Ngày 4 tháng 7 năm 2024
Liên kết website

Sưu tập đàn đá Khánh Sơn, Khánh Hòa

Sưu tập đàn đá Khánh Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Khánh Hoà, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Đá Rhyolite porphyre.

- Niên đại: Khoảng 2.500 - 3.000 năm cách ngày nay.

- Giá trị:

Sưu tập đàn đá Khánh Sơn (A & B) là hiện vật gốc, độc bản và được phát hiện tại bản địa vùng cực Nam Trung Bộ và phụ cận trung du Nam Tây Nguyên. Đá Rhyolite porphyre có mặt tương đối nhiều ở khu vực vùng Khánh Sơn và phân bố trải rộng đến huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) và một phần của tỉnh Lâm Đồng; xa hơn nữa là khắp vùng Đông Nam Á đều có đá này. Nhưng cho đến nay, việc phát hiện ra đàn đá có chất liệu đá Rhyolite porphyre chỉ có ở khu vực cực Nam Trung Bộ, Việt Nam (nếu tính cả các bộ bị mất và bị vỡ) thì đã tìm thấy 06 bộ đàn đá, tổng số là 45 thanh đá. Trong khi đó, các nước có chất liệu đá tương tự như đàn đá Khánh Sơn vẫn chưa phát hiện được bộ đàn đá nào. Điều này cho phép khẳng định bộ đàn đá Khánh Sơn là độc bản và được chế tác tại bản địa.

Đàn đá Khánh Sơn là bộ phận nhạc khí loại “thanh” bằng đá, được kết hợp thành một bộ nhạc khí tổng hợp nhiều thanh theo một thang âm cố định, gồm 12 thanh (ký hiệu từ A1 đến A6 và B1 đến B6) và có thể chia ra làm 02 bộ, mỗi bộ gồm 06 thanh; điều đặc biệt là 2 bộ này khi ráp lại thì tương thích thang âm của một bộ đàn đá lớn 12 thanh cũng là đầu tiên, duy nhất ở Việt Nam.

Việc phát hiện đàn đá Khánh Sơn tại vùng núi Khánh Sơn của tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hoà) là phát hiện quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật. Hội đồng khoa học nghiên cứu đàn đá Khánh Sơn của Bộ Văn hóa và Thông tin đã công bố kết quả nghiên cứu ngày 12/9/1979 tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Sau thời gian công bố phát hiện trên, đàn đá Khánh Sơn đã được trình diễn vào các dịp đặc biệt và các sự kiện quan trọng của đất nước như: Ngày Quốc khánh, tiếp các đoàn ngoại giao và khách quý của Đảng và Nhà nước khi đến thăm và làm việc tại Việt Nam, như: Liên Xô, Cộng hoà Dân chủ Đức, Bungari, Tiệp Khắc, Pháp, Campuchia, Lào… Các đoàn khách quốc tế đều có cảm tưởng tốt và lòng cảm phục đối với truyền thống văn hoá - văn minh lâu đời của nhân dân ta; đồng thời, tán thưởng về sự phát hiện, kết quả của công tác nghiên cứu khoa học và sáng tạo nghệ thuật trên bộ đàn đá của văn nghệ sĩ nước nhà lúc bấy giờ.

Từ khi phát hiện bộ đàn đá Khánh Sơn, lần đầu tiên ở Việt Nam, bộ đàn đá được nghiên cứu về mặt khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và đồng thời nghiên cứu ứng dụng thực nghiệm khoa học, khả năng sử dụng trực tiếp đàn đá cho sáng tạo văn học nghệ thuật. Với bộ nhạc khí này, hiện nay, người ta có thể tấu lên một số điệu dân ca quen thuộc của các dân tộc ở Tây Nguyên và có thể sáng tác những giai điệu mới, những bản nhạc mới theo phong cách Tây Nguyên; hoặc có thể phối hoà âm theo quy luật thẩm mỹ riêng theo truyền thống Tây Nguyên ngày nay.

Chính vì vậy, bộ đàn đá Khánh Sơn rất có giá trị về mặt khoa học, lịch sử và âm nhạc học, góp nhiều cứ liệu khoa học về cách phát huy, sử dụng đàn đá, làm giàu thêm nhiều màu sắc âm thanh và nâng cao chất lượng nghệ thuật của các sáng tác âm nhạc và đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ thưởng thức âm nhạc trong xã hội đương đại./.

                                                                                    Thúy Hà

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website