Ngày 5 tháng 12 năm 2024
Liên kết website

Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai, Đắk Lắk

Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/ 01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Phác vật mũi khoan

Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/ 01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Đá opal, silex, phtanite.

- Niên đại: Niên đại: 4.000 - 3.000 năm cách ngày nay.

- Giá trị:

Sưu tập gồm 250 hiện vật, trong đó có 200 mũi khoan hoàn chỉnh và 50 phác vật mũi khoan, được sưu tầm trực tiếp tại di tích Thác Hai (xã Ia J'lơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) qua khai quật khảo cổ học, có tầng văn hóa nguyên vẹn và đã được kiểm tra niên đại. Đây là sưu tập đặc biệt quý, được làm từ các loại đá opal, silex, phtanite có độ cứng cao, với một trình độ kỹ thuật chế tác rất tinh xảo. Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai là một trong số ít những sưu tập mũi khoan hiếm hoi được phát hiện ở Việt Nam.

Là một trong năm địa điểm phát hiện được mũi khoan ở Việt Nam, tuy nhiên sưu tập mũi khoan đá ở Thác Hai lại có những đặc điểm khác biệt hẳn so với các sưu tập ở bốn địa điểm còn lại. Trong khi các mũi khoan ở Bãi Tự, Tràng Kênh, Bãi Bến và Ba Vũng còn ở dạng phác vật, hoặc chỉ được ghè đẽo, tu chỉnh và có kích thước khá lớn, chủ yếu dùng trong kỹ thuật khoan tách lõi, thì những mũi khoan ở Thác Hai lại có kích thước nhỏ nhắn, ghè tu chỉnh và mài toàn thân rất trau chuốt, với mục đích sử dụng để khoan xuyên tâm, chế tác hạt chuỗi. Có thể nói rằng, trong giai đoạn Hậu kỳ Đá mới ở cả Việt Nam và Đông Nam Á, sưu tập mũi khoan đá Thác Hai thực sự là những hiện vật độc đáo, hiếm lạ chưa từng gặp.

Trong tổng thể di tích, di vật phát hiện ở Thác Hai, sưu tập mũi khoan bằng đá giữ vị trí nổi bật, góp phần quan trọng trong việc nhận thức về đặc trưng cũng như giá trị của di chỉ này. Sự xuất hiện với số lượng lớn của mũi khoan cùng với các hiện vật khác đi kèm như hạch đá, mảnh tước, vẩy tước, phác vật, phế vật… là bằng chứng rất rõ ràng về một chuỗi chế tác (la chaine opératoire) hoàn chỉnh từ đá nguyên liệu cho tới sản phẩm cuối cùng là mũi khoan. Trước khi phát hiện tại Thác Hai, ở Tây Nguyên mới chỉ tìm được các công xưởng chế tác rìu, bôn, lại được chia thành công xưởng sơ chế và công xưởng hoàn thiện, trong khi đó, ở Thác Hai là một quy trình hoàn chỉnh từ đá nguyên liệu cho tới thành phẩm.

Không chỉ cung cấp bằng chứng về một quy trình chế tác, mà sưu tập mũi khoan đá Thác Hai còn minh chứng cho sự phát triển đỉnh cao về kỹ thuật chế tác đá ở Tây Nguyên giai đoạn Hậu kỳ Đá mới. Có thể nói, ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, không có công xưởng chế tác công cụ sản xuất nào có sản phẩm là mũi khoan như Thác Hai, với sự hiện diện của đầy đủ các kỹ thuật chế tác đá, từ ghè đẽo, tu chỉnh ép cho tới mài, cưa, đánh bóng… Chính điều này là nền tảng để cư dân Thác Hai tiếp thu các thành tựu mới về kỹ thuật của thời đại để tiếp tục phát triển là một trung tâm thủ công của khu vực này vào giai đoạn Sơ kỳ Sắt sớm.

Bên cạnh những giá trị về mặt khoa học kỹ thuật, sưu tập mũi khoan đá Thác Hai còn là nguồn tư liệu quý để tìm hiểu về mạng lưới buôn bán, trao đổi và giao lưu văn hóa ở Tây Nguyên trong giai đoạn Tiền - Sơ sử. Đặc điểm của sưu tập mũi khoan đá Thác Hai là hầu hết chưa qua sử dụng, do đó, nó chính là sản phẩm để xuất đi nơi khác. Điều này gợi mở khả năng tìm hiểu về mạng lưới trao đổi giữa các công xưởng chế tác đá trong thời Tiền - Sơ sử ở Tây Nguyên nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Dọc theo dòng sông Ea H'leo, các nhà khảo cổ đã nhận diện được một số địa điểm có đá nguyên liệu, mảnh tước, thậm chí có cả mũi khoan… có nét tương đồng với Thác Hai, mở ra khả năng về sự có mặt của một hệ thống công xưởng tồn tại dọc theo sông Ea H'leo, cung cấp sản phẩm cho các địa điểm Tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh ở phía ven biển phía Đông và các địa điểm khảo cổ ở phía Tây Campuchia. Trong bối cảnh đó, di chỉ Thác Hai với sưu tập mũi khoan đá nổi lên như một điển hình, một trung tâm thủ công nghiệp của thời đại, với những minh chứng rõ ràng về một công xưởng lớn chế tác mũi khoan đá tại chỗ./.

                                                                                        Thúy Hà

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website