Ngày 20 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Pả Dung của người Dao

Pả Dung của người Dao ở xã Phúc Chu (huyện Định Hóa), xã Yên Ninh (huyện Phú Lương), tỉnh Thái Nguyên, có nghĩa là ca hát. Pả Dung là hình thức sinh hoạt văn nghệ phổ biến, có thể hát vào bất cứ thời gian nào, lời ca chủ yếu hình thành và tồn tại dưới dạng cấu trúc thơ, thể thơ thất ngôn.

Trong Pả Dung, một bài hát thường gồm 4 câu, mỗi câu 7 chữ; hai câu hợp lại thành một ý, hai ý trọn vẹn là một bài, khi hát có thể nhấn nhá, dùng từ đệm để kéo dài câu hát. Giai điệu cơ bản giống nhau, nhưng với mỗi làn điệu khác nhau lại được diễn xuất với giọng điệu, âm hưởng khác nhau để trở nên mượt mà, mềm mại, êm ái, tha thiết hay khoẻ khoắn, hùng tráng… Nội dung của lời hát rất phong phú và hấp dẫn, từ những hiện tượng tự nhiên: mây, mưa, trăng, gió, cỏ cây, núi đồi đến các sự kiện lịch sử, xã hội, câu đố, lời chào… nói lên tâm trạng và nguyện vọng của con người. Pả Dung truyền khẩu tự nhiên trong cộng đồng và được ghi chép lại trong các sách nghi lễ.

Do những mục đích và hoàn cảnh khác nhau, Pả Dung được chia thành nhiều thể loại: hát trong sinh hoạt (hát ru, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, hát than...); hát trong nghi lễ (hát trong lễ cấp sắc, tết nhảy, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng...).

- Pả Dung trong sinh hoạt hàng ngày: chủ yếu dựa vào tài “ứng tác” của người hát, tùy từng hoàn cảnh, đối tượng khác nhau mà một chủ đề hát có những câu từ, lời ca khác nhau. Không gian diễn xướng phong phú khi hát, trong các ngày hội xuân, lúc đi chợ, lên nương...thường vào lúc nông nhàn, khi xuân sang, Tết đến. Họ hát theo từng nhóm, giữa hai người với nhau hoặc tự hát, hát dọc đường đi, con trai hát theo về đến nhà con gái. Câu hát trao gửi yêu thương hay những kinh nghiệm về cuộc sống, đề cao tinh thần lao động, đạo đức, lẽ sống, phép ứng xử, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu đôi lứa..., thể hiện chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Dao. Lối hát trong sinh hoạt được thể hiện mềm mại, bay bổng và dịu ngọt; những câu hát được gửi gắm cả tâm tình của người hát.

- Pả Dung trong các nghi lễ: người Dao có những bài hát phải học thuộc để thực hiện trong các nghi lễ cùng với thanh âm của tiếng chuông. Những câu hát, giai điệu của hát tín ngưỡng theo quy tắc, chuẩn mực rõ ràng, nội dung giảng giải về nguồn gốc tổ tiên dòng họ như: kể về sự tích Bàn Vương, quá trình thiên di gian nan, vất vả của người Dao cũng như tinh thần đấu tranh bất khuất của họ trong việc chinh phục thiên nhiên, chống ngoại xâm, khuyên răn đạo lý…phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Hát trong nghi lễ được coi là một nhịp cầu gắn kết thế giới con người với thế giới thần linh. Tại nhà một số thầy cúng còn lưu giữ những cuốn sách ghi chép các bài hát được truyền lại: trong lễ cấp sắc, nghi lễ đám cưới, hát đố, hát kể chuyện và một số bài hát đối đáp khác. Các thầy cúng là những người trực tiếp tham gia vào quá trình hành lễ, hát cúng. Lời hát trang nghiêm, mục đích chính là gửi lời cầu nguyện của con cháu tới tổ tiên và các vị thánh thần đến chứng kiến buổi lễ.

Trong lễ Cấp sắc hoặc nghi lễ Tết nhảy, người Dao hát theo sách “Phàm chiệp lụa tận”, tức "Ba mươi sáu khúc ca", mỗi khúc là những câu thơ có vần điệu với những nội dung khác nhau. Khách đến xem hát chúc mừng gia đình làm lễ cho con cháu và cho người thụ lễ. Khi đêm xuống, những người đến xem lễ hình thành cuộc hát đối đáp, số lượng người không hạn chế. Nội dung các bài hát rất đa dạng, tùy chủ đề, thường hát từ khoảng nửa đêm đến trưa hôm sau mới kết thúc, các bài hát như Mặt trời mọc, Hát về Bàn vương (Bàn Vương xướng), Thần Nông xướng, về âm dương… Lời hát đối đáp không theo khuôn mẫu mà do mỗi bên tham gia tự ứng tác để đối đáp với nhau, chủ đề gắn với lịch sử tộc người, các sự vật hiện tượng hay đời sống sinh hoạt của người Dao.

Pả Dung trong đám cưới được hát theo trình tự, do ông mối và đại diện họ nhà trai hát với đại diện họ nhà gái. Bắt đầu hát từ các cửa ải mà nhà gái tạo ra để thử thách nhà trai, trước khi vào nhà cô dâu, khi trình lễ vật cho nhà gái, lúc làm lễ bản mệnh cho cô dâu, lễ hợp duyên, lễ bái tổ, khi đưa cô dâu về nhà chồng và làm lễ tơ hồng. Người Dao dùng câu hát để mời nhau uống rượu, ăn cỗ, chúc nhau những lời tốt lành trong mâm cơm gia đình với những người khách đến mừng đám cưới, không gian có thể ở nhà trai hoặc nhà gái.

Lời hát mừng nhà mới gồm những ca từ vui tươi, đằm thắm chúc mừng gia chủ giỏi giang, biết làm ăn; chúc cho gia đình, họ hàng, làng bản mọi người đều mạnh khỏe, yên vui và làm ăn phát đạt.

Hiện nay, bên cạnh các bài Pả Dung truyền thống có thêm sáng tác lời mới dựa trên các làn điệu truyền thống. Pả Dung có sức sống mãnh liệt, không thể tách rời trong quá trình hình thành, phát triển và phản ánh hiện thực đời sống xã hội của cộng đồng người Dao trong các giai đoạn lịch sử. Pả Dung được sáng tạo và có sức lan tỏa sâu rộng, tạo thành một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, riêng có của  người Dao.

Thông qua các làn điệu Pả Dung, người Dao gửi gắm các cung bậc tình cảm của mình, là cầu nối không thể thiếu trong mọi cuộc giao duyên. Lời ca Pả Dung là sự đúc kết những mong ước tốt đẹp của người Dao về mùa vụ, thời tiết, đồng thời, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, làng bản, con người, tình yêu đôi lứa, răn dạy cách sống, lối sống… góp phần cố kết, san sẻ tâm tình, yêu thương trong cộng đồng.

Với giá trị tiêu biểu, Pả Dung của người Dao được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL ngày 30/10/2018.

 

Dương Anh (Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website