Ngày 26 tháng 12 năm 2024
Liên kết website

Sưu tập vàng lá Châu Thành, Trà Vinh

Sưu tập vàng lá Châu Thành, Trà Vinh, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu chính: Kim loại vàng

- Niên đại: Văn hóa Óc Eo - giai đoạn muộn: Thế kỷ VII - IX.

- Giá trị:

Sưu tập hiện vật lá vàng có chạm khắc (gồm 9 hiện vật) là hiện vật gốc, được phát hiện tại di tích chùa Lò Gạch qua công tác khai quật khảo cổ học, có tính chất tiêu biểu cao, tính độc đáo nổi bật thuộc truyền thống Văn hóa Óc Eo. Các hiện vật vàng lá có chạm khắc hình voi và hoa sen ở di tích này là sưu tập hoàn thiện cho một bộ vật dâng cúng được “đặt” ở đáy cấu trúc hố thiêng của di tích kiến trúc tôn giáo thuộc Văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ.

Sưu tập hiện vật vàng lá có chạm khắc của di tích chùa Lò Gạch là một cứ liệu lịch sử quan trọng đối với việc nghiên cứu và nhận thức về Văn hóa Óc Eo và lịch sử hình thành - phát triển của miền đất Nam Bộ. Sưu tập này cùng với các sưu tập di vật vàng lá phát hiện trong nhiều di tích khảo cổ học, thuộc nhiều giai đoạn phát triển khác nhau của Văn hóa Óc Eo góp phần trọng đối với việc nghiên cứu và nhận thức các vấn đề lịch sử - văn hóa - tôn giáo, mối quan hệ - giao lưu văn hóa giữa các di tích nói chung cũng như giữa miền đồng bằng châu thổ sông Cửu Long nói riêng với các sưu tập di vật khác có liên quan.

Đặc điểm kỹ thuật chế tác trên các vàng lá cắt dạng hình học của di tích Chùa Lò Gạch là sản phẩm đại diện cho sự kết tinh đỉnh cao của nhiều kỹ thuật chế tác thủ công khác nhau đã hình thành và phát triển trở thành một phần nền tảng vật chất - tinh thần của nền văn hóa Óc Eo vào thiên niên kỷ I Công nguyên. Sưu tập lá vàng thể hiện sự thống nhất cao, phản ánh kỹ năng thuần thục (gồm: dát mỏng, tán nối, chạm khắc…), tay nghề đạt trình độ cao cũng như khả năng truyền đạt nội dung tôn giáo một cách chính xác, về mặt kỹ thuật cho thấy nó cần phải có quá trình tích lũy và phát triển, bao gồm cả sự tiếp nhận và kế thừa từ một truyền thống lâu dài. Nền tảng truyền thống chế tác thủ công này ở Nam Bộ minh chứng việc: có lẽ ngay từ thời Tiền sử với kỹ nghệ luyện kim chế tác đồ đồng, làm đồ kim khí được bổ sung và làm phong phú thêm bởi các kỹ thuật chế tác kim hoàn tiên tiến từ Ấn Độ và khu vực bên cạnh, sự phát triển mạnh mẽ của nhu cầu sản xuất - trao đổi đồ kim hoàn ở Nam Bộ và khu vực trong thời kỳ Văn hóa Óc Eo. Vì vậy, có thể xem những hiện vật này là sản phẩm của quá trình phát triển có tính kế thừa, giao lưu tiếp biến văn hóa diễn ra không ngừng qua nhiều thời kỳ - giai đoạn lịch sử khác nhau, phản ánh truyền thống lịch sử phát triển của Văn hóa Óc Eo, đem lại bản sắc riêng, sức sống mạnh mẽ và sự đa dạng cho nền văn hóa này, tạo nên một trong những thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của miền đất phía Nam.

Sưu tập hiện vật vàng lá chạm khắc hoa sen và hình voi của di tích chùa Lò Gạch là tư liệu nổi bật minh chứng cho một giai đoạn phát triển quan trọng đối với Văn hóa Óc Eo. Hiện vật là sản phẩm của quá trình trao đổi, giao lưu giữa văn hóa bản địa và các yếu tố văn hóa ngoại nhập, là điểm nhấn quan trọng góp phần làm rõ nét hơn cho diện mạo Văn hóa Óc Eo ở địa bàn tỉnh Trà Vinh nói riêng, vùng gò - giồng cát của miền Tây Nam Bộ hay/và rộng hơn với vùng đất Nam Bộ./.

                                                                             Thúy Hà

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website