Phù điêu Apsara Trà Kiệu, Đà Nẵng
Phù điêu Apsara Trà Kiệu, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chất liệu: Sa thạch
- Niên đại: Thế kỷ X
- Giá trị:
Phù điêu Apsara Trà Kiệu là hiện vật duy nhất thể hiện hình ảnh Apsara được tìm thấy khu đền tháp Trà Kiệu và đưa về Bảo tàng Chăm năm 1918. Đây là bức phù điêu còn tương đối nguyên vẹn, trên mỗi mặt có chạm nổi hình một Apsara và một nhạc công. Về bố cục, cũng như các chi tiết trang trí, y phục, búi tóc, khuôn mặt và dáng điệu của các Apsara được xem là điển hình cho phong cách nghệ thuật Trà Kiệu và không giống với bất cứ bức phù điêu nào khác có cùng chủ đề được thấy cho đến nay trong điêu khắc Champa.
Phù điêu Apsara Trà Kiệu có hình thức độc đáo, một trong những tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ nhất trong điêu khắc Champa thể hiện hình tượng vũ nữ. Các Apsara có thân hình cân đối, gợi cảm trong tư thế múa hài hòa và tuyệt đẹp về mặt thẩm mỹ. Một nét đặt trưng khác trên bức phù điêu này là ở phía sau các Apsara và nhạc công được chạm khắc những cánh hoa sen cách điệu tạo thành những đường kỷ hà sắc nét làm tôn thêm vẻ đẹp của tác phẩm.
Phù điêu Apsara Trà Kiệu là đỉnh cao của việc sử dụng cơ thể con người làm phương tiện biểu đạt nét tinh tế, sống động mang tính đặc trưng cơ bản của nghệ thuật điêu khắc Champa. Thông qua việc miêu tả hình ảnh chân thực Apsara trên bức phù điêu, tín ngưỡng phồn thực được đề cao. Apsara Trà Kiệu đã trở thành hình tượng nghệ thuật luôn gây sự chú ý và niềm cảm hứng mãnh liệt cho các nhà nghiên cứu và biên đạo múa. Phù điêu Apsara Trà Kiệu thật sự là kiệt tác của nền nghệ thuật Champa và nó trở thành tài liệu quý cho việc nghiên cứu, phục dựng lại hình thái múa trong điêu khắc Champa.
Vào những năm đầu của thế kỷ XX, một số học giả người Pháp bắt đầu quan tâm đến di tích Trà Kiệu. Cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên tại di tích này do Jean Yves Claeys thực hiện đã mang lại những kết quả to lớn, cùng với những dấu vết kiến trúc của một tòa thành cổ là hàng trăm tác phẩm điêu khắc quý giá đã được phát hiện. Nổi bật lên từ những tác phẩm thuộc giai đoạn này là một kiệt tác khá quen thuộc Phù điêu Apsara Trà Kiệu. Đây là tác phẩm có bố cục hoàn chỉnh và giàu tính nghệ thuật. Các đường nét điêu khắc hết sức tinh tế, sống động và phong phú, điển hình cho một bước phát triển phong cách nghệ thuật trong điêu khắc Champa. Dựa trên các chi tiết trang trí, y phục, búi tóc, khuôn mặt, dáng điệu của các Apsara và nhạc công thể hiện trên hai mặt của phù điêu các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nhận định tác phẩm có niên đại vào khoảng thế kỷ X, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Trà Kiệu muộn (theo cách phân loại của Trần Kỳ Phương) hoặc phong cách Mỹ Sơn A1 (theo phân loại của Phillipe Stern năm 1942 và Jean Boisselier năm 1963)./.
Thúy Hà
(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)