Ngày 22 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Thẻ bài Cung nữ ra vào Nội cung thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long

Thẻ bài Cung nữ ra vào Nội cung thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long, hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Kim loại

- Niên đại: Thế kỷ XV

- Giá trị:

Thẻ bài Cung nữ ra vào Nội cung thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long được phát hiện tại hố H1 được khai quật ở góc Đông Bắc của điện Kính Thiên, cách điện Kính Thiên khoảng 100m, cách địa điểm Hậu Lâu khoảng 10m về phía Đông thuộc khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lê. Thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê Sơ, Hoàng Thành Thăng Long là hiện vật được tạo tác hoàn toàn thủ công. Theo quy định, thẻ chỉ được cấp cho một người và chỉ được cấp một lần, do đó, đây là di vật độc bản, không có hiện vật nào hoàn toàn giống với hiện vật này. Hiện nay, chưa phát hiện bất kỳ thẻ bài nào giống với Thẻ bài Cung nữ ra vào Nội cung thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long.

Thẻ bài Cung nữ ra vào Nội cung thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long minh chứng sống động cho việc quản lý Kinh thành dưới thời Lê sơ. Thẻ bài là tên dùng để gọi một nhóm vật dụng. Bài có nghĩa là “cái bảng, mảnh ván đề chữ làm dấu hiệu để yết thị; chiếc thẻ dùng để làm tin”. Từ tên chung là thẻ bài, tùy theo chất liệu làm nên chiếc thẻ mà được gọi là: Kim bài 金牌 (thẻ bài bằng vàng), Ngân bài 銀牌 (thẻ bài bằng bạc), Mộc bài 木牌 (thẻ bài bằng gỗ), Thạch bài 石牌 (thẻ bài bằng đá)...; hay tùy theo công năng của từng chiếc thẻ mà gọi là: Bội bài 佩牌 (thẻ bài để đeo ở cổ), Đái bài (thẻ đeo ở thắt lưng), Tín bài 信牌 (thẻ bài làm tín vật), Lệnh bài 令牌 (thẻ bài giao việc)... Dù có những tên gọi khác nhau nhưng tựu chung lại, trong xã hội quân chủ thẻ bài là vật dụng đặc biệt, dùng để thể hiện ân sủng hay để phân biệt danh tính, phẩm hàm, địa vị, chức phận của chủ nhân tấm thẻ đó. Vì thế thẻ bài có thể chia thành hai nhóm: nhóm thứ nhất là những huân chương, huy chương để tưởng thưởng công trạng hay huy chương danh dự của triều đình ban tặng thể hiện sự ân sủng của triều đình cho các bậc vương công, đại thần, binh sĩ, vv… đã hết lòng phụng sự cho triều đình. Nhóm thứ hai giống như “phục trang” đặc biệt để phân biệt địa vị, phẩm hàm của những hạng người khác nhau trong xã hội. Hoặc có giá trị như giấy thông hành, dùng để ra vào nơi cung cấm, doanh trại hay được dùng như giấy ủy nhiệm của cấp trên giao việc cho thuộc hạ. Trong nhiều trường hợp thẻ cũng tích hợp cả hai loại chức năng này.

Với những sử liệu đã nêu, chúng ta biết chắc chắn rằng, cho đến năm Thiệu Bình năm thứ nhất (1434), đời vua Thánh Tông nhà Lê sơ, việc quản lý ra vào Kinh thành và cả nội cung chưa được quản lý bằng thẻ. Nhưng đến năm Quang Thuận năm thứ 8 (1467), việc quản lý ra vào nội cung bằng thẻ bài đã được thực hiện nhưng cũng chưa thực sự được chặt chẽ vì vậy vẫn được bổ sung, hoàn thiện. Tuy nhiên, với việc phát hiện Thẻ bài Cung nữ ra vào Nội cung thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long lại cung cấp những bằng chứng thuyết phục và cho thấy, mặc dù việc quản lý vẫn tiếp tục được hoàn thiện nhưng dưới thời vua Thánh Tông, việc quản lý người ra vào bằng thẻ bài đã được triển khai đến mọi đối tượng trong cung. Thẻ bài Cung nữ ra vào Nội cung thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long là thẻ cấp cho cung nữ sử dụng trong việc ra khỏi cung cấm để mua đồ phục vụ cho sinh hoạt của cung cấm. Việc sử dụng thẻ bài sẽ được kết hợp giữa thẻ và danh sách những cung nhân trong cung để đảm bảo tránh bị giả mạo. Như vậy, Thẻ bài Cung nữ ra vào Nội cung thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long là minh chứng vật chất quan trọng khẳng định việc sử dụng rộng rãi và nghiêm ngặt thẻ bài khi ra vào cung cấm được bắt đầu dưới thời vua Lê Thánh Tông, đặt nền móng cho việc quản lý cung cấm dưới thời Lê sơ. Phương pháp quản lý này tiếp tục hoàn thiện ở các thời vua sau, đến thời Nguyễn, việc quản lý ra vào cung cấm được thực hiện đồng bộ, chắt chẽ với hệ thống thẻ bài ngày càng hoàn chỉnh và chặt chẽ hơn./.

                                                                       Thúy Hà

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website