Ngày 25 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Tác phẩm “Ngục trung nhật ký”

Chất liệu: Giấy.
Kích thước: 9,5 x 12,5 cm.
Niên đại: Năm 1942 – 1943.
Loại hiện vật: Hiện vật liên quan đến danh nhân.

Miêu tả tóm tắt: Tác phẩm gồm 79 trang, kể cả trang bìa... sách đã bị sờn mép, trên có nhiều vết ố do vết ghim để lại, có 02 trang bị rách, thủng. Gáy được đóng bằng chỉ, đã bị rách 6cm.

Giá trị tiêu biểu: Đây là cuốn sổ được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi chép trong thời gian Người bị nhà cầm quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch giam giữ tại các nhà lao, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) từ tháng 8/1942 đến 9/1943.

Về mặt tư tưởng, Ngục trung nhật ký phản ánh tâm hồn đại trí, đại nhân, đại dũng của người chiến sĩ cách mạng không chịu khuất phục trước kẻ thù. Nét nổi bật dễ nhận thấy nhất trong toàn bộ tác phẩm là tinh thần yêu nước, lạc quan cách mạng, biến những điều trông thấy, những cảnh khổ cực, đọa đày ở trong tù trở thành niềm tin, tinh thần vươn lên khát khao đối với tự do, bình đẳng. Với Người, tự do chính là ánh sáng, là nguồn sức mạnh tiếp sức cho con người. Do đó, Người luôn luôn khao khát vươn tới tự do dù ở trong ước mơ, trong giấc ngủ, dù đó là một chút tự do hiếm hoi của chế độ nhà tù...Những khát vọng tự do mạnh mẽ đó, thực chất là khao khát chiến đấu, giải phóng ách nô lệ cho nhân dân, cho dân tộc đang bị thực dân xâm chiếm. Sức mạnh của lời thơ cũng là lý trí của người chiến sĩ cách mạng, với quyết tâm vượt lên mọi đau khổ về thể xác, tâm hồn, giữ vững niềm tin vào tương lai: Nhưng bao trùm lên tất cả là tấm lòng yêu thương bao la của Người đối với nhân loại cần lao.

Về tính văn học: Ngục trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tập nhật ký bằng thơ độc đáo, bao hàm hai yếu tố hòa hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn: chất trữ tình và chất thép. Những vần thơ được viết trong tù ngục, những cảm nhận được hàng ngày trong nhà lao, trên đường đi đày từ nhà lao này sang nhà lao khác, phản ánh hiện thực về chế độ hà khắc của nhà tù Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch nhưng vẫn mang đến cho người đọc một cảm giác khoan khoái bởi một tâm hồn nghệ sĩ, một con người yêu thiên nhiên, yêu con người.

Những phác họa về thiên thiên dưới cái nhìn của một người mất tự do nhưng vẫn đầy lạc quan tuy sơ sài mà chân thật, thắm tình non nước. Những câu thơ như lời tự sự, trữ tình, thể hiện tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh: đó là một tấm gương nghị lực phi thường, một bản lĩnh thép vĩ đại không có gì lung lạc được. Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, những phút suy tư của Người là lời phản kháng mãnh liệt đối với chế độ hủ bại và tàn bạo của Tưởng Giới Thạch trong nhà lao cũng như ngoài xã hội, phản ánh tất cả nỗi gian nguy, hiểm trở trong cuộc sống lao tù. Tác phẩm thể hiện sự  ung dung như một khanh tướng của tác giả, nhưng cũng đanh thép như một tiếng hô xung phong của người chiến sĩ ngoài mặt trận.

Hơn nửa thế kỷ đã qua đi, tác phẩm Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù)  của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được dịch, giới thiệu và xuất bản nhiều lần, bằng nhiều thứ tiếng, dưới nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước đề cập về toàn bộ tác phẩm. Những công trình đó đều nói đến giá trị đặc biệt về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật diễn tả, mà tác giả chính là người Anh hùng dân tộc vĩ đại, Danh nhân Văn hóa - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đơn vị lưu giữ: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)
Liên kết website