Sưu tập nha chương
Sưu tập nha chương (số đăng ký: BTPT-1481, 4084, 4431, 4432) hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chất liệu: Đá ngọc Nephrit
- Niên đại: Văn hóa Phùng Nguyên, cách ngày nay khoảng 3500 năm.
Sưu tập nha chương gồm 4 chiếc:
Chiếc 1: dài 35,7cm; rộng lưỡi 12,2cm; dày 0,5cm, trọng lượng 400g; có màu trắng ngà, được mài nhẵn, thân dài, có hai lỗ cách đều nhau, hai bên đốc và thân có mấu hình chữ V, lưỡi mài vát một mặt, lõm. Lỗ khoan cách đầu đốc 2cm, có đường kính là 0,8cm. Hai lỗ khoan cách nhau 3,3cm. Đốc nha chương có một dấu cưa, phần đốc dài 6cm, đốc rộng 8,9cm. Thân có vết lõm dài 5cm, rộng 1cm.
Chiếc 2: dài 20cm; rộng 7,4cm; dày 0,6cm, trọng lượng 190g; được làm bằng đá xám xanh lơ, mài nhẵn bóng toàn thân, đốc hẹp hơn thân và lưỡi. Đốc hình chữ nhật, phần thân gần đốc hình chữ nhật, phần gần lưỡi xòe rộng, lệch, mài vát sang một bên, khiến cho mặt cắt của lưỡi là chữ V lệch, giữa thân và đốc có hai cặp mấu ở hai bên.
Chiếc 3: dài 32cm; rộng 7,6cm; dày 0,7cm, trọng lượng 280g; được làm bằng đá ngọc màu trắng, vân màu hồng, thân thẳng, rìa lưỡi cong tròn giống hình đuôi cá. Toàn thân được mài bóng, không có vết ghè đẽo. Lưỡi mài vát một mặt, lõm giữa.
Chiếc 4: dài 64,2cm; rộng 11cm; dày 0,6cm, trọng lượng 580g; có màu trắng xanh, xen lẫn vân vàng Phần đốc hình chữ nhật, có lỗ ở giữa. Phần lưỡi được mài vát một bên, tạo rãnh giữa, chia lưỡi thành 2 ngạnh giống như hình đuôi cá. Giữa đốc và lưỡi có hai mấu nhô ra hai bên. Rìa cạnh hai mấu có các rãnh đối xứng nông, sâu khác nhau, chạy dọc giữa đốc và thân nha chương.
Cả 4 nha chương (vũ khí hình chiếc răng) đều được phát hiện trong hố khai quật khảo cổ học và người dân tìm thấy trong khi đào đất làm gạch hay làm vườn tại các di chỉ khảo cổ học Văn hóa Phùng Nguyên. Dù có sự khác nhau chút ít về kiểu dáng, nhưng đều thống nhất về phong cách, về chất liệu (đá ngọc), về kỹ thuật chế tác (đẽo, mài, cưa, khoan, gọt,…), về loại hình (nha trương) đều chứng minh là sản phẩm của một nền văn hóa nổi tiếng thời Tiền - Sơ sử của nước ta - Văn hóa Phùng Nguyên. Nha chương là loại hình hiện vật chỉ tìm thấy trong các di chỉ của nền văn hóa này quanh khu vực Đền Hùng (Phú Thọ). Người thợ thủ công của Văn hóa Phùng Nguyên hội đủ được các công đoạn của kỹ thuật chế tác đá, đặc biệt là kỹ thuật mài bóng không để lại vết ghè đẽo trên bề mặt và tạo ra tai đơn, tai kép, hình đuôi cá đơn, kép. Theo các nhà nghiên cứu, Nha chương là một loại hình hiện vật biểu tượng cho quyền lực thời Hùng Vương dựng nước./.
Thúy Hà (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)