Sưu tập cột kinh Phật thời Đinh, Ninh Bình
Sưu tập cột kinh Phật thời Đinh, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Ninh Bình, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chất liệu: Đá
- Niên đại: Thế kỷ X
- Giá trị:
Sưu tập cột kinh Phật thời Đinh gồm 49 hiện vật, với 29 số kiểm kê đều là hiện vật gốc, có thể coi là loại hình độc bản với đặc trưng riêng, số lượng ít, hiếm trong hệ thống bi ký, hiện vật văn khắc đá nói chung hiện còn. Các hiện vật được phát hiện trong quá trình lao động sản xuất, khai quật khảo cổ học, điều tra sưu tầm, kiểm kê di tích, di vật trên phạm vi địa bàn xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Hình thức độc đáo của cột kinh thời Đinh không chỉ ở kích thước, mà còn ở cách kết cấu và cấu trúc, thể hiện sự khéo léo trong phong cách và tư duy thẩm mỹ tạo hình. Kỹ thuật tạo tác độc đáo: phương pháp ghép mộng, gắn kết không sử dụng chất phụ gia.
Tạo hình các chi tiết cho thấy sự khéo léo, tư duy thẩm mỹ của người thợ tạc đá đương thời. Cột kinh tạo tác bằng đá, do đó sự tác động của thời gian và hành vi của con người dễ dàng dẫn tới những tác động không nhỏ đến các bộ phận của cột kinh. Tuy nhiên, sự toàn vẹn (một cách tương đối) của một cột kinh được tạo tác khá hoàn chỉnh về tỷ lệ, thế dáng và kết cấu đã tạo nên một phong cách riêng trong kỹ thuật tạo tác và tư duy thẩm mỹ. Bên cạnh hình thức cấu tạo từ các hình khối, minh văn chữ Hán khắc trên cột kinh cũng cho thấy sự khéo léo của người thợ, trải qua nhiều thế kỷ, nét chữ khắc trên cột kinh vẫn khá sắc nét, mềm mại.
Cột kinh Phật thời Đinh do Nam Việt vương tạo dựng để cầu chúc cho Đại Thắng Minh Hoàng đế, cầu siêu cho em trai là Đinh Hạng Lang, là lời cầu thọ, cũng có thể được xem như lời sám hối của bản thân Đinh Khuông Liễn. Trải qua hơn 1.000 năm, sưu tập cột kinh Phật thời Đinh là hiện vật có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa. Minh văn trên cột kinh là văn bản chữ Hán - đến nay là nguồn sử liệu thành văn duy nhất được lập dưới triều Đinh hiện còn. Bản thân văn tự chữ Hán trên cột kinh không chỉ ghi chép sự kiện lịch sử, mà còn phản ánh, minh chứng cho sự phát triển của chữ viết ở thế kỷ X. Sử liệu học hiện đại chia sử liệu thành hai loại chính là sử liệu vật thật và sử liệu thành văn. Cột kinh Phật thời Đinh có thể xếp vào cả hai loại hình sử liệu này. Nội dung minh văn khắc trên cột kinh cung cấp nhiều thông tin lịch sử quý giá, liên quan đến các vấn đề về tôn giáo, quan hệ xã hội, chế độ ban cấp ruộng đất thời Đinh.., nhiều trong số đó chưa từng được phản ánh trong nhiều tài liệu thư tịch khác.
Với niên đại tạo tác hơn 1.000 năm, ghi chép, phản ánh những thông tin lịch sử đương thời, trong bối cảnh tài liệu về Phật giáo Việt Nam thế kỷ X hiện còn lại rất ít, cột kinh Phật thời Đinh là tài liệu vô cùng quý, hiếm. Đây chính là bi ký có niên đại sớm nhất của thời kỳ Phong kiến tự chủ hiện còn./.
Thúy Hà
(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)