này xin được nhận làm con nuôi. Then chữa khỏi bệnh cho nhiều người, làm nghề lâu năm, có uy tín, càng có nhiều con nuôi. Định kỳ, hàng năm hoặc 2-3 năm/lần Then tổ chức lễ cúng và gặp mặt các con nuôi vào một ngày nhất định đầu năm mới (khoảng từ mùng 3 - 10 Tết), không tổ chức sau rằm tháng Giêng vì họ quan niệm sau Rằm trên mường trời mọi người cũng phải đi làm không xuống dự lễ được. Lễ cúng đó gọi là lễ Kin Pang Then (lễ cúng mừng con nuôi).

Để tổ chức nghi lễ tại nhà, Then lựa chọn và ấn định ngày, với sự tham gia của 2 người giúp việc: Báo Khỏa, Sao Chay; các con nuôi, họ hàng, con cháu trong gia đình, dòng họ và người dân trong bản.

Trong nhà Then, bên cạnh bàn thờ tổ tiên (Clọ hóng), Then còn lập bàn thờ Then (Hỉnh một) có 3 tầng: tầng trên cùng gác các đồ Then dùng trong quá trình đi tìm hồn và nhiều đồng bạc (ngân kăm) làm bằng các vòng tre; tầng giữa thể hiện tầng trần gian, có 2 bát hương, 2 nhà gỗ nhỏ của làng bản; tầng dưới cùng có 2 nhà gỗ nhỏ là nhà của Then và chuồng ngựa của Then, cũng là nơi để những chiếc áo của người đến xin cúng, khi nào khỏi bệnh, người nhà sẽ mang lễ vật đến tạ ơn và lấy áo về. Khi chuẩn bị làm lễ Kin Pang Then, Then sẽ trang trí lại bàn thờ. Khi làm lễ, Then mặc trang phục truyền thống của người Thái, quấn một chiếc thắt lưng, đội mũ vải thêu hoa văn rực rỡ; có túi đồ nghề gồm: răng nanh lợn rừng, hòn đá cuội đen, mẩu nam châm nhỏ, dao nhọn hoặc thanh kiếm, quạt giấy, quả nhạc, gương, khăn mặt…

Ngày tổ chức nghi lễ, người nhà Then chuẩn bị các mâm lễ để cúng như: mâm lễ cúng ở bàn thờ tổ tiên do chủ nhà tự sắp xếp và đưa vào gian thờ tổ tiên, với thịt lợn được làm chín, xếp thành hình con lợn đang nằm hoặc một đôi gà nếu bố mẹ Then còn sống và các lễ vật khác; mâm lễ cúng Then ở bàn thờ Then gồm: (1) mâm cúng do người nhà và Then sắp xếp, (2) mâm lễ cúng tổ nghề (Pan cai – các vị thần linh trên trời) để cúng cầu cho các con nuôi do Then và người giúp việc bày lễ, trong đó có gạo, vòng bạc, trứng gà, răng nanh lợn rừng, gương, chén đựng rượu và nước, bung thóc cho ngựa của Then ăn khi đi đường, nước cho ngựa uống, rượu, chén, nước, trầu cau, điếu và thuốc lào cho Then dùng trên đường đi, bộ đồ cúng của Then.

Chuẩn bị lễ vật và sắp xếp mâm lễ xong, Then bắt đầu làm lễ. Lúc này, các con nuôi cũng bắt đầu đến đặt lễ (người ở xa có thể đến từ đêm hôm trước).

Đầu tiên là lễ cúng tổ tiên. Nếu bố mẹ Then còn sống, Then không được phép cúng tổ tiên mà phải nhờ bố của Then đến cúng hộ. Nếu bố mẹ Then không còn, Then được tự mình cúng cho bố mẹ, tổ tiên. Lễ cúng để xin phép tổ tiên cho được tổ chức lễ Kin Pang Then, cho phép mời Then và các vị thần linh trên trời về vui chơi, hưởng lễ. Khi Then cúng, vợ (chồng) Then và các con ngồi quì sau lưng, cúng xong, con cháu cùng với Then cúi lạy tổ tiên, sau đó Then quay mặt lại để các con cháu tạ lễ Then.

Tiếp đến là lễ cúng mời Then về dự lễ. Thầy Then cùng Sao Chay, Báo Khỏa lên Mường Trời mời Then và các vị thần linh trên trời xuống vui chơi và hưởng lộc của các con nuôi. Lễ cúng này được thực hiện trước bàn thờ Then và mâm lễ Pan Cai. Đường đi lên trời rất vất vả, qua nhiều con đường, sông, suối… nên khi Then hát, Báo Khỏa (ngồi bên trái của Then) đánh đàn tính, Sao Chay (ngồi bên phải Then) lắc quả nhạc liên tục để trợ giúp cho Then trong quá trình lên Mường Trời. Bài hát cúng miêu tả quá trình lên mường trời của Then, mời Then và tất cả mọi người trên mường trời xuống dự lễ. Lời hát của Then lúc trầm, lúc bổng, có lúc rất mệt nhọc, có lúc rất vui vẻ…thể hiện các trạng thái cảm xúc của Then trong quá trình đi mời.

Sau khi cúng mời được Then và các vị thần linh trên trời về dự lễ, Then bắt đầu cúng cho các con nuôi. Các con nuôi đến, sắp lễ và dâng nơi bàn thờ Then, trên sàn nhà, theo thứ tự, Then lần lượt cúng cho từng người một. Lễ vật của con nuôi được chia làm hai loại:

- Con nuôi mới được 1 - 2 năm dâng lễ vật gồm 1 đôi gà hoặc 1 con gà và 1 miếng thịt lợn, 1 con cá nướng, 2 gói cơm (hoặc xôi), 2 chiếc bánh chưng, 1 chai rượu, 1 sải vải trắng hoặc đỏ có đính tua rua ở 2 đầu khăn để vừa tặng Then làm lễ vừa dùng làm đạo cụ khi múa.

- Con nuôi từ 3 năm trở lên dâng ít nhất là 1 con gà, 2 gói cơm (hoặc xôi), 2 chiếc bánh chưng, 1 chai rượu.

Trong mỗi mâm lễ không thể thiếu các sợi chỉ được se lại để Then làm phép cầu may cho các con nuôi. Nếu con nuôi khá giả có thể đặt thêm nhiều lễ.

Các mâm lễ này được đặt dưới sàn nhà, trước gian thờ Hỉnh một. Then cùng Báo Khỏa, Sao Chay ngồi quay lưng lại bàn thờ Then, quay mặt về phía các con nuôi để thực hiện nghi lễ.

Đầu tiên, Then cúng cho vợ (chồng), các con của Then (cũng đều là các con bệnh được Then chữa khỏi), sau đó lần lượt đến các con nuôi khác. Then hát cúng cầu cho vợ, các con khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt, nuôi được nhiều gia súc, gia cầm trong tiếng đàn tính của Báo Khỏa và lắc nhạc của Sao Chay. Buổi trưa, Then nghỉ cúng, sắp mâm mời các con nuôi và bà con dân bản ăn trưa, chuẩn bị cho các trò chơi cộng đồng. Ăn xong, mọi người tham gia các trò diễn miêu tả các hiện tượng tự nhiên, hoạt động lao động sản xuất để cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, đồng thời tạo không khí vui vẻ, phấn khởi cho những người tham gia nghi lễ như: trò mưa đá dùng hạt bông tung lên, trò ong đốt, trò cày ruộng, trò chặt cây hái nấm. Then là chủ trò, có sự trợ giúp của Báo Khỏa, Sao Chay và sự tham gia nhiệt tình của các con nuôi, dân bản.

Buổi chiều, Then tiếp tục cúng cho các con nuôi. Buổi tối, mọi người cùng ăn cơm, uống rượu cần và tham gia các điệu múa nghi lễ gọi là Xe then, như: múa khăn, múa quả nhạc (mák hính), múa chọi gà (tó cáy), múa tăng bu, xòe vòng.

Ngày tiếp theo, Then tiếp tục cúng cho các con nuôi, con nuôi nào đến lúc nào cúng lúc đó. Then nào nhiều con nuôi thì lễ cúng có thể kéo dài tới 3 - 4 ngày. Khi cúng hết cho các con nuôi, Then quay vào bàn thờ Then cúng tiễn Then và các vị các thần linh về trời, kết thúc nghi lễ Kin Pang Then.

Nghi lễ Kin Pang Then là một nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Thái trắng, cầu mong những điều tốt đẹp cho con người, làng bản; tái hiện cuộc sống hàng ngày, lao động sản xuất của con người qua các trò diễn để cầu mưa thuận gió hòa và làm Then và các vị thần linh được vui. Nghi lễ Kin Pang Then phản ánh đời sống tín ngưỡng phong phú, quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan, nguồn gốc tộc người của người Thái. Nghi lễ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người, liên kết và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng như: nghệ thuật múa, nghệ thuật tạo hình thông qua việc chuẩn bị các đồ cúng tế, đạo cụ của nghi lễ, ẩm thực, trang phục…; là dịp con cháu trong gia đình, họ hàng nội ngoại, bà con dân bản được cùng nhau vui chơi, hòa vào nhịp trống chiêng, múa xòe, liên hoan đón một vụ mùa mới, góp phần cố kết cộng đồng.

Với giá trị tiêu biểu, Nghi lễ Kin Pang Then của người Thái Trắng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2726/QĐ-BVHTTDL ngày 30/9/2020.

Dương Anh

(Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website